Đưa Ninh Bình trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp văn hóa, kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững (*)

Tại lễ khai mạc Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II, năm 2023 với chủ đề 'Sắc màu di sản - Hội tụ và lan tỏa' diễn ra vào tối 26/12, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước đã có bài phát biểu. Báo Ninh Bình xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Võ Thị Ánh Xuân.

Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II, năm 2023.

Thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và các địa phương,

Thưa các vị khách quốc tế; thưa các vị đại biểu khách quý,

Thưa toàn thể đồng chí, Nhân dân và du khách,

Hôm nay, trên vùng đất Cố đô Hoa Lư, tôi rất vui mừng tham dự Chương trình khai mạc Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II, năm 2023, với chủ đề "Sắc màu di sản - Hội tụ và lan tỏa". Đây là mộtsự kiện văn hóa - du lịch mang tầm quốc gia, cũng là thương hiệu lễ hội đặc sắc của Ninh Bình, nhằm kết nối các di sản, các trung tâm du lịch mang tính liên vùng, thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, khu vực.

Trước thềm năm mới 2024, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng và xin gửi tới các vị đại biểu khách quý, các vị khách quốc tế, các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ, cùng toàn thể đồng chí, Nhân dân và du khách lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,

Ninh Bình là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, được thiên nhiên ưu đãi bởi cảnh quan tươi đẹp, đặc sắc, sở hữu các di tích - danh thắng với mức độ đậm đặc, nhất là Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - di sản hỗn hợp duy nhất ở Đông Nam Á đến thời điểm hiện tại.

Ngược dòng lịch sử, cách đây hàng vạn năm, Ninh Bình là nơi mà người tiền sử đã cư trú trong các hang động, mái đá, rồi tiến ra chinh phục vùng đồng bằng trù phú, góp phần hình thành nền văn hóa Đông Sơn - văn minh Việt cổ phát triển rực rỡ từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên. Nơi đây cũng từng là trung tâm kinh tế - thương mại quan trọng của đất nước. Đặc biệt, đến thế kỷ thứ X, Hoa Lư trở thành kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt-Nhà nước có vai trò to lớn trong tiến trình xây dựng nền độc lập và phục hưng dân tộc; tạo nền tảng cho việc định đô Thăng Long - Hà Nội sau này.

Với chiều dài lịch sử đó, Ninh Bình đã hình thành nên khối di sản văn hóa đồ sộ, phong phú. Từ những di sản gắn với tôn giáo, tín ngưỡng như: Hành cung Vũ Lâm, chùa Nhất trụ, Cột kinh Phật, chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm; đến các loại hình nghệ thuật hát chèo, hát xẩm, các lễ hội văn hóa đặc sắc, cùng với các nghề thủ công truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An là sự hòa quyện độc đáo, hiếm có giữa cảnh quan thiên nhiên với sự đa dạng sinh học, sự biến đổi của địa chất qua hàng triệu năm lịch sử. Sự kết hợp giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã tạo nên những bản sắc ít nơi nào có được của vùng đất này.

Phát huy những giá trị tốt đẹp đó, thời gian qua, Ninh Bình đã có những bước phát triển vượt bậc, từ một nền kinh tế thuần nông, quy mô nhỏ, đã bứt phá ngoạn mục, trở thành một tỉnh phát triển toàn diện, trong đó một số lĩnh vực như: du lịch, công nghiệp ô tô, chế biến nông sản đã có sự phát triển vượt trội. Đến nay, tỉnh đã tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 7,27%, cao hơn mặt bằng chung của cả nước.

Xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng hàng đầu, du lịch là thế mạnh nổi trội, Ninh Bình đã không ngừng đầu tư tu bổ, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Việc đổi mới cách thức tổ chức Festival lần này cũng cho thấy quyết tâm của tỉnh về phát huy vai trò to lớn của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Nhân đây, tôi xin biểu dương, đánh giá cao Ninh Bình cùng các địa phương trong cả nước đã có nhiều hoạt động gìn giữ, tôn vinh, phát huy giá trị các di sản văn hóa - tài sản quý báu và niềm tự hào của dân tộc ta.

Mong rằng, Festival Ninh Bình - Tràng An tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, của Nhân dân và du khách ở trong và ngoài nước, trở thành một thương hiệu văn hóa đặc sắc của Ninh Bình, mang tầm quốc gia và quốc tế.

Thưa các đồng chí và quý đại biểu,

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng miền, các dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đó là: phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển" và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa trở thành sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Tin tưởng rằng, cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, yêu nước, khát vọng vươn lên, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của vùng đất Cố đô Hoa Lư, quyết tâm xây dựng Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp văn hóa, là hình mẫu tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Xin chúc các vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể đồng chí, Nhân dân và du khách mạnh khỏe, hạnh phúc.

Chúc Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II, năm 2023 thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.

(*) Đầu đề do Báo đặt

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dua-ninh-binh-tro-thanh-mot-trong-nhung-dia-phuong-di-dau-ca/d2023122621494475.htm