Đưa khoa học công nghệ về cơ sở

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) nói chung và nhất là đưa KH&CN, đầu tư KH&CN về cho cơ sở là yêu cầu cấp thiết. Từ đó góp phần phục vụ sản xuất, đời sống và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào canh tác giúp người dân gia tăng giá trị sản xuất

Đổi thay nhờ ứng dụng khoa học công nghệ

Thời gian qua, nhiều đề tài KH&CN hướng tới nền nông nghiệp bền vững được ứng dụng thành công tại huyện Phú Lộc. Trong đó có các mô hình điển hình như: nuôi cá chình thương phẩm trên sông Truồi; trồng giống ớt sừng bò; nhân rộng mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao DT100; tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo; trồng cây măng tây với quy mô 1,5ha; phục tráng và trồng giống quýt, cam địa phương với quy mô 4ha; trồng lạc hữu cơ với quy mô 11ha; trồng cây dong riềng với quy mô 3ha... Huyện Phú Lộc cũng hoàn thành xây dựng 3 nhãn hiệu tập thể: "cá Vẩu Cầu Hai"; "dầu lạc Mỹ Á"; "rau hữu cơ Mỹ Lợi"; đồng thời xây dựng nhãn hiệu rượu vang Bạch Mã, nước mắm Vinh Hiền... Các dự án KH&CN kể trên được thực hiện đã góp phần nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp đặc trưng có giá trị kinh tế cao ở các xã trên địa bàn huyện Phú Lộc, giúp vùng bên kia đầm phá Cầu Hai vốn độc canh nghề "sông nước" đã có thêm những mô hình sản xuất mới, thêm nguồn thu nhập khác.

Như nhiều địa phương khác, huyện Phong Điền có tiềm năng phát triển kinh tế khá lớn, nhất là phát triển sản phẩm bản địa từ áp dụng tiến bộ KH&CN. Huyện đã bố trí, lồng ghép nhiều nguồn vốn đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đời sống, đưa kinh tế phát triển. Nhiều đề tài KHCN được ứng dụng rộng rãi tại địa phương, như mô hình trồng bưởi da xanh, thanh trà, dâu, táo, ổi, atiso đỏ, cà gai leo, sa nhân tím... áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, mang giá trị kinh tế cho người dân vùng đồi, vùng cát.

Phong Điền còn phối hợp ban, ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh hoạt động phát triển tài sản trí tuệ, như tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể các sản phẩm, làng nghề có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử như đệm bàng Phò Trạch; mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên; dưa hấu, thanh trà Phong Điền; lúa gạo vietGAP, hữu cơ, nhãn hiệu chứng nhận "Hương xưa Làng cổ Phước Tích"... Nhờ đầu tư, xây dựng thương hiệu, các sản phẩm đệm bàng Phò Trạch, mộc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, nước mắm Phong Hải... đã vươn ra thị trường lớn, tăng giá trị hàng hóa, thu nhập cho người dân, địa phương.

TX. Hương Trà cũng đang tiếp tục thực hiện các mô hình: liên kết sản xuất lúa chất lượng cao; đăng ký tiêu chuẩn rau, hành lá VietGAP; liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu sâm Bố Chính; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả có múi ở vùng gò đồi tại TX. Hương Trà, giai đoạn 2023-2025; lập website quảng bá nông sản các địa phương trên địa bàn thị xã...

Huy động nhiều nguồn lực

Nhiều chương trình, dự án về KHCN thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp KH&CN cho cơ sở trong thời gian qua đã phát huy được hiệu quả rất lớn. Trong điều kiện diện tích trồng lúa bị thu hẹp, tỷ lệ người làm nông giảm, nhưng nhờ áp dụng KHCN vào sản xuất, đổi mới phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, VietGap nên năng suất và sản lượng lúa của nhiều vùng như Hòa - Bình - Chương, Phong Hiền (Phong Điền), Lộc An (Phú Lộc), Phú Lương (Phú Vang)... tăng gần gấp 3 lần so với trước. Trong đó phải kể đến việc cải tạo giống lúa, đổi mới quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác…

Để thực hiện và thực hiện thành công các đề tài, dự án KH&CN tại cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua phải kể đến nguồn hỗ trợ từ vốn sự nghiệp KHCN. Các địa phương đã chủ động tự bố trí ngân sách tùy từng địa phương và từng năm. Chẳng hạn để triển khai hoạt động KH&CN trên địa bàn năm 2023, UBND TP. Huế đã bố trí 740 triệu đồng; UBND TX. Hương Thủy bố trí 470 triệu đồng; UBND TX. Hương Trà 250 triệu đồng; UBND huyện Phú Lộc 270 triệu đồng; UBND huyện Phong Điền 350 triệu đồng; UBND huyện Phú Vang 270 triệu đồng; UBND huyện Quảng Điền 248 triệu đồng; UBND huyện Nam Đông 300 triệu đồng và UBND huyện A Lưới bố trí 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, nguồn ngân sách tự bố trí của từng địa phương để triển khai hoạt động KH&CN trên địa bàn vẫn chưa đủ. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách nhà nước cấp để thực hiện các đề tài, dự án KH&CN các cấp vẫn còn khiêm tốn, chỉ cấp đủ thực hiện khoảng trên dưới 20 đề tài, dự án KH&CN. Trong khi đó, tiềm lực, tài nguyên đang cần được nghiên cứu, tạo ra công trình, sản phẩm để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống là rất lớn. Nên ngoài nguồn ngân sách nhà nước cho KH&CN, đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích để tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho KH&CN, góp phần huy động, khuyến khích các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ.

Để đầu tư KH&CN cho cơ sở cần phải lồng ghép nhiều nguồn lực, phối hợp nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp nông thôn, chương trình OCOP, các chương trình mục tiêu quốc gia... Ngoài ra, khuyến khích phát huy nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho hoạt động KHCN.

Đại diện Sở KH&CN cho biết, việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22 quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 là chìa khóa để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, đưa KH&CN về cơ sở. Trong đó có nhiều nội dung, chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ hấp dẫn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp "ăn nên" và phát triển nếu liên kết, quan tâm đầu tư KH&CN cho cơ sở.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/khoa-hoc-cong-nghe/dua-khoa-hoc-cong-nghe-ve-co-so-133959.html