Đưa chính sách bảo hiểm đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, BHXH huyện Sông Hinh nỗ lực đưa chính sách BHYT đến toàn dân, nhất là các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Qua đó giúp người dân nâng cao hiểu biết về chính sách nhân văn này, nhất là việc được chăm sóc sức khỏe, chia sẻ gánh nặng chi phí khi ốm đau, bệnh tật khi đến các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh.

Đồng bào dân tộc thiểu số đến khám chữa bệnh Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh bằng thẻ BHYT. Ảnh: LỆ VĂN

Giúp người dân giảm bớt khó khăn

Hơn 3 tháng trôi qua, gia đình ông Niê Rung ở buôn Krông (xã Ea Bia, huyện Sông Hinh) vẫn nhớ như in thời điểm vợ ông là bà KPă Hờ Lanh bị bướu ở cánh tay, tiểu phẫu điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Không chỉ được các y bác sĩ thăm khám chu đáo mà nhờ có tấm thẻ BHYT nên sau gần 10 ngày điều trị, gia đình ông chỉ trả vài trăm ngàn đồng trong tổng số hơn 7 triệu đồng viện phí.

Ông Niê Rung, nói: “Nhờ tham gia BHYT nên khi nằm viện, vợ tôi được chi trả các chi phí khám, chữa bệnh. Tôi cảm thấy chính sách BHYT rất thiết thực, là “phao cứu sinh” đối với mỗi người dân, giúp chúng tôi được bảo đảm, chăm sóc sức khỏe khi không may ốm đau”.

Tại Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh hiện có khá đông bệnh nhân là đồng bào DTTS đang khám và điều trị bằng thẻ BHYT. Ông K’Pá Y Hiếu, một bệnh nhân đang điều trị tại đây cho biết, trước đây khi ốm đau, người dân thường tìm đến các thầy lang để cúng hoặc tự đi mua thuốc tại các tiệm thuốc tây. Từ khi Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, đồng bào DTTS đã chủ động mua thẻ BHYT, mỗi lần bị bệnh mọi người đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

“Không chỉ giảm bớt nỗi lo về tiền viện phí mà khi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, được các y bác sĩ tận tình chăm sóc, sức khỏe của tôi đã đỡ hơn rất nhiều”, ông K’Pá Y Hiếu chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Giám đốc BHXH huyện Sông Hinh, nhằm đưa các chính sách, pháp luật về BHYT vào cuộc sống, thời gian qua, BHXH huyện Sông Hinh đã tích cực phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Những thông tin về chính sách BHYT, BHXH liên tục được phổ biến tới người dân thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp; đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về BHYT, hướng tới BHYT toàn dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, trên địa bàn huyện có hơn 75% dân số là đồng bào DTTS. Cuộc sống người dân phụ thuộc vào ruộng rẫy, chăn nuôi quy mô hộ gia đình nên không những không có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện, mà tỉ lệ tham gia BHYT hộ gia đình cũng rất thấp, với khoảng 4.000 người DTTS chưa tham gia BHYT. Vì vậy, khi ốm đau, bệnh tật, người dân không có BHYT để khám, chữa bệnh, không có tiền chi trả viện phí nên nhiều trường hợp tự điều trị ở nhà, dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng và nguy hiểm đến tính mạng.

“Người dân thu nhập bấp bênh, không đủ ăn nên không biết lấy đâu ra tiền mà mua BHYT. Vẫn biết sau này già sẽ khó khăn, khi ốm đau không có thẻ BHYT để khám, chữa bệnh, nhưng do không có tiền nên nhiều người chưa thể tham gia ngay”, chị Nay H’Oanh, cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Ea Bia cho hay.

Theo ông Y Hóc, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bia, với đặc thù là xã miền núi, có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, việc khai thác, phát triển BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Để tăng tỉ lệ bao phủ BHYT, chính quyền cùng với các đoàn thể phối hợp với BHXH huyện nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, tổ chức nhiều buổi đối thoại, bám buôn, bám làng để đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, trong đó chú trọng tuyên truyền bằng tiếng dân tộc nhằm đưa chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, cùng với đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên của BHXH huyện, các trưởng thôn, buôn đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Đây là cách làm hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh hoạt mang tính chất cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS.

“Để công tác tuyên truyền ngày càng phát huy hiệu quả, BHXH huyện Sông Hinh đã lựa chọn những cán bộ có khả năng truyền đạt bằng tiếng dân tộc, hiểu được phong tục, tập quán của các dân tộc trên địa bàn để tham gia tuyên truyền, vận động. Thông qua trưởng thôn, trưởng buôn, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT”, ông Nguyễn Quốc Bình nói.

Xác định việc tuyên truyền giữ vai trò quan trọng, thời gian qua, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT luôn được ngành ưu tiên thực hiện. Chúng tôi tập trung các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành liên quan; tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để đẩy mạnh truyền thông trên địa bàn, nhất là các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hồ Phương

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/314535/dua-chinh-sach-bao-hiem-den-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html