Đưa bộ đàn đá Khánh Sơn nổi tiếng ở Khánh Hòa cho công chúng chiêm ngưỡng

Bộ đàn đá Khánh Sơn rất có giá trị về mặt âm nhạc học và có niên đại hàng ngàn năm, là hiện vật đặc trưng gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bảo dân tộc miền núi tỉnh Khánh Hòa.

Nhân dịp kỷ niệm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653 - 2023) và 48 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2.4.1975-2.4.2023)", chiều 29-3, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa tổ chức trưng bộ đàn đá Khánh Sơn A và B.

Bộ đàn đá Khánh Sơn A và B được ông Bo Bo Sung (cha của ông Bo Bo Ren ) tìm thấy tại núi Dốc Gạo, xã Trung Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Phú Khánh (nay là thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa).

Theo ông Bo Bo Ren kể thì thuở lên 13, 14 tuổi, đã thấy bộ đàn này. Trong giai đoạn khánh chiến chống Mỹ cứu nước, để tránh sự tàn phá, hủy diệt của bom đạn Mỹ, gia đình đã cất dấu các thành đàn đá trên đỉnh núi Dốc Gạo.

Giới thiệu "Bộ đàn đá Khánh Sơn A và B" đến công chúng

Ngày 16-3-1979, ông Bo Bo Ren đã trao tặng bộ đàn đá Khánh Sơn A (gồm 5 thanh) cho chính quyền tỉnh Phú Khánh. Ngày 26-3-1979, sau khi tìm được trên đỉnh núi Dốc Gạo, ông Bo Bo Ren tiếp tục trao tặng bộ đàn đá Khánh Sơn B (gồm 7 thanh) cho chính quyền. Bộ đàn đá Khánh Sơn A và B được tỉnh Phú Khánh bàn giao cho Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam để nghiên cứu.

Đến ngày 12-9-1979, Hội đồng khoa học về đàn đá Khánh Sơn do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Viện trưởng Viện âm nhạc Việt Nam, làm chủ tịch đã công bố kết quả sơ bộ nghiên cứu, nêu rõ: "Bộ đàn đá Khánh Sơn rất có giá trị về mặt âm nhạc học và có niên đại hàng ngàn năm (khoảng 3.000-4.000 năm). Âm thanh sắc, gọn, có cao độ rõ rệt, ngân dài, âm thanh trầm bổng, độ mạnh nhẹ, độ dài ngắn và màu sắc đặc biệt của âm. Bộ đàn đã Khánh Sơn là hiện vật đặc trưng gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bảo dân tộc miền núi tỉnh Khánh Hòa".

Bộ đàn đá Khánh Sơn rất có giá trị về mặt âm nhạc học và có niên đại hàng ngàn năm (khoảng 3.000 – 4.000 năm)

Bộ đàn đá Khánh Sơn A và B sau đó được giới thiệu, biểu diễn ở TP Hà Nội, TP HCM rồi đưa về tiếp tục nghiên cứu, sáng tác, bảo quản tại Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại TP HCM.

Đến nay, có hơn 50 tác phẩm sáng tác thể nghiệm và dàn dựng thành tiết mục cho 2 bộ đàn đá Khánh Sơn cùng các đàn đá khác. Trong đó, đa số là tiết mục viết cho độc tấu, song tấu, tam tấu đàn đá có dàn nhạc dân tộc đệm; hoặc một số tiết mục đàn đá đệm cho đơn ca, tốp ca, một số tiết mục kết hợp giữa đàn đả với múa và vũ kịch múa...

Ngày 27-3-2023, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam TPHCM, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tổ chức bàn giao bộ đàn đá Khánh Sơn A và B để tỉnh Khánh Hòa trực tiếp quản lý, phát huy giá trị.

Ông Nguyễn Phương Đông (62 tuổi, ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) một trong những người đầu tiên được phân công tập, biểu diễn đàn đá để báo cáo Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Công bố xếp hạng di tích quốc gia nhà làm việc của bác học Alexandre Yersin trên núi Hòn Bà

Chiều cùng ngày, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao xếp hạng bổ sung địa điểm nhà làm việc của nhà bác học Alexandre Yersin trên núi Hòn Bà, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa là di tích quốc gia.

UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận xếp hạng di tích Quốc gia nhà làm việc của bác học Alexandre Yersin trên đỉnh núi Hòn Bà

Ngôi nhà làm việc, còn gọi là trạm thử nghiệm, của bác sĩ Alexandre Yersin trên đỉnh núi Hòn Bà được xây dựng khoảng năm 1914. Địa điểm này gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu khoa học, y học phục vụ con người của nhà bác học - bác sĩ A.Yersin.

Căn nhà này nằm ở độ cao 1.578m, gồm nhà gỗ 2 tầng và bể nước kiên cố, được bác sĩ A.Yersin dùng làm nơi ở khi làm việc, nghiên cứu trên đỉnh núi Hòn Bà. Đến nay, nền móng nhà, bể chứa nước vẫn còn tồn tại.

Nhà làm việc cũng là trạm thử nghiệm của bác sĩ A.Yersin nằm ở độ cao 1.578m trên đỉnh Hòn Bà - ảnh: Thành Nhân

Tin, ảnh: Kỳ Nam

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/dua-bo-dan-da-khanh-son-noi-tieng-o-khanh-hoa-cho-cong-chung-chiem-nguong-2023032917364331.htm