Dự trữ ngoại hối xuống thấp, Trung Quốc khó thở

Tính đến hết tháng 10, quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm tháng thứ tư liên tiếp với tổng giá trị lên tới khoảng 80 tỉ USD, và khiến cho lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của nước này đã chạm đáy kể từ thời điểm năm 2011 với tổng giá trị chỉ còn đạt khoảng 3.121 tỉ USD.

Ảnh minh họa

Kinh tế Trung Quốc dường như đang bước vào giai đoạn khá ổn định, khi nó vừa đạt một cú hattrick tăng trưởng đạt mức 6,7% liên tiếp trong vòng 3 quý đầu năm nay. Nhưng có vẻ như để có được sự ổn định này nền kinh tế số hai thế giới đã phải trả một cái giá khá đắt. Theo thông báo mới nhất, tính đến hết tháng 10, quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm tháng thứ tư liên tiếp với tổng giá trị lên tới khoảng 80 tỉ USD, và khiến cho lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của nước này đã chạm đáy kể từ thời điểm năm 2011 với tổng giá trị chỉ còn đạt khoảng 3.121 tỉ USD. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng này là do sức ép đạt được mục tiêu tăng trưởng đã tạo ra tình trạng bất ổn về tỷ giá và buộc chính phủ Trung Quốc phải sử dụng đến quỹ dự trữ ngoại hối để ổn định tình hình.

Những con số thống kê về mức sụt giảm của quỹ dự trữ ngoại hối Trung Quốc kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trong vòng vài tháng gần đây, không phải là những dấu hiệu tích cực đối với nền kinh tế số hai thế giới. Cụ thể, chỉ trong tháng 10 dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm tới 45,7 tỉ USD – mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ thời điểm tháng Một năm nay. Trước đó, theo báo cáo của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC), thì mức sụt giảm dự trữ ngoại hối trong tháng 9 đạt khoảng 19 tỉ USD.

Điều đáng chú ý là, mức giảm 45,7 tỉ USD trong tháng 10 lớn hơn mức giảm tổng cộng của 3 tháng trước đó cộng lại, cho thấy sự nghiêm trọng của vấn đề. Tổng cộng trong 4 tháng qua, quỹ dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm khoảng 80 tỉ USD và hiện chỉ còn đạt giá trị tổng cộng khoảng 3.121 tỉ USD – mức thấp nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, mức giảm thực tế có thể còn lớn hơn nữa, chẳng hạn như trong tháng 9 mức giảm chính xác có lẽ phải lên tới 26 tỉ USD thay vì 19 tỉ USD như PBOC công bố.

Lý do chủ yếu được PBOC đưa ra, cũng như các đánh giá quốc tế, tập trung vào sự biến động tỷ giá giữa đồng USD và đồng nhân dân tệ kể từ thời điểm nửa sau của năm. Capital Economics cho biết: “Sự suy giảm lớn nhất trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc kể từ đầu năm đến nay liên quan đến các hiệu ứng về tỷ giá nhiều hơn”. Kể từ đầu năm đến nay, đồng USD có xu hướng mạnh lên đáng kể so với các đồng tiền chủ chốt khác như nhân dân tệ, euro hay bảng Anh; tính đến cuối tháng 10 vừa qua tỷ giá nhân dân tệ với USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi kể từ thời điểm 1.10 vừa qua đồng nhân dân tệ đã chính thức được đưa vào giỏ tiền tệ thanh toán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), khiến cho sức ép buộc chính phủ Trung Quốc phải đưa đồng nội tệ của mình về đúng giá trị thực lại càng tăng lên.

Tất cả những nguyên nhân trên khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt giảm đáng kể như chi phí cần thiết để giữ ổn định nền kinh tế. Phần lớn trong số 80 tỉ USD sụt giảm trong quỹ dự trữ ngoại hối trong vòng 4 tháng qua của Trung Quốc, là do PBOC bán ra để tránh kịch bản đồng nhân dân tệ giảm giá quá mạnh có thể đẩy nền kinh tế vào tình trạng bất ổn. Mức sụt giảm kỷ lục 45,7 tỉ USD trong tháng 10 có lẽ là hệ quả trực tiếp của việc đồng nhân dân tệ chính thức được đưa vào giỏ tiền tệ của IMF – một động thái khiến đồng nội tệ của Trung Quốc giảm giá như một hệ quả tất yếu để trở về với giá trị thực của nó. Nói cách khác, số tiền gần 80 tỉ USD sụt giảm của quỹ dự trữ ngoại hối Trung Quốc trong vòng 4 tháng qua là cái giá mà nước này phải trả để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức 6,7% trong quý 3 năm nay.

Theo đánh giá của Reuters, đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục có xu hướng giảm giá trong thời gian sắp tới, được dự báo sẽ giảm ít nhất là 2% trong vòng 12 tháng kế tiếp. Ngoài yếu tố tác động tỷ giá do Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất đồng USD trong thời gian sắp tới, thì bản thân các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ khiến đồng nội tệ của nước này sụt giá. Việc tăng trưởng kinh tế chậm lại và các vấn đề như nợ của các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng tăng lên cũng khiến cho tỷ giá đồng nhân dân tệ sụt giảm. Chính phủ Trung Quốc đang phải đối đầu với một bài toán phức tạp trong việc ổn định tỷ giá đồng nội tệ của mình, không để nó giảm quá thấp do tác động về tỷ giá của đồng USD mà cũng không được để nó tăng cao có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và gánh nặng nợ nần. Trong tháng 9 vừa qua, song song với việc bán ra 19 tỉ USD để hỗ trợ tỷ giá, thì PBOC cũng đã phải bán ra 337,5 tỉ nhân dân tệ (tương đương 50,1 tỉ USD) để hỗ trợ đồng nhân dân tệ suy yếu theo yêu cầu của chính phủ.

Việc chính phủ Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ đang khiến cho tăng trưởng kinh tế của nước này được dự báo sẽ có thể biến động mạnh trong thời gian tới. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 3 vừa qua được thúc đẩy chủ yếu bởi đầu tư vào cơ sở hạ tầng của chính phủ và sự bùng nổ trên thị trường bất động sản. Khi tỷ giá nhân dân tệ suy yếu, cộng với việc bong bóng bất động sản đang hình thành buộc chính phủ Trung Quốc kiềm chế thị trường này, thì tăng trưởng trong những tháng sắp tới có thể sẽ sụt giảm.

Nhàn Đàm (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/du-tru-ngoai-hoi-xuong-thap-trung-quoc-kho-tho-46899.html