Dư thừa rượu vang, người nông dân Australia phải phá hủy hàng triệu cây nho

Người nông dân Australia đang phải phá bỏ hàng triệu cây nho để kiềm chế tình trạng sản xuất quá mức đang làm ảnh hưởng đến giá nho và đe dọa sinh kế của người trồng và các nhà sản xuất rượu…

Sự suy giảm trong tiêu thụ rượu vang trên toàn cầu đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Australia khi nhu cầu giảm nhanh nhất đối với các dòng vang đỏ giá thấp, cũng là sản phẩm chiếm đa số trong hoạt động sản xuất rượu vang trị giá 1,9 tỷ AUD của nước này.

Các lo ngại về sức khỏe đang thúc đẩy người tiêu dùng trên toàn thế giới giảm tiêu thụ rượu và ngay cả khi muốn thưởng thức, họ cũng sẽ chọn những chai đắt giá hơn. Trong khi đó, khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rượu vang Australia vì một tranh chấp chính trị vào năm 2020, Australia đã mất thị trường xuất khẩu rượu lớn nhất của mình về giá trị. Và khác với châu Âu, chính phủ nước này chưa cung cấp viện trợ tài chính cho nông dân để giúp họ phá hủy cây nho và rượu vang dư thừa.

Và mặc dù dự kiến Trung Quốc sẽ cho phép nhập khẩu trở lại vào tháng này, nhưng điều đó không giúp giảm bớt tình trạng dư thừa, vì nhu cầu giảm mạnh hơn ở nhiều nơi khác.

Chile, Pháp và Mỹ là những quốc gia sản xuất rượu lớn khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa, ngay cả những khu vực hàng đầu như Bordeaux cũng phải di dời hàng nghìn hecta nho.

Tính đến khoảng thời gian giữa năm 2023, Australia - quốc gia đứng thứ năm trong số các nước xuất khẩu rượu vang - đang có hơn hai tỷ lít, tương đương khoảng hai năm sản xuất, tồn kho và một phần lớn trong số đó đã bị hỏng khiến chủ sở hữu phải vội vã loại bỏ nó bằng mọi giá.

Khi các nhà sản xuất rượu lớn như Treasury Wines và Accolade Wines của Tập đoàn Carlyle Group tập trung lại vào các chai rượu đắt tiền hơn và bán chạy hơn, thì các khu vực xung quanh Griffith đang gặp khó khăn, với những trái nho không được hái đang nhăn nhúm trên cành cây.

"Mọi người đều đang cố gắng thanh lý rượu. Các nhà máy rượu còn phải cho bớt đi để dọn chỗ cho vụ mùa mới”, ông Bill Calabria, một người trồng nho tại Griffith tiết lộ.

Trong đó, rượu vang đỏ là mặt hàng gặp nhiều thách thức nhất. Ở các khu vực như Griffith, giá của những trái nho được sử dụng để làm rượu vang đỏ đã giảm xuống mức trung bình là 304 AUD mỗi tấn vào năm ngoái, giảm gần gấp đôi từ con số 659 AUD của năm 2020, số liệu từ cơ quan ngành công nghiệp Wine Australia cho thấy. Thậm chí có một số loại nho đỏ còn chỉ được bán với giá chưa đến 100 AUD mỗi tấn.

Để lấy lại sự cân bằng thị trường và thúc đẩy giá cả, có tới một phần tư số lượng cây nho trong các khu vực như Griffith đang được yêu cầu cắt bỏ, Jeremy Cass, trưởng nhóm người trồng nho Riverina Winegrape Growers, một tổ chức nông dân lưu ý.

Quyết định này sẽ phá hủy hơn 20 triệu cây nho trên 12.000 hecta, tương đương 8% tổng diện tích nho của Australia, theo các tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của Wine Australia.

Nhiều nhà trồng nho và sản xuất rượu vang ở các khu vực khác cũng đã cắt bỏ cây nho. “Ngay cả khi một nửa số cây nho ở Australia bị phá hủy, thì vẫn khó có thể giải quyết được vấn đề dư thừa”, một nhà sản xuất rượu vang ở phía Tây Australia nhận xét.

Ở một diễn biến khác, một số người trồng nho đang chuyển sang trồng cam và hạt dẻ.

“Chúng tôi làm sao có thể tiếp tục cứng đầu trồng một loại cây và chịu cảnh mất tiền suốt như vậy được chứ”, ông James Cremasco, một người trồng nho thế hệ thứ tư, buồn bã chia sẻ khi ông quan sát từng chiếc máy xúc gom sạch những hàng cây nho mà ông nội mình đã trồng lên trong quá khứ.

Như ông James Cremasco hy vọng, sẽ có lợi nhuận lớn hơn từ các cây mơ sẽ được trồng trên khu đất; trong khi tập đoàn GoFARM gần đó cũng đang chủ động trồng hơn 600 hecta hạt hạnh nhân để thay thế cho nho.

Hạnh Chi

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/du-thua-ruou-vang-nguoi-nong-dan-australia-phai-pha-huy-hang-trieu-cay-nho-post549936.html