Dự phòng để giảm nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika

Tại nước ta, bệnh do virus Zika gây ra đã trở thành bệnh lưu hành khi đến nay cả nước đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với virus Zika.

Vì vậy, việc dự phòng để giảm nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika là vấn đề mà Bộ Y tế ưu tiên hàng đầu hiện nay trong công tác phòng chống dịch Zika.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp nhiễm Zika, trong đó có 12 quốc gia ghi nhận trường hợp nhiễm từ người sang người (Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha…).

Biểu hiện có thể mắc bệnh do virus Zika:

- Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C; mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân.

- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, suy nhược.

- Một số ít bệnh nhân có thể đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.

Ở Đông Nam Á, virus Zika cũng được ghi nhận đã lưu hành tại 7/10 nước (Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia…). Các trường hợp mắc chủ yếu mang tính đơn lẻ không bùng phát thành dịch lớn.

Tại Việt Nam, tính đến ngày 5/11, cả nước đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với virus Zika (TPHCM 29 ca, Đắk Lắk 2 ca, Bình Dương 2, Khánh Hòa, Phú Yên và Long An mỗi địa phương 1 ca).

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc mới và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Tuy nhiên, vấn đề Bộ Y tế ưu tiên hàng đầu hiện nay là khả năng dự phòng, đáp ứng dịch, phát hiện sớm các trường hợp phụ nữ có thai mắc bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra.

"Trước đó đã phát hiện trường hợp trẻ mắc dị tật đầu nhỏ mới nhất ở Đắk Lắk, nên trong thời gian tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới”, lãnh đạo Bộ Y tế nhận định.

Theo PGS.TS. Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nước ta có hệ thống chẩn đoán trước sinh và yêu cầu phụ nữ nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai (12 tuần, 22 tuần và 32 tuần).

Nếu tuân theo hướng dẫn cơ bản này thì phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ. Với các ca mới sinh, việc đo kích thước xác định mắc đầu nhỏ rất đơn giản như quan sát hình thái của đầu, biến dạng xương sọ, chụp cộng hưởng từ để biết cấu trúc não. Do đó, ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe bằng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, phụ nữ có thai cần phải đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi.

Theo PGS.TS. Trần Danh Cường, chị em phụ nữ cần ý thức được tầm quan trọng của thời điểm khám thai, tuân thủ lịch hẹn.

Các chuyên gia y tế cũng cho biết, tất cả phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng, vì tỉ lệ các mẹ nhiễm Zika sinh con đầu nhỏ là rất thấp, chỉ chiếm 1-10%.

Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có một trong các biểu hiện nghi ngờ của bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.

Phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng). Trường hợp phụ nữ chậm kinh 7-10 ngày nên chủ động đi khám và siêu âm thai ngay để đánh giá sức khỏe, xác định thai và được tư vấn hẹn lịch khám chi tiết.

Thúy Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/du-phong-de-giam-nguy-co-tre-mac-chung-dau-nho-do-virus-zika/290892.vgp