Dư luận lúc này dễ bị “dắt mũi” thế sao?

Dư luận lúc này dễ bị “dắt mũi” thế sao? Từ mấy quyển sách bị đem kê dưới chân ghế mà ngồi trên đó là hai người nổi tiếng, khiến người ta không thể không biết đến một game show sắp ra mắt; đến một anh nông dân trồng ổi, hay hát hơn là hát hay mà lúc này thẳng tiến vào phòng thu và nghe nói là đã bước lên sân khấu… Tất cả, chỉ cần gây được sự chú ý? Là được?

Nếu cố tình, thì lại là chuyện khác!

Mình thực ra không thuộc về showbiz để dám chắc là một người thạo tin. Mình thoạt tiên thậm chí còn có một chút “nhẹ dạ” khi thấy những người trót ngồi trên sách kia bị “ném đá”. Chỉ đơn giản là mình nghĩ: Sách, hay bất cứ đồ vật nào khác đã được người ta mang về nhà và thuộc về sở hữu cá nhân thì việc sử dụng nó thế nào, đó là quyền của họ. “Nâng cao quan điểm” bằng một cái nhìn soi mói, khắt khe, “bới bèo ra bọ”, “vạch lá tìm sâu” là điều mình luôn không ủng hộ.

Trừ khi, đó là một cách người ta cố tình gây chú ý, bằng cách lợi dụng sở thích “ném đá” của một bộ phận không nhỏ cư dân mạng lúc này, thì đó lại là chuyện khác. Và nếu thế, mình cũng nói thẳng là mình không ủng hộ. Có những sự sơ sểnh đáng tin và đáng được thông cảm thì cũng có những sự “sơ sểnh” đáng ngờ và đáng đặt dấu hỏi vậy, ở người này hay người kia, cách này hay cách kia, hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác…

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy

Mình đã lớn lên trong một ngôi nhà đầy sách, bố mẹ mình và cả mình nữa đã từng coi sách như một lẽ sống và gần như là một “vật dụng” thân thiết trong sinh hoạt hàng ngày. Thời chật vật khó khăn, cũng đã từng có lúc lấy sách ra chèn cái này cái nọ cho phẳng, cho cân… mà không phân biệt đó là sách tốt hay sách xấu, cũng không mảy may băn khoăn làm thế liệu có là “nhục mạ tri thức”. Bởi lẽ, đó chỉ đơn giản là một “giải pháp tình thế” không nhằm gây chú ý hay một mục đích có tính “lớp lang” nào khác, được thực hiện ở một nơi riêng tư và dĩ nhiên, không mang tính “biểu tượng” như khi sách được kê dưới chân (hay bị xé) bởi những người nổi tiếng…

Mình cũng không ủng hộ, khi ai đó nói rằng, không nên quá xót xa cho số phận của những cuốn sách được dùng nhét ghế kia vì nó không phải là những cuốn sách quý. Lấy gì để đảm bảo rằng, cuốn sách này là không đáng quý với người này thì cũng sẽ không đáng quý với người kia và ngược lại? Sẽ không bao giờ có một mẫu số chung nào cho những giá trị tinh thần như sách để người ta có thể dễ dàng định lượng chỉ với mục đích “chống chế và ngụy biện”!

Chạy trường, để được “miễn nhiễm”?

Mình, thôi thì cũng tạm gọi là có học hành và cũng đã khôn lớn để có thể phần nào phân biệt được thật giả, phải trái, đúng sai và từ đó, có được một sức đề kháng tương đối với những cái gọi là “lệch chuẩn” kia bằng một vài phản ứng nho nhỏ. Nhẹ thì là nói không với cái tivi (nhiều năm nay mình đã gần như bỏ hẳn thói quen xem vô tuyến), khi “cay đắng” nhận ra rằng: không ít giá trị được tôn vinh thực ra chỉ là những giá trị ảo, hay ngược lại. Nặng hơn, là nói không với sự giả dối, tinh ranh, thớ lợ… ngoài đời sống…

“Mọi giá trị có thể bị đảo lộn thật đấy, đôi lúc dễ dàng đến cay mắt! Duy giá trị đáng kể nhất là luôn cần được giữ lại: Đó là cách chúng ta mở to mắt nhìn cuộc sống, như nó vốn có, với tất cả sự bề bộn, tranh tối tranh sáng của nó, đẹp xấu, trái phải,đúng sai… để ít nhất, không bị lập cập và mù mờ trước nó...”

Nhưng, các con của chúng ta thì sao, khi chúng chưa đủ khôn lớn và tỉnh táo? Thêm lần nữa, chúng ta lại vừa cùng nhau trải qua một cái mùa chắc chỉ có ở VN: Mùa chạy trường. Đã không tiếc tiền, tiếc công tất tưởi chạy cho con vào trường điểm, lớp chọn, trăm sự cũng chỉ bởi mong muốn trang bị cho con một sức đề kháng, miễn nhiễm tốt nhất bằng một giải pháp thôi thì tạm gọi là lành mạnh và tối ưu nhất, trước những gì nhiễu nhương, lộn xộn ngoài kia. Chúng ta cố gắng tự “trồng rau sạch” trong khả năng có thể, dù vẫn biết, có lúc con cái chúng ta vẫn phải chấp nhận ăn những thứ “thức ăn bẩn” ngoài đường phố. Và chúng ta cố gắng tin rằng những cái mầm cây được chăm bẫm hết sức ấy sẽ có ngày đơm hoa kết trái.

Khi lo cho con vào học ở trường quốc tế, tôi cũng mang trong mình những kỳ vọng như vậy, dù vẫn tự nhủ: tất cả chỉ là tương đối. Bởi đã chắc gì, một cái cây được chăm bẫm tốt, là khi vào đời, sẽ hẳn nhiên tươi tốt? Hay biết đâu, sẽ bị “cớm nắng”? Thật ra, tôi không quá kỳ vọng vào việc giáo dục ở trường. Mà ăn thua, là chúng được nhìn thấy những gì ở những người lớn, ngay chính trong ngôi nhà của nó. Trăm điều chúng ta nói với con với hy vọng chúng sẽ làm theo không có giá trị bằng một việc chúng ta làm để chúng nhìn vào.

Luôn luôn, tôi nhắc con: “Hãy biết nghi ngờ những điều cô và mẹ nói. Bởi vì, có những điều hôm nay đúng, mai có thể sai, hoặc đúng với người này nhưng lại có thể sai với người kia. Và đừng quên, con có internet, để có thể dễ dàng kiểm chứng!”.

Thế nên, từ một cuốn sách (bị hay được) kê dưới ghế, hay một anh chàng nông dân (hát rất tệ nhưng) vẫn vào được đến phòng thu và ra được đến sân khấu… - các con cũng hoàn toàn có thể kiểm chứng, bằng quan điểm của riêng mình. Mọi giá trị có thể bị đảo lộn thật đấy, đôi lúc dễ dàng đến cay mắt! Duy giá trị đáng kể nhất là luôn cần được giữ lại: Đó là cách chúng ta mở to mắt nhìn cuộc sống, như nó vốn có, với tất cả sự bề bộn, tranh tối tranh sáng của nó, đẹp xấu, trái phải, đúng sai… để ít nhất, không bị lập cập và mù mờ trước nó... – Phải vậy?!

Hoa hậu VN Nguyễn Thu Thủy

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dâncủa một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

>>Cùng tác giả: "Hoa hậu" là gì mà rất nhiều cô gái đau đáu khát khao? Là một hoa hậu có thực sự vẻ vang? Và khi đã khoác lên mình danh vị hoa hậu, có nhất thiết phải sống khác, nói khác, nghĩ khác "hoa thường"? Mời độc giả đọc bài báo của Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy:
Cấm cửa thí sinh dự thi Hoa hậu "sống thử": Lấy gì đảm bảo không... lọt?

Nguồn LeMedia: http://dep.com.vn/Sao-lam-bao/Du-luan-luc-nay-de-bi-dat-mui-the-sao/32689.dep