Dư luận Ấn Độ tiếp tục phẫn nộ đòi bảo vệ phụ nữ tốt hơn

Vụ cưỡng hiếp tập thể đối với một du khách người Tây Ban Nha ở bang Jharkhand của Ấn Độ đã gây phẫn nộ và tiếp tục làm dấy lên lời kêu gọi bảo vệ phụ nữ tốt hơn.

Vụ hãm hiếp tập thể một nữ sinh viên trên xe buýt ở Delhi năm 2012 đã làm dấy lên sự phẫn nộ trên toàn Ấn Độ

Tuần qua, 7 người đàn ông đã bị buộc tội cưỡng hiếp tập thể một nữ du khách người Tây Ban Nha ở quận Dumka, bang Jharkhand, miền Đông Ấn Độ. Vlogger 28 tuổi và người chồng 64 tuổi của cô đã đi khắp thế giới bằng xe máy trong vài năm. Cặp đôi này đã đến Ấn Độ vài tháng trước.

Cảnh sát cho biết, vụ tấn công xảy ra vào ngày 1-3, cách thủ phủ bang Ranchi khoảng 300 km, nơi cặp đôi này qua đêm trong lều. Họ quyết định cắm trại trong thị trấn vì không tìm được khách sạn nào để nghỉ qua đêm. “Họ thay phiên nhau làm nhục tôi trong khoảng hai giờ”, người phụ nữ có quốc tịch Brazil-Tây Ban Nha kể với kênh truyền hình Tây Ban Nha Antena 3.

Trong một vụ việc khác chỉ sau đó vài ngày, một nghệ sĩ sân khấu 21 tuổi đến từ bang Chhattisgarh, miền Trung Ấn Độ đã bị các đồng nghiệp cưỡng bức ở quận Palamu của Jharkhand. Còn trước đó 1 tuần, một cô gái 17 tuổi bị hai người đàn ông giở trò đồi bại khi cô đang trở về nhà sau khi dự một đám cưới ở quận Hathras, phía Bắc Uttar Pradesh.

Bản chất thô tục và tàn bạo đến đáng sợ của những cuộc tấn công này đã gây chấn động xã hội Ấn Độ và một lần nữa khiến vấn đề an toàn của phụ nữ trở thành tâm điểm chú ý. Các vụ hãm hiếp dã man xảy ra gần như hàng ngày ở Ấn Độ và gia tăng trong những năm gần đây. Theo dữ liệu từ Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia Ấn Độ (NCRB), trong năm 2022, trung bình mỗi ngày nước này có gần 90 vụ hiếp dâm. Con số thực tế có thể còn cao hơn vì nhiều tội ác không được báo cáo do sợ bị trả thù, sự kỳ thị phổ biến đối với nạn nhân và thiếu niềm tin vào cảnh sát.

Ông Kavita Srivastava, Tổng thư ký Liên minh Tự do Dân sự nhân dân nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến giai đoạn tồi tệ nhất của bạo lực tình dục và hành vi sai trái. Khi những kẻ vi phạm ngày càng không bị trừng phạt và các công cụ tư pháp cũng chịu sự tác động về chính trị, cuộc chiến chống tội phạm hiếp dâm trở nên khó khăn hơn”.

Vụ cưỡng hiếp tập thể dẫn đến cái chết của cô Jyoti Singh, một sinh viên 23 tuổi ở Delhi, người được cả thế giới biết đến với cái tên “Nirbhaya” (có nghĩa là “không sợ hãi”) vào tháng 12-2012, đã gây ra sự phẫn nộ và yêu cầu về bảo đảm an toàn cho phụ nữ được đặt lên hàng đầu. Vụ hãm hiếp dẫn đến chết người này cũng khiến luật pháp Ấn Độ đưa ra hình phạt nghiêm ngặt hơn đối với bạo lực tình dục và cuối cùng tội hiếp dâm phải chịu án cao nhất là tử hình.

Mặc dù vậy, tội phạm tình dục vẫn chưa thuyên giảm. Tính chất hiếp dâm ngày càng hung hãn, tàn bạo hơn và ở một mức độ nào đó đã trở thành một kiểu côn đồ, bất chấp pháp luật. Nguyên nhân một phần vì mặc dù số vụ hiếp dâm được báo cáo ngày càng tăng và nhiều phụ nữ lên tiếng hơn nhưng tỷ lệ kết án ở nước này vẫn ở mức thấp. Trong nhiều trường hợp, việc thiếu bằng chứng khiến tỷ lệ kết án thấp hoặc các tòa án cấp cao hơn phải hủy bỏ bản án. “Những gì xảy ra với du khách Tây Ban Nha là hoàn toàn không thể chấp nhận được và nói lên nhiều điều về tình trạng vô pháp luật ở đây. Chúng tôi biết rằng có rất ít báo cáo về tội phạm tình dục và điều đó phải thay đổi”, ông Amod Kanth, cựu quan chức cảnh sát nói.

Theo DW

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/du-luan-an-do-tiep-tuc-phan-no-doi-bao-ve-phu-nu-tot-hon-post569227.antd