Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc trong 2024

Năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 12,6 triệu lượt, cao gấp 3,4 lần năm 2022 và vượt xa mục tiêu đón 8 triệu lượt đặt ra hồi đầu năm, cả mục tiêu sau điều chỉnh là 12-13 triệu lượt khách. Riêng khách nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với năm trước. Trong năm 2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, phục hồi hoàn toàn như trước dịch Covid-19 (năm 2019).

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch, cùng với chính sách visa hấp dẫn, năm 2023 cũng ghi dấu ấn Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều sự kiện, show âm nhạc quốc tế, cùng với đó nhiều tour truyền thống, tìm hiểu di sản, lịch sử đã và đang phát huy hiệu quả. Dẫu vậy, những con số vượt ngoài kỳ vọng của năm 2023 chưa phản ánh hết được sức bật của ngành. Hệ sinh thái ngành du lịch vẫn chưa hồi phục tương xứng. Nhiều khách sạn, điểm đến du lịch vẫn còn chưa hoạt động đạt mức công suất như kỳ vọng, số nhà hàng, dịch vụ đóng cửa hay hoạt động cầm chừng vẫn còn nhiều…

Nhân dịp đầu năm mới, ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng bà Vũ Quỳnh Anh, Ủy viên BCH VCM- Hiệp hội Du lịch Việt Nam xung quanh các hoạt động du lịch năm 2024.

+Phóng viên: Thưa bà, với nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam từ sau khi Việt Nam chính thức mở cửa sau đại dịch (ngày 15/3/2022) cho đến nay đã phát huy hiệu quả thay đổi nhiều thứ trong đó đặc biệt là tư duy du lịch. Thay vì khách đi theo tour, theo đoàn đông thì nay nhiều người lại chọn đi theo gia đình, các nhóm nhỏ. Và cùng với các điểm đến đầu năm là các lễ hội truyền thống đông vui, nhiều du khách còn chọn các di tích kiến trúc cổ, di tích tín ngưỡng cổ… làm điểm đến cho những chuyến du xuân đầu năm?

Bà Vũ Quỳnh Anh: Có thể thấy, nếu như trước dịp Tết Nguyên đán, du khách thường lựa chọn các sản phẩm du lịch đa dạng, thì giai đoạn trong và sau Tết, các tuyến điểm được yêu thích và lựa chọn nhiều hơn cả là các tour tâm linh, lễ hội. Đây cũng là thể hiện tín ngưỡng của nhân dân ta từ bao đời nay.

Bà Vũ Quỳnh Anh, Ủy viên BCH VCM- Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Thị trường du lịch Xuân 2024 bắt đầu nhộn nhịp với các tour du lịch tâm linh ngắn ngày của các đoàn khách đi theo nhóm gia đình, công ty. Các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng sôi động được du khách lựa chọn là chùa Hương (Hà Nội), Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phủ Dầy (Nam Định), chùa Tam Chúc (Hà Nam)…

Bên cạnh đó, năm nay còn có một xu hướng mới du khách tìm về những ngôi chùa cổ, như các ngôi chùa cổ nổi tiếng ở tỉnh Bắc Ninh (chùa Phật Tích, chùa Linh Ứng, Đền Đô…), tỉnh Bắc Giang ( chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử…). Sức hấp dẫn có lẽ đến từ không gian tĩnh tại, không ồn ào, vội vã nơi đây, du khách thong dong, thượng ngoạn cảnh sắc, tìm về nguồn cội linh thiêng. Phát huy giá trị di sản, tín ngưỡng, kết hợp với du lịch bền vững, tôi cho đây là một trong những hướng phát triển quan trọng và đúng đắn của du lịch.

+Trong năm 2023 vừa qua, Bắc Ninh và Bắc Giang là hai tỉnh đã có nhiều hoạt động thúc đẩy sự phát triển du lịch địa phương. Điển hình như Bắc Giang đã có các tour ngắn ngày hướng tới du lịch di sản, du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp. Một trong những lợi thế của Bắc Ninh, Bắc Giang là hai địa phương này có nhiều di tích cổ, di tích quốc gia đặc biệt…Tuy nhiên, để kết nối các di tích lại và hình thành một sản phẩm du lịch độc đáo thì hình như còn nhiều thứ phải làm?

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa là chủ trương từ lâu đã được Đảng, Nhà nước ta xác định. Ngay trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" cũng khẳng định du lịch văn hóa là một trong những ngành công nghiệp văn hóa cần được tập trung đầu tư phát triển.

Bà Vũ Quỳnh Anh cho biết, có rất nhiều “chất liệu văn hóa” ở khắp mọi miền đất nước. Một di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, một danh nhân văn hóa thế giới, một làn điệu dân ca, một lễ hội truyền thống, một làng nghề,... tất cả đều chứa trong mình những câu chuyện. Việc của những người làm du lịch chính là kể ra những câu chuyện gắn với điểm đến, kết nối nhiều câu chuyện của từng điểm đến trong hành trình để mang lại những trải nghiệm cho du khách.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, xét trên mặt bằng chung, Việt Nam vẫn chưa có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm du lịch văn hóa ở nước ta nhìn chung còn trùng lặp, ít sáng tạo, thiếu sản phẩm khác biệt giữa nhiều địa phương.

Như hai địa phương Bắc Ninh, Bắc Giang có nhiều di tích cổ, di tích quốc gia đặc biệt…Tuy nhiên, khi khai thác du lịch thì hầu như vẫn là các sản phẩm du lịch đơn lẻ, mà chưa có nhiều sự kết nối và hình thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

Tour "Nụ hôn của biển cả" tại Phú Quốc hứa hẹn hút khách trong năm 2024

Nước ta có rất nhiều “chất liệu văn hóa” ở khắp mọi miền đất nước. Một di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, một danh nhân văn hóa thế giới, một làn điệu dân ca, một lễ hội truyền thống, một làng nghề,... tất cả đều chứa trong mình những câu chuyện. Việc của những người làm du lịch chính là kể ra những câu chuyện gắn với điểm đến, kết nối nhiều câu chuyện của từng điểm đến trong hành trình để mang lại những trải nghiệm cho du khách.

+ Bắc Giang nổi tiếng với di tích Tây Yên Tử, hay Bắc Ninh có đền Đô, rồi chùa Phật Tích, chùa Tiêu…. đây có thể là điểm nhấn để xây dựng nên một tour du lịch hút khách, ngắn ngày và có thể kết nối với các di tích quan trọng của Hà Nội không?

Xây dựng các tour du lịch dành cho du khách kết nối điểm đến giữa 2 địa phương và Thủ đô Hà Nội là điều cần thiết, đáp ứng nhu cầu của du khách trong các tour du lịch ngắn ngày. Việc này, nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương, hướng đến hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, độc đáo. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác giá trị văn hóa trong phát triển du lịch; tìm ra những giá trị văn hóa khác biệt dựa trên những sản phẩm tương đồng giữa các địa phương để liên kết đi vào chiều sâu, nâng giá trị tour và hấp dẫn du khách. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch… hướng đến thu hút đa dạng thị trường khách, trong đó có khách quốc tế.

Khách du xuân ở Sa Pa hòa mình vào các lễ hội của đồng bào các dân tộc

+Theo bà các tour ngắn ngày- đặc biệt các tour di tích, tour tâm linh ngày đầu năm mới, với lợi thế ít chi phí có phải là “thượng sách” của các công ty du lịch bây giờ không?

Với quan điểm của cá nhân tôi, thì đó không phải là “thượng sách”, mà phải coi đây là một loại hình du lịch phù hợp theo từng thời điểm, đáp ứng thị hiếu của du khách. Du lịch văn hóa tâm linh là một trong những nét vẽ không thể thiếu trong bức tranh chung của ngành du lịch.

+Trong năm 2023 vừa qua, ngành du lịch cũng đã có nhiều khởi sắc, xong gian nan còn rất nhiều ở phía trước, chắc cũng phải cần nhiều năm nữa mới có thể phục hồi hoàn toàn số lượng inbound và outbound đáng mơ ước như hồi trước dịch. Theo bà, khó khăn nhất của ngành du lịch trong năm 2024 tới là gì và với tư cách là một thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, theo bà cần phải có giải pháp gì và khai thác những gì, lấy đó làm thế mạnh của du lịch Việt Nam?

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam có sự phục hồi đáng kể, đã đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch năm. Với những thành tựu đã đạt được, ngành du lịch Việt Nam vinh dự nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín với 19 giải thưởng hàng đầu Thế giới và 54 giải thưởng hàng đầu châu Á do Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (WTA) trao tặng. Trong đó, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ 5 trở thành ”Điểm đến hàng đầu châu Á”. Bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống, thì nhiều loại hình du lịch trở thành xu thế, như du lịch MICE (du lịch hội thảo) du lịch Golf, du lịch cưới…

Trải nghiệm văn hóa trò chơi truyền thống của người dân địa phương

Tuy vậy bước sang năm 2024, du lịch Việt vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường; tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát tiếp tục gia tăng; xung đột ở các khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn…

Kế thừa thành tích năm 2023, để phát triển ngành du lịch 2024, toàn ngành đã nhận được sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi đã ban hành các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển. Đây chính là đòn bẩy để năm nay du lịch sẽ tiếp tục tăng tốc.

Để có các tuyến điểm du lịch chất lượng, các công ty lữ hành phải làm mới sản phẩm dịch vụ, liên kết phát triển tour du lịch giữa các địa phương và quảng bá xúc tiến du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Phải chú trọng đầu tư phát triển và cải tạo kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đặc biệt ở những địa phương giàu tài nguyên du lịch văn hóa nhưng điều kiện kinh tế-xã hội còn chậm phát triển; phát huy vai trò của cộng đồng và văn hóa cộng đồng trong phát triển du lịch, bảo đảm hài hòa lợi ích có được từ các hoạt động phát triển du lịch...

Một sản phẩm du lịch chất lượng muốn được khai thác, vận hành tốt không những cần sự nỗ lực của chính đơn vị lữ hành, mà cần có sự tham gia của điểm đến, của chính quyền địa phương, cần sự vào cuộc của những chuyên gia văn hóa lịch sử, những người làm du lịch, lữ hành, nhằm tạo nên giá trị sâu sắc cho hành trình tour.

Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới, vì vậy các doanh nghiệp du lịch cần có giải pháp thích ứng nhanh chóng để hội nhập

+Xin cảm ơn bà và chúc bà năm mới mạnh khỏe, thành công!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/du-lich-viet-nam-se-tiep-tuc-tang-toc-trong-2024-post566972.antd