Du lịch Việt Nam đang chờ bứt phá

Trong thời gian qua, bên cạnh việc du khách Trung Quốc ồ ạt đến Việt Nam nhờ vào khuyến mãi tour 0 đồng, thực chất là du lịch Việt có nhiều ưu đãi nhưng vẫn chưa thu hút khách quốc tế, vì sao?

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Khách du lịch quốc tế tăng nhưng chưa mạnh

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có tăng nhưng chưa mạnh, ước đạt 4.284.130 lượt khách, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong tháng 4/2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 1.071.650 lượt, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2016. Thực tế cho thấy, tình hình khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017 có những bước tiến đáng kể so với năm ngoái. Thế nhưng, nhiều bất cập gây cản trở đến sự phát triển du lịch Việt, mãi chưa chịu bứt phá.

Việc miễn visa điện tử được xem là chiến lược đầu tư cạnh tranh nhằm thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Trên thực tế, sau 2 năm thực hiện miễn visa cho 5 nước Tây Âu, miễn visa trong 1 năm mang tính ngắn hạn chủ yếu chỉ thu hút khách đi lẻ. Các doanh nghiệp tổ chức khách theo đoàn lớn vẫn còn dè dặt, chờ đợi chính sách dài hạn hơn. Hiện nay, thị trường khách lẻ mua online đi theo hình thức miễn visa tăng mạnh (khoảng 50%), nhất là vào các dịp lễ cuối năm.

Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: “Hiện tại, Việt Nam mới chỉ miễn visa cho 22 nước. Visa điện tử chỉ là thay đổi về mặt hình thức làm việc cho thuận tiện. Còn nếu để thu hút du khách thì phải mở rộng miễn thị thực visa”. Theo đánh giá về mức độ mở cửa với quốc tế, Việt Nam chỉ xếp hạng 89, trong đó yêu cầu về thị thực xếp hạng 119, chỉ hơn Myanmar (hạng 132). Các nước là điểm đến cạnh tranh với Việt Nam có chính sách thị thực nhập cảnh khá thông thoáng. Thái Lan miễn thị thực cho công dân 61 nước và vùng lãnh thổ, còn Malaysia là 155, Singapore 158, Indonesia 169…

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc triển khai visa điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho công dân 40 quốc gia khi xin visa vào Việt Nam, là vẫn chưa đủ.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Vấn nạn “chèo kéo, chặt chém” du khách

Tại Việt Nam, hơn 70% khách du lịch quốc tế “một đi không trở lại”, nguyên nhân là vì du khách sợ một số nơi còn xảy ra tình trạng cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ khách, nhà vệ sinh kém vệ sinh, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm, ăn cắp vặt… Đặc biệt, vấn nạn chèo kéo, chặt chém, bám khách vẫn còn xảy ra tại một số điểm du lịch. Chính những hình ảnh không mấy tốt đẹp về du lịch Việt Nam đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây bức xúc đối với du khách.

Hiện nay, vẫn chưa có biện pháp xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm. Trong khi tình trạng chèo kéo khách, giá cả “chặt, chém”, ứng xử kém văn minh… là những yếu tố gây mất thiện cảm trong mắt du khách quốc tế. Ngoài ra, sự thiếu hụt đối với đội ngũ nhân viên phục vụ du lịch có kỹ năng về vốn ngoại ngữ vẫn còn là vấn đề nan giải. Đây là một rào cản lớn khiến việc quảng bá du lịch của nước ta chậm phát triển.

Phí, vé tại các điểm du lịch tăng bất thình lình

Vé vào cửa và các phương tiện phục vụ di chuyển tại các điểm đến du lịch trong những năm gần đây luôn tăng cao. Mới đây nhất, vé đi tàu ra các đảo ở Hạ Long tăng từ 190.000 đồng lên 370.000 đồng… Giá vé tăng đột ngột khiến du khách phải bỏ về. Vé tăng, cơ sở vật chất phục vụ cũng tăng giá, gây nên tâm lý khó chịu đối với du khách. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự đối nghịch về phát triển bền vững trong du lịch.

Năm 2017, ngành công nghiệp không khói của Việt Nam vẫn đang chờ sự bứt phá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Và để thực hiện được điều đó, trước hết phải xây dựng một tư duy kinh tế trong quản lý và vận hành. Từ đó, có thước đo cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí của ngành kinh tế dịch vụ chứ không đơn thuần là các chỉ tiêu về số lượng du khách.

Bella

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/du-lich-viet-nam-dang-cho-but-pha-d58161.html