Du lịch quốc tế là trợ lực lớn cho kinh tế Việt Nam hiện tại

Theo Nikkei Asia, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn từ tình hình chung của thế giới. Lúc này sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn từ du lịch quốc tế sẽ là một sự hỗ trợ rất cần thiết.

Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á trong những năm gần đây, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng 8% vào năm 2022, với việc nhiều công ty toàn cầu đầu tư vào đây nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nền kinh tế Việt Nam cũng được hưởng lợi từ một thị trường tiêu dùng trẻ và đang phát triển.

Gặp khó từ xu thế toàn cầu

Nhưng trong bối cảnh khó khăn chung trên khắp toàn cầu, số liệu của chính phủ từ tháng 1 đến tháng 5 ghi nhận sự sụt giảm 11,6% về xuất khẩu, 17,9% về nhập khẩu và 2,5% về sản xuất so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng chỉ đạt mức 3,3% vào quý đầu tiên của năm 2023, giảm từ mức 5,9% trong quý IV năm 2022.

Chính phủ sẽ công bố số liệu quý hai vào cuối tháng này.

Nhiều nhà kinh tế đã điều chỉnh triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay. Hiện tại, Standard Chartered dự đoán GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,5%.

Nhu cầu yếu từ các thị trường quốc tế lớn đang ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asia.

Việt Nam cũng đang theo dõi xem nhu cầu đối với các sản phẩm của mình có thể thay đổi như thế nào ở những thị trường trọng điểm như châu Âu và Bắc Mỹ. Ở những khu vực này, hoạt động mua sắm trực tuyến đã giảm sau khi lệnh phong tỏa COVID-19 kết thúc và việc lãi suất tăng có thể làm giảm sức mua tiêu dùng. Tín hiệu mở cửa trở lại tại Trung Quốc - một thị trường trọng điểm khác, vẫn chưa tạo nên động lực mạnh mẽ dù chuỗi cung ứng và du lịch đang trở lại bình thường.

Nguyễn Giang - Trưởng bộ phận Phát triển bền vững từ doanh nghiệp sản xuất giày Biti's cho biết: "Chúng tôi đã hơi lạc quan vào đầu năm. Nhưng tình hình chung lúc này là đang gặp khó". Bà cũng rất ngạc nhiên trước việc các đơn đặt hàng trong nước chậm lại.

Còn Ngân hàng quốc tế HSBC thì cho biết nhu cầu tiêu dùng yếu của nước ngoài "vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng" của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam cũng chịu tác động từ suy thoái kinh tế của Mỹ - thị trường nhập 30% hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC và cộng sự Jun Takazawa cho biết trong một nghiên cứu: "Khi kỳ nghỉ hè đang đến gần và khả năng nới lỏng các hạn chế về thị thực đang được Quốc hội xem xét, Việt Nam có thể sẽ nhận được sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn từ du lịch quốc tế, một sự hỗ trợ rất cần thiết cho nền kinh tế lúc này".

Nỗ lực từ chính phủ và xu hướng phát triển tích cực

Trước những khó khăn này, trang The Asset đã dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia về cách Việt Nam duy trì đà tăng trưởng. Ông Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng viện chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đã đề cập những nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội, bao gồm một chương trình trị giá 15 tỷ USD, theo Nghị quyết 11.

Chuyên gia này cũng chia sẻ về việc Việt Nam đang cải thiện khung pháp lý để phát triển tài chính xanh, ví dụ như công bố thông tin về Bộ tiêu chuẩn Môi trường – xã hội và quản trị (ESG) và thị trường giao dịch carbon trong nước. Khoảng 1,5 tỷ USD trái phiếu GSS (xanh, xã hội, bền vững) đã được phát hành vào năm 2021, gần gấp 5 lần so với 300 triệu USD huy động được vào năm 2020.

Dù vẫn còn những thách thức trong nền kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến Việt Nam như nhu cầu xuất khẩu yếu và lãi suất cao, chuyên gia này tái khẳng định cam kết của chính phủ trong việc ổn định nền kinh tế và thực hiện các chính sách thân thiện với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đánh giá, dù có những rào cản ngắn hạn, triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam vẫn đáng khích lệ do có sự phát triển ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu.

"Nhóm thu nhập trung bình vẫn đang nổi lên. Loại nhóm này đã và đang thay đổi mạnh mẽ hành vi tiêu dùng của họ so với trước đây. Thế hệ cũ có xu hướng tiết kiệm sau đó mới tiêu dùng, nhưng giờ đây mọi người có thể bắt đầu tiêu dùng và thanh toán sau và điều đó mang lại cơ hội đáng kể cho các dịch vụ tài chính mới. Bây giờ mọi người có thể thực hiện các giao dịch thông qua điện thoại thông minh và điều đó mang lại cơ hội cho thương mại điện tử", ông Nguyễn Anh Dương đánh giá.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/du-lich-quoc-te-la-tro-luc-lon-cho-kinh-te-viet-nam-hien-tai-20230614145338802.htm