Du lịch nông nghiệp: Khi nào thành công tại Bình Thuận?

Bình Thuận - nơi hội tụ đầy đủ các lợi thế tự nhiên như đồi núi, biển, đồng bằng và sản xuất nông nghiệp, điển hình là thanh long. Tuy nhiên, trong khi một số địa bàn lân cận như Đà Lạt (Lâm Đồng) và Long Khánh (Đồng Nai) đã và đang bước đầu thành công bởi mô hình du lịch nông nghiệp, thì Bình Thuận vẫn còn khá 'im hơi lặng tiếng'…

Du lịch nông nghiệp

Đoàn Bình Thuận tham quan mô hình vườn trái cây tại TP. Long Khánh.

Học tập mô hình ở Long Khánh

Giữa tháng 7/2019, tôi có dịp theo đoàn của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận trong chuyến khảo sát, học tập mô hình du lịch nông nghiệp tại TP. Long Khánh (Đồng Nai). Chuyến đi lần này, có sự tham gia của gần 40 thành viên, là cán bộ văn hóa thông tin của huyện, xã và một số nông dân trong tỉnh.

Chỉ cách TP. Phan Thiết khoảng 115 km, TP. Long Khánh hiện lên trong mắt chúng tôi là bạt ngàn cây ăn trái trĩu quả như chôm chôm, sầu riêng, mít, xoài, bơ, măng cụt… Nhiều nhất có lẽ là chôm chôm đang vào mùa, chín đỏ rực, xõa xuống cả 2 bên đường. Do đặc điểm nhiều cây cối, nên không khí ở đây rất dịu mát, dễ chịu. Điều khiến tôi chú ý là tại xã Bình Lộc, thuộc TP. Long Khánh - nơi đã và đang thành công bước đầu về du lịch nông nghiệp, các bảng hiệu quảng cáo “Du lịch sinh thái vườn” trải dày các tuyến đường liên xã. Nổi bật tại mô hình du lịch sinh thái vườn dì Hai, vườn trái cây Sáu Hùng, thuộc địa phận ấp 1 và ấp Cây Da, xã Bình Lộc, chúng tôi được trải nghiệm thú vị về loại hình du lịch này. Theo đó, với những con đường nhỏ dẫn vào vườn, xe ô tô lớn không thể vào được, chủ vườn sẽ bố trí xe máy cày cải tiến chở khách vào, vừa trải nghiệm cảm giác mạnh, bình dân, vừa giảm thời gian di chuyển bằng đi bộ, khiến du khách thích thú. Với giá vé bình quân khoảng 50.000 đồng/người, du khách có thể thỏa thích đi tham quan trong vườn và hít hà không khí trong lành. Thú vị nhất có lẽ là việc tự tay hái và thưởng thức những trái măng cụt, chôm chôm treo lơ lửng trên cành.

Theo lãnh đạo địa phương, hiện TP. Long Khánh có hơn 200 ha cây ăn trái, tạo thành 1 vựa trái cây lớn nổi tiếng của vùng Đông Nam bộ. Nhấn mạnh về lý do thành công, cũng là lợi thế của địa phương, chính là giao thông kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận rất thuận lợi, khoảng cách gần, khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Quan trọng hơn là sự kết nối, liên kết của chính quyền địa phương và các hộ dân trồng cây ăn trái là yếu tố mấu chốt... Bởi thực tế từ lợi nhuận mang lại, sẽ thúc đẩy các hộ dân tự nguyện, cạnh tranh để nâng cao dịch vụ, thu hút du khách.

Bình Thuận sẽ tái khởi động du lịch nông nghiệp

Vài năm trước, Bình Thuận đã từng triển khai tour du lịch tại vườn thanh long thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam) do Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện. Người dân sẽ hướng dẫn du khách tham quan vườn, giới thiệu các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch thanh long… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Chín - chủ vườn thanh long VietGAP 1,7 ha ở thôn Phú Mỹ, lý do chững lại của mô hình này thời gian qua là do việc kết nối chưa chặt chẽ. Bất lợi hơn, tại vườn thanh long sẽ thiếu bóng mát so với những vườn cây ăn trái khác. Ngoài ra, thời điểm thanh long chong đèn, ra trái chín không phải lúc nào cũng có… Vì vậy, hộ nông dân này cho rằng, sắp tới, để khởi động lại mô hình này, sẽ cần rất nhiều yếu tố, nhất là các sản phẩm từ trái thanh long để du khách thưởng thức, vấn đề sân bãi, chỗ nghỉ chân, vệ sinh môi trường…

Có mặt trong đoàn, ông Từ Duy - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ cảm xúc: Chuyến khảo sát, học tập mô hình này rất bổ ích và thiết thực. Sắp tới, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, khuyến khích, hỗ trợ nông dân địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp (nhất là xã Đa Mi với những đặc điểm tương đồng) để góp phần phát triển du lịch, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nông dân.

Sau chuyến tham quan, học hỏi này, đoàn Bình Thuận đánh giá cao sự thành công mô hình của tỉnh bạn. Đồng thời cho biết, sẽ từng bước phát huy lợi thế tại địa phương mình để tái khởi động lại đề án thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp tại một số điểm như vườn thanh long, nho, táo…

Kiều Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/du-lich-nong-nghiep-khi-nao-thanh-cong-tai-binh-thuan-119470.html