Đủ kiểu trục lợi từ kit test của cán bộ y tế

Hợp thức hóa hồ sơ, nâng khống giá, biến tài trợ thành hàng mua, chẻ nhỏ gói thầu... là những chiêu bài của cán bộ y tế để trục lợi từ kit test.

Quá trình thanh tra, điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật khi mua kit test Việt Á, cơ quan chức năng các địa phương phát hiện nhiều mánh khóe của cán bộ ngành y tế nhằm nhận hoa hồng từ đối tác cung cấp thiết bị vật tư chống dịch.

Hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu - nhận “hoa hồng”

Ngày 10/6, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Trương Quang Việt (Giám đốc CDC Hà Nội) và kế toán trưởng của cơ quan này.

Theo cơ quan điều tra, năm 2020, do tình hình cấp bách của dịch Covid-19, một số cơ sở, bệnh viện y tế công lập trên địa bàn Hà Nội thực hiện mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Quá trình thực hiện, một số cá nhân được giao nhiệm vụ đã móc nối, thông đồng với nhân viên Công ty Việt Á để vay hàng, sử dụng trước rồi hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu sau. Các nghi phạm còn đưa các thông số, kỹ thuật tính năng sản phẩm kit test của Công ty Việt Á vào hồ sơ mời thầu.

Ông Trương Quang Việt, Giám đốc CDC Hà Nội, bị bắt vì liên quan đến Việt Á.

Việc làm này đã giúp cho Công ty Việt Á là đơn vị duy nhất dự thầu và được trúng thầu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Sau khi trúng thầu, Công ty Việt Á trích lại % giá trị hàng hóa để chi “hoa hồng” cho các đơn vị.

Tại CDC Hà Nội, các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu trong quá trình mua sắm trang thiết bị vật tư y tế của Công ty Việt Á đã gây thiệt hại cho ngân sách hơn 9 tỷ đồng. Sau khi được thanh toán tiền 2 gói thầu, Công ty Việt Á đã chuyển lại cho kế toán trưởng của CDC Hà Nội số tiền ngoài hợp đồng hơn 1 tỷ đồng.

"Bắt tay" để nâng khống giá kit test

Tại Hải Dương, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, để có tiền trích % cho Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương), Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Việt Á) đã nâng khống giá đầu vào chi phí sản xuất sản phẩm vật tư, thiết bị của Công ty Việt Á.

Công ty Việt Á đã lại quả cho Phạm Duy Tuyến 27 tỷ đồng. Đây là số tiền được trích % trên tổng giá trị theo 5 hợp đồng.

Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương Phạm Duy Tuyến.

Tại Phú Thọ, theo kết quả điều tra, sau khi bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ được Bộ Y tế cấp phép thực hiện xét nghiệm lâm sàng chẩn đoán SARS-CoV-2, Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh thống nhất giao Trần Gia Phú (Trưởng đơn vị vi sinh, Phó giám đốc trung tâm xét nghiệm thuộc bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, báo cáo số lượng kit test Covid-19 để bệnh viện báo cáo đề nghị Sở Y tế mua phục vụ công tác chống dịch.

Lợi dụng chức năng nhiệm vụ được giao, biết rõ thời điểm đó chỉ có Công ty Việt Á là đơn vị duy nhất được cung cấp, bán kit test Covid-19 trong cả nước nên Phú tự ý thỏa thuận, thống nhất và được Công ty Việt Á đồng ý “nâng giá” so với giá bán thực tế trong quá trình thực hiện các hợp đồng mua bán kit test với Sở Y tế tỉnh Phú Thọ.

Việc làm của bị can Phú nhằm mục đích vụ lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.

Trần Gia Phú, Trưởng đơn vị vi sinh, Phó giám đốc trung tâm xét nghiệm thuộc bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Bộ Công an.

Chuyển mẫu gộp thành mẫu đơn, biến kit tài trợ thành hàng mua

Tại Đà Nẵng, công an điều phương cũng khởi tố, bắt tạm giam ông Tôn Thất Thạnh (Giám đốc CDC Đà Nẵng) và 2 thuộc cấp về hành vi Tham ô tài sản.

Kết quả điều tra ban đầu, Công an TP Đà Nẵng xác định từ năm 2020-2021, ông Thạnh cùng các đồng phạm đã móc nối với Công ty Việt Á nhằm mục đích tham ô số vật tư xét nghiệm Covid-19 đã được TP Đà Nẵng mua để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Giám đốc CDC Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh.

Ông Thạnh đã chỉ đạo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Lê Thị Kim Chi làm giả sổ sách, chứng từ để nâng khống, chuyển hóa hàng chục nghìn mẫu gộp xét nghiệm Covid-19 thành mẫu đơn, đồng thời biến hàng chục nghìn bộ kit được tài trợ thành bộ kit mua của Công ty Việt Á.

Số vật tư dôi dư sau khi “phù phép”, ông Thạnh cùng các đồng phạm đã chuyển lại cho Công ty Việt Á để chiếm đoạt số tiền với giá trị thỏa thuận. Theo xác định ban đầu của cơ quan điều tra, giá trị tài sản bị chiếm đoạt trị giá hơn 4 tỷ đồng.

Chẻ nhỏ gói thầu

Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi phát hiện Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa đã chia lẻ gói thầu để thực hiện việc mua sắm theo hình thức không phải đấu thầu hoặc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định.

Trong 2 năm 2020-2021, Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa không xây dựng kế hoạch mua sắm cho từng tháng, quý, năm theo nhu cầu phòng chống dịch mà việc mua sắm được thực hiện bị động, nhỏ lẻ theo từng lần đề xuất của các khoa, phòng.

Trung tâm y tế huyện Tư Nghĩa.

Trung tâm Y tế huyện này không thực hiện theo quy trình mà lại chọn hình thức lấy 3 báo giá, bước này được thực hiện ở khâu xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, để vận dụng cho việc mua sắm trực tiếp hoặc chỉ định thầu. Việc làm này là chưa tuân thủ đúng quy trình mua sắm.

Trong cùng thời điểm ngày 3/9/2021, chủng loại kit test xét nghiệm giống nhau, cùng một đơn vị cung cấp là Công ty TNHH Thương mại, trang thiết bị y tế Trung Lập với tổng số tiền 128 triệu đồng, nhưng Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa đã tách thành 2 gói thầu và thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn (38,4 triệu đồng và 89,6 triệu đồng) từ hai nguồn: Thu dịch vụ của Trung tâm và từ nguồn ngân sách huyện Tư Nghĩa hỗ trợ.

Việc làm này đã vi phạm khoản 3, điều 9, Thông tư số 58 (nghiêm cấm việc chia lẻ gói thầu để thực hiện việc mua sắm theo hình thức không phải đấu thầu hoặc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định).

Công Sáng/Vietnamnet

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/du-kieu-truc-loi-tu-kit-test-cua-can-bo-y-te-post1333338.html