Dự kiến phụ tải tiếp tục tăng cao, làm gì để giảm thiểu cắt điện?

Những ngày qua, liên tục nhiều nơi tại Tp. Hà Nội như Hoài Đức, Long Biên, Quốc Oai, Hai Bà Trưng… bất ngờ bị cắt điện không báo trước.

Công nhân Đội Quản lý điện số 5, Công ty Điện lực Hoàng Mai xử lý các điểm có hiện tượng phát nhiệt tại TBA Nhà C Kim Văn-Kim Lũ. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Công nhân Đội Quản lý điện số 5, Công ty Điện lực Hoàng Mai xử lý các điểm có hiện tượng phát nhiệt tại TBA Nhà C Kim Văn-Kim Lũ. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Thông tin từ được Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội đã phải ngừng, giảm cung cấp điện khẩn cấp.

Chiều ngày 2/6, vừa dứt việc tại cơ quan, anh Hoàng Hải, tại tổ 18 - Ngọc Thụy, Long Biên vội trở về nhà, vì con gái báo tin: “Bố về đi, ở nhà mất điện rồi”. Anh Hải cho biết, ở cơ quan điện điều hòa vẫn có, nhưng ở nhà (khu vực tổ 18, tổ 19 (khu vực Gia Thượng – Ngọc Thụy, Long Biên) lại mất điện mà không thấy báo trước. Việc mất điện kéo dài từ 17h chiều đến gần 24 giờ đêm ngày 2/6 mới có điện trở lại.

“Theo thông báo của ngành điện gửi đến các gia đình, việc cắt điện diễn ra từ 10h30 sáng nay 3/6, đến 11h30 sẽ có điện trở lại. Nhưng ngành điện lại cắt đột ngột từ chiều đến đêm qua, khiến mọi sinh hoạt của gia đình rơi vào cảnh bị động, các cháu nhỏ, người già cũng chịu nóng bức, không ăn ngủ được; đến sáng nay tiếp tục cắt theo kế hoạch”, anh Hoàng Hải nói.

Cùng cảnh ngộ trên, gia đình anh Nguyễn Hữu Thọ, trú tại xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội cũng đã bị cắt điện mà không nhận được thông báo trước. Anh Thọ cho biết, nửa đêm 23 giờ ngày 1/6, gia đình bị cắt điện. Trong căn phòng mái tôn kín mít, cả ngày phơi nắng, tới đêm nếu không có nguồn điện để làm mát thì hết sức bí bách, không thể thở nổi.

"Nhà tôi có 2 cháu nhỏ, 1 bé 7 tuổi, 1 bé 2 tuổi, mất điện đồng nghĩa với các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt không thể chạy. Cả nhà phải chuyển xuống nằm sàn đất, dùng nước đá và quạt nan để làm mát cho các cháu ngủ.

Không chỉ nhà anh Thọ, mà nhiều hộ dân trong xã An Thượng cũng bị mất điện mà không báo trước. Nhiều người đã phải ra đường ngồi hóng gió đêm, hoặc tìm đến sự hỗ trợ từ người thân quen, họ hàng, nhằm tạm tránh cái nóng.

Vấn đề duy nhất khiến anh Hải, anh Thọ và nhiều người dân thắc mắc là cắt điện nhưng không hề được thông báo trước, để gia đình có sự chủ động, chuẩn bị tìm kiếm phương án tránh nóng.

Đại diện Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, hiện đơn vị đang nỗ lực cao nhất để đảm bảo cung ứng điện phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, EVNHANOI mong nhận được sự chia sẻ của khách hàng đối với những khó khăn về cung cấp điện ở thời điểm hiện tại.

Công nhân Công ty Điện lực Hai Bà Trưng kiểm tra tiếp xúc tại hòm công tơ cấp điện cho hộ dân tại khu vực phường Quỳnh Lôi. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Công nhân Công ty Điện lực Hai Bà Trưng kiểm tra tiếp xúc tại hòm công tơ cấp điện cho hộ dân tại khu vực phường Quỳnh Lôi. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, từ đầu năm đến nay, diễn biến thủy văn bất lợi và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn tới hoạt động của các nhà máy thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đến thời điểm cuối tháng 5/2023, sản lượng điện quy đổi còn lại trong hồ thủy điện toàn hệ thống là 2,35 tỷ kWh, thấp hơn 1,736 tỷ kWh so với kế hoạch năm; riêng miền Bắc thấp hơn 1,23 tỷ kWh. Có 8/12 hồ thủy điện ở miền Bắc có mực nước bằng và gần mực nước chết.

Một số hồ thủy điện lớn ở miền Bắc đã có mực nước rất thấp và nguy cơ về mực nước chết nếu tình hình thủy văn không được cải thiện, cụ thể như: Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Hủa Na, Thác Bà. Thậm chí nước một số hồ thủy điện như: Lai Châu, Hủa Na, Thác Bà, Sơn La, Tuyên Quang không đủ một ngày huy động phát điện.

Trong bối cảnh các hồ thủy điện thiếu nước nghiêm trọng thì một số tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống cũng bị suy giảm công suất hoặc bị sự cố do vận hành cao liên tục trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài.

Điển hình tại thời điểm ngày 1/6/2023 các tổ máy nhiệt điện than ở phía Bắc đang bị sự cố gồm có: Phả Lại 1, S6 Phả Lại 2, S2 Cẩm Phả, S1 Vũng Áng 1, S2 Nghi Sơn 2, S2 Mạo Khê, S1 Quảng Ninh, S2 Thăng Long, S1 Sơn Động.

Trong khi đó, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng đã làm nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Mặc dù chưa phải là đợt nắng nóng cao điểm và kéo dài nhưng mức độ tiêu thụ điện toàn hệ thống điện quốc gia ghi nhận ngày 19/5 vừa qua đã tăng lên mức rất cao, hơn 924 triệu kWh/ngày - cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022; công suất tiêu thụ cực đại cũng lên tới 44.600 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 6/2023, miền Bắc tiếp tục đối mặt với nắng nóng kéo dài trong gần 2 tuần liên tục, dự kiến phụ tải miền Bắc và hệ thống điện quốc gia sẽ tiếp tục còn tăng cao hơn trong các ngày tới.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam rất mong nhận được sự chia sẻ của khách hàng đối với những khó khăn về cung cấp điện ở thời điểm hiện tại. Đồng thời, mong khách hàng, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm của hệ thống điện, từ 11h30 - 14h30 và từ 20h00 - 22h00 hàng ngày; không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện, đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.

Bên cạnh đó, EVN cũng khuyến cáo khách hàng nên lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo quy định của Bộ Công Thương; thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, nâng cao tuổi thọ cũng như tiết kiệm điện và chi phí; rút phích cắm khi không sử dụng.

Để đảm bảo cung ứng điện trong những tháng nắng nóng, đại diện EVN cho biết, ngành điện đã tăng cường các giải pháp về tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR) với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; tuyên truyền tiết kiệm điện, tới các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng, các đơn vị chiếu sáng công cộng, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư; đồng thời liên tục truyền thông đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt để các hộ chủ động giảm nhu cầu tiêu thụ, không đặt nhiệt độ điều hòa dưới 26 độ C.

Trong bối cảnh nguồn cung năng lượng gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng điện của người dân tăng cao trong những ngày nắng nóng, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là giải pháp tốt nhất để có thể đủ điện sử dụng. Tiết kiệm điện và triệt để tiết kiệm điện là vấn đề không thể làm khác nếu muốn đảm bảo đủ điện cho người dân sử dụng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, tình trạng thiếu nguồn cung điện gây nguy cơ thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng đang hiện hữu nếu không có những giải pháp kịp thời, quyết liệt hơn. Bộ Công Thương kêu gọi và đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ gia đình và mọi tầng lớp nhân dân tăng cường thực hiện đồng bộ, triệt để các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn mùa khô, nhất là thời điểm từ nay đến ngày 30/6/2023…/.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/du-kien-phu-tai-tiep-tuc-tang-cao-lam-gi-de-giam-thieu-cat-dien/293391.html