Dự kiến cuối năm 2023 Lạng Sơn mở thêm 2 lớp xóa mù chữ

Từ tháng 1 đến tháng 9, Lạng Sơn mở 58 lớp xóa mù chữ cho 1317 học viên, dự kiến cuối năm 2023 mở thêm 2 lớp cho 42 học viên.

Bà Phan Mỹ Hạnh – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn đến động viên các học viên lớp xóa mù chữ. Ảnh NVCC.

Phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng công tác xóa mù chữ

Theo chia sẻ của bà Phan Mỹ Hạnh – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn, trong những năm qua công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm vào cuộc.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn luôn tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xóa mù chữ. Phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch xóa mù chữ, cùng với việc triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xóa mù chữ.

Chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các Trung tâm học tập cộng đồng tích cực điều tra, tổng hợp, phân tích tình hình thực tiễn, triển khai tuyên truyền, huy động tối đa học viên tham gia học xóa mù chữ, xác định công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành.

Theo đó, Sở GD&ĐT đã đưa các giải pháp đẩy mạnh công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cụ thể là: tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, chính sách hỗ trợ đối với những người học, cán bộ, giáo viên tham gia công tác xóa mù chữ;

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của người dân về công tác xóa mù chữ;

Tăng cường tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, các cá nhân khác đủ điều kiện tham gia giảng dạy xóa mù chữ; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của trung tâm học tập cộng đồng.

Sở GD&ĐT tích cực tham mưu cho Hội đông nhân dân tỉnh, UBND tỉnh ban hành các chính sách, kế hoạch, văn bản để thực hiện đẩy mạnh công tác xóa mù chữ trong toàn tỉnh nhằm hướng tới mục tiêu xóa mù chữ, nâng cao dân trí, cụ thể là

Tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND ngày 27/9/2022 quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

2 Nghị quyết kể trên đã quy định đầy đủ, chi tiết nội dung chi, mức chi cho liên quan đến công tác xã hội học tập, công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở.

Ngoài ra, mỗi người dân đúng đối tượng tham gia học xóa mù chữ được hưởng kinh phí hỗ trợ sau khi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xác nhận hoàn thành từng giai đoạn của chương trình xóa mù chữ là 1.000.000 đồng/học viên/giai đoạn của chương trình học xóa mù chữ.

Để chi tiết hóa các nội dung học phẩm cho học viên lớp xóa mù chữ, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 70/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục tên học phẩm, số lượng học phẩm hỗ trợ học viên học xóa mù chữ.

Học viên tham gia lớp xóa mù chữ. Ảnh NVCC.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền

Để nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh, Lạng Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức từ các cấp, các ngành đến người dân về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và xã hội; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên tham gia dạy xóa mù chữ.

Sở GD&ĐT chỉ đạo phòng GD&ĐT, các trung tâm học tập cộng đồng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng; phát huy vai trò nòng cốt của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ tham gia học các lớp xóa mù chữ.

“Hiện Sở GD&ĐT đã trang bị 200 trang thông tin điện tử cho 200 trung tâm học tập cộng đồng; ban hành Quy chế hoạt động của trang thông tin điện tử lưu trữ cơ sở dữ liệu, dạy học xóa mù chữ ngành giáo dục tỉnh.

Chúng tôi còn thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn phòng GD&ĐT, trung tâm học tập cộng đồng khai thác, lập kế hoạch tổ chức các lớp xóa mù chữ, lập hồ sơ thanh quyết toán; chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức dạy học xóa mù chữ, cách tuyên truyền, huy động người dân tham gia học; hướng dẫn sử dụng trang thông tin điện tử thực hiện lưu trữ cơ sở dữ liệu, dạy học xóa mù chữ”, bà Mỹ Hạnh nói.

Song song với đó, trong công tác xóa mù chữ Sở GD&ĐT chỉ đạo phòng GD&ĐT hướng dẫn các trung tâm học tập cộng đồng tổ chức tuyên truyền tới người dân trên địa bàn trong cuộc họp dân của thôn, xã, lồng ghép tuyên truyền trong các chuyên đề về phát triển kinh tế, tiếp cận hộ gia đình tuyên truyền về lợi ích của việc biết chữ, huy động người dân tham gia học tập.

Tổ chức mở lớp học theo hình thức linh hoạt, phù hợp với tập quán sinh hoạt và canh tác của học viên, đảm bảo cho học viên vừa làm kinh tế vừa tham gia học tập nâng cao kiến thức, hiểu biết của bản thân.

Với các giải pháp nêu trên, năm 2022 tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện mở được 12 lớp xóa mù chữ cho 434 học viên; từ tháng 1 đến tháng 9/2023 trên địa bàn tỉnh mở được 58 lớp cho 1317 học viên, dự kiến cuối năm 2023 mở thêm 2 lớp cho 42 học viên.

Nhiều học viên sau khi tham gia lớp học có khả năng giao tiếp tốt hơn, thực hiện tốt một số thủ tục hành chính, ổn định và phát triển kinh tế gia đình, đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đức Duy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/du-kien-cuoi-nam-2023-lang-son-mo-them-2-lop-xoa-mu-chu-post665111.html