Dự kiến 80 loại phế liệu được nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

Đó là thông tin được nêu trong dự thảo Thông tư quy định danh mục các loại phế liệu được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố lấy ý kiến nhân dân.

Phế liệu phải được lựa chọn, làm sạch để loại bỏ chất thải trước khi nhập khẩu. Ảnh minh họa

Cụ thể, dự thảo quy định 37 loại phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất, gồm: Mai, vỏ động vật thân mềm, động vật giáp xác hoặc động vật da gai không xương sống; thạch cao; xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt, thép; phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa); giấy loại hoặc bìa loại thu hồi; tơ tằm phế phẩm; phế liệu và mảnh vụn của gang, thép hợp kim, sắt...

Đồng thời, dự thảo quy định 43 loại phế liệu được phép nhập khẩu từ khu chế xuất, doanh nghiệp trong khu chế xuất, doanh nghiệp trong khu kinh tế cửa khẩu để làm nguyên liệu sản xuất. Bao gồm: Phế liệu mica; Phế liệu và mảnh vụn từ cao su; giấy loại hoặc bìa loại thu hồi; mùn cưa và phế liệu gỗ; phế liệu sợi; vải vụn mới; phế liệu và mảnh vụn đồng, nhôm, niken, kẽm, Vonfram, Titan, Crom,...

Phế liệu phải được làm sạch để loại bỏ chất thải trước khi nhập khẩu

Dự thảo còn quy định rõ, trước khi nhập khẩu, phế liệu phải được lựa chọn, làm sạch để loại bỏ chất thải, những loại vật liệu, vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, phải phân loại riêng biệt theo mã HS, tên phế liệu, mô tả phế liệu, yêu cầu chất lượng phù hợp với quy định.

Các doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu chế xuất, doanh nghiệp trong khu kinh tế cửa khẩu nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất cũng phải tuân thủ các quy định của Thông tư này.

Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Hoàng Đức, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, cho biết, "việc xây dựng, ban hành Thông tư quy định danh mục các loại phế liệu được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất là hết sức cần thiết".

Bởi vì, quy định này vừa có ý nghĩa khuyến khích các doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu chế xuất, trong khu kinh tế cửa khẩu đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam tái chế, tái sử dụng các loại phế liệu phát sinh từ quá trình sản xuất, nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu chất thải phải xử lý tiêu hủy, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, việc quy định cụ thể các loại phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài và nhập khẩu từ khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu kinh tế cửa khẩu vào thị trường nội còn phù hợp với quy định của pháp luật về xuất nhập khẩu, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Trần Mạnh

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/du-kien-80-loai-phe-lieu-duoc-nhap-khau-lam-nguyen-lieu-san-xuat/20124/134550.vgp