Du học sinh Việt trải lòng chuyện đón Tết xa nhà

Mỗi dịp Tết đến xuân sang, du học sinh Việt đều chung phút giây chạnh lòng khi nhớ về quê hương, nóng lòng muốn về thăm nhà. Tuy nhiên, việc học, lịch làm việc bận rộn cũng như muôn vàn lý do khác khiến không ít người phải chấp nhận đón Tết ở nơi xa.

Nam Sơn (22 tuổi), đang theo học ngành Điều dưỡng tại Đức.

Càng gần ngày cuối năm, đọc những câu chuyện về quê hay bắt gặp video nhạc Tết trên mạng xã hội, Nam Sơn (22 tuổi) lại càng thấy bồi hồi. Sang Đức từ cuối năm 2021, cậu học nghề Điều dưỡng kết hợp làm việc tại một bệnh viện ở thành phố Singen, bang Baden-Wurttemberg. Nhiều lúc chăm sóc hay trò chuyện cùng các bệnh nhân lớn tuổi, cậu lại nhớ ông bà và những cái Tết sum họp bên gia đình.

Nhắc đến Tết, Nam Sơn không giấu nổi sự xúc động. Cậu nhớ về những lần đi chọn đào, quất với bố, nhớ “ngày toàn quốc dọn nhà” cùng em trai hay bữa cơm trưa mùng 1 khi đại gia đình quây quần. Năm ngoái, cậu đón Tết cùng gia đình cô ruột nên còn cảm thấy ấm cúng và nhiều háo hức. Năm nay đã chuyển ra ở riêng nên Sơn tự gói nem, thổi xôi để vơi nỗi nhớ nhà. Nơi cậu sống có nhiều người Việt và có đến ba siêu thị châu Á, nên những ngày này cũng có chút không khí Tết.

Chụp cùng người em họ khi đón Tết 2022 tại nhà cô ruột.

“Tuần trước vào ngày ông Công ông Táo, mình được một chị cùng lớp rủ cùng làm nem rán. Hôm qua có người quen sang chơi và tặng mình bánh chưng, giò chả để ăn Tết. Thế là cũng đủ cho một mâm cơm nhỏ hôm giao thừa rồi”, cậu hồ hởi khoe.

Dù thường xuyên liên lạc với gia đình, nhưng Nam Sơn cho biết cảm giác gọi điện chúc Tết vào đúng giao thừa luôn mang lại ý nghĩa đặc biệt. Thời gian ở Đức chậm hơn Việt Nam 6 tiếng và có thể đang trong ca làm việc, nhưng cậu cố gắng tranh thủ gọi về nhà vào đúng khoảnh khắc bước sang năm mới. Cậu còn cất công thiết kế những chiếc thiệp điện tử xinh xắn để gửi tới họ hàng, bạn bè, cùng các anh, chị tại trung tâm EduGo - nơi đã giúp cậu hiện thực hóa ước mơ du học nghề nên cậu luôn yêu quý và giữ mối quan hệ thân thiết.

Món nem rán vào ngày ông Công ông Táo tại Đức.

“Trong năm mới 2023, mình chỉ mong người thân luôn khỏe mạnh, tránh xa bệnh tật, mong cho bản thân luôn vững vàng, học tập tốt. Vì mình không được nghỉ dài ngày để về Việt Nam, nên cũng hy vọng gia đình có thể sang Đức chơi để sớm được gặp lại mọi người”, Nam Sơn nói.

Hoàng Long (19 tuổi), đang học tập tại thành phố Tampere, Phần Lan.

Hoàng Long (19 tuổi) hiện là du học sinh ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học khoa học ứng dụng Tampere, Phần Lan. Quãng thời gian học cấp ba của cậu cũng chính là ba năm dịch bệnh COVID-19 với thời gian học online tại nhà chiếm phần lớn. Bởi vậy mà việc đi du học giống như một cánh cửa mở ra thế giới rộng lớn và khiến chàng trai Hà Nội hứng thú hơn bao giờ hết.

Là cái Tết đầu tiên xa gia đình, dù có chút bỡ ngỡ nhưng cậu thừa nhận mình không quá buồn hay nhớ nhà. Bố mẹ và anh trai cũng từng có quãng thời gian tuổi trẻ học tập ở nước ngoài, nên cậu cũng được chuẩn bị sẵn tinh thần cho những cái Tết xa quê. Sống cùng phòng ký túc xá với hai người bạn châu Âu, cậu thường xuyên giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam cũng như kể về Tết Nguyên đán cổ truyền.

“Ở đây không có Tết nhưng lại có kì nghỉ đông kéo dài từ Giáng sinh cho đến sau năm mới dương lịch. Sinh viên Việt Nam ở trường mình đông và đoàn kết, nên chúng mình đã tranh thủ đón Tết sớm trong đợt nghỉ đông vừa qua. Bọn mình cùng nhau đi chợ, nấu ăn, xem pháo hoa và đi shopping”, Hoàng Long kể.

Cậu và người bạn thân sẽ cùng nhau đón Tết Quý Mão.

Sống cùng bà nội nên ngày mùng 1 Tết hàng năm, các cô, chú và các em họ thường đến nhà Hoàng Long chúc Tết, sau đó mọi người cùng nhau đi lễ tại phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc. Năm nay dù xa nhà nhưng mùng 1 Tết rơi vào cuối tuần, cậu dự định đi thăm người bạn thân hiện cũng đang du học tại Phần Lan. Sau đó cả hai sẽ cùng gọi điện về nhà chúc Tết và đi ăn để đánh dấu ngày đầu năm mới.

Cậu đặt mục tiêu duy trì tốt việc học, tìm được việc làm bán thời gian và học thêm tiếng Phần Lan trong năm 2023. Vì anh trai sắp cưới vợ nên Long cũng mong có thể sắp xếp mọi thứ để về Việt Nam thăm gia đình và dự sự kiện trọng đại này.

Thúy Hồng, sinh viên năm cuối tại Cheongju, miền trung Hàn Quốc.

Tính đến nay, Thúy Hồng (25 tuổi) sinh viên ngành Quản trị khách sạn, trường Đại học Cheongju đã xa nhà được 5 năm và đón cái Tết thứ ba tại Hàn Quốc. Cô thường chọn về thăm gia đình vào dịp hè vì phù hợp với lịch học và công việc.

Ngày mùng 1 Tết năm ngoái, khi bạn bè ở nhà đang khoe ảnh và rủ nhau đi chơi xuân thì cô đang bận rửa chồng bát, đĩa chất cao như núi tại nơi làm thêm. Tin nhắn trong nhóm chat liên tục hiện trên màn hình, khiến cô gái quê Hải Phòng không dám xem điện thoại vì sợ sẽ tủi thân mà khóc. Đến khi mọi người đi ngủ và thôi trò chuyện, cô mới bắt đầu rời quán ăn, lội tuyết đi bộ về phòng trọ.

“Xa nhà dịp Tết, mình nhớ nhất là không khí đón giao thừa. Nhà mình có cửa hàng nhỏ nên gần Tết mình hay phụ bán mía lộc, ngày cuối năm là lúc tất bật nhất, lúc nào cũng luôn chân luôn tay. Rồi mình giúp mẹ làm mâm cúng giao thừa. Qua giao thừa thì đi chùa cầu tài lộc”, Thúy Hồng chia sẻ.

Cô bận rộn làm thêm vào ngày mùng 1 Tết năm ngoái.

Năm nay, cô đã tìm được một công việc khác đỡ vất vả hơn và không phải làm xuyên Tết nên sẽ dành ngày nghỉ để đi chơi cùng các bạn. Cùng đón năm mới âm lịch giống Việt Nam, nhưng đây không phải ngày lễ lớn và quan trọng nhất đối với người Hàn Quốc nên người dân chỉ được nghỉ ba ngày. Khi kể về Tết Nguyên đán với những người bạn nước ngoài, cô cho biết họ đều tỏ ra ngạc nhiên bởi người Việt có số ngày nghỉ nhiều hơn hẳn.

Năm 2023 là một năm quan trọng khi cô sẽ tốt nghiệp còn em gái sẽ thi đại học vào mùa hè tới. Thúy Hồng hy vọng mọi chuyện diễn ra suôn sẻ để cả nhà có thể an tâm cùng nhau đi du lịch. Cô cũng đặt mục tiêu tìm được một công việc đúng chuyên môn tại xứ sở kim chi.

Trịnh Vũ Lam Trang

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/du-hoc-sinh-viet-trai-long-chuyen-don-tet-xa-nha-post1504668.tpo