Đu đủ chín rụng ngập vườn: Nông dân Nghệ An thiệt hại 'khủng'

Vào vụ thu hoạch nhưng hơn 13 ha đu đủ ở thị xã Thái Hòa (Nghệ An) bị Công ty CP chanh leo Nafoods hủy hợp đồng.

Vườn đu đủ rộng hơn 13ha của HTX Tây Hiếu.

Xót xa vườn đu đủ chín rụng đầy gốc

Nửa cuối tháng 8 này, những vườn trồng đu đủ của Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Hiếu (gọi tắt HTX Tây Hiếu; đóng tại xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) bước vào vụ thu hoạch. Trái ngược với khung cảnh thu hoạch và mua bán nhộn nhịp, vườn đu đủ ở đây chín vàng rụng đầy gốc, thối rữa.

Ông Nguyễn Quang Trung - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tây Hiếu cho biết, đơn vị không dám huy động nhân lực thu gom đi tiêu hủy vì còn ràng buộc hợp đồng với Công ty CP Chanh leo Nafoods (gọi tắt là Công ty Nafoods; có trụ sở tại TP Vinh, Nghệ An).

Trước đó, ngày 19/7, Công ty Nafoods có thông báo chấm dứt hợp đồng kinh tế với HTX Tây Hiếu, với lý do là thị trường xuất khẩu hàng hóa chịu tác động tiêu cực từ xung đột giữa Nga - Ukraine. Vì doanh nghiệp không đến thu mua nên từ đó đến nay, đu đủ cứ thế chín rồi rụng xuống đất. Ông Trung ước tính, mỗi ha thiệt hại khoảng 50 tấn quả.

Là thành viên của HTX Tây Hiếu, gia đình anh Nguyễn Thế Dương (trú tại xóm Phú Tân, xã Tây Hiếu) đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng do vay mượn tiền để tham gia dự án trồng đu đủ của Công ty CP Chanh leo Nafoods.

Theo anh Dương, cuối năm ngoái, sau khi nghe HTX và doanh nghiệp phổ biến mục tiêu và hiệu quả của dự án, gia đình đã cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, dẫn phân, mua khoảng 1.000 cây giống đu đủ hồng phi Đài Loan của Công ty Nafoods về trồng.

Nhờ chăm sóc bài bản, đúng quy trình kỹ thuật nên 0,5 ha đu đủ của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt. Ước tính sản lượng đạt khoảng 80 tấn đu đủ quả. Thế nhưng, nay quả chín đầy gốc mà không có ai đến thu mua.

“Gần 1 năm chăm sóc, bao nhiêu vốn liếng của gia đình đầu tư vào vườn cây, giờ nhìn thấy cảnh quả đu đủ rụng đầy gốc không bán được, xót xa lắm. Giờ biết lấy gì mà sống”, anh Dương than thở.

Không riêng gia đình anh Nguyễn Thế Dương, hiện nay 13,3 ha đu đủ của các thành viên HTX Tây Hiếu cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Theo tính toán của HTX, bình quân 1 ha cây đu đủ cho sản lượng từ 150 - 200 tấn. Với giá cam kết thu mua là 3.500 đồng/kg thì người dân thu về trên 500 triệu đồng/ha.

Người dân xót xa trước cánh đồng đu đủ chín rụng đầy gốc nhưng không có người mua.

Hủy hợp đồng vì xung đột giữa hai quốc gia châu Âu?

Tháng 11/2022, ông Phạm Duy Thái - Giám đốc Công ty CP chanh leo Nafoods đã ký kết hợp đồng kinh tế cung cấp cây giống đu đủ và bao tiêu sản phẩm quả với HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu.

Theo đó, Công ty Nafoods sẽ cung cấp 30.000 cây giống đu đủ với giá 8.000 đồng/cây, tổng giá trị 240 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bán vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho HTX Tây Hiếu sản xuất.

Trong khi đó, HTX sẽ triển khai trồng và đăng ký bán sản phẩm tương ứng 80 tấn quả/ha, với đơn giá 3.500 đồng/kg. Thời gian thu mua từ tháng 7/2023 đến 12/2024. “Thu mua hết toàn bộ sản phẩm quả đu đủ đạt chất lượng cho bên B. Nếu không thu mua hết sẽ chịu phạt gấp 2 lần tổng giá trị lượng sản phẩm không thu mua”, hợp đồng kinh tế nêu trách nhiệm của Công ty Nafoods.

Do không thu hoạch, ước tính mỗi ha thiệt hại hơn 50 tấn quả.

Sau khi hợp đồng được ký kết, 16 gia đình trong và ngoài HTX Tây Hiếu đã tham gia trồng đu đủ trên diện tích hơn 13 ha. Trung bình mỗi hộ bỏ chi phí hơn 300 triệu đồng, làm từ 5 sào đến 2 ha. Đến nay cây phát triển cao gần 2 m, mỗi cây đạt khoảng một tạ quả.

Tuy nhiên, ngày 19/7, đúng thời điểm thu hoạch, Công ty Nafoods đã gửi thông báo cho HTX Tây Hiếu về việc đề nghị chấm dứt hợp đồng kinh tế vì lý do bất khả kháng, ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, không thể xuất khẩu.

“Nếu trường hợp bất khả kháng xảy ra: Chiến tranh, phá sản thì bên bị ảnh hưởng sẽ được miễn trách nhiệm nếu nghĩa vụ không được thực hiện…”, thông báo của Công ty Nafoods trích nội dung hợp đồng.

Sau khi bị doanh nghiệp đơn phương hủy hợp đồng, 16 thành viên HTX có nguy cơ mất hơn 7 tỷ đồng mà chưa có hướng đền bù thiệt hại.

Theo ông Nguyễn Quang Trung thì tại các cuộc thảo luận giữa 2 bên, HTX Tây Hiếu phân tích chiến sự Nga - Ukraine diễn ra từ tháng 2/2022, trong khi đó tháng 11 cùng năm hai bên mới ký hợp đồng. Chính vì thế, ông Trung cho rằng, lý do mà Nafoods đưa ra là không hợp lý, gây thiệt hại lớn cho hợp tác xã.

Sau nhiều lần làm việc, ngày 18/8, Công ty Nafoods tiếp tục có buổi đối thoại với các xã viên HTX Tây Hiếu. Phía công ty cho biết, việc chậm trễ thu mua quả đu đủ do những tác động khách quan từ thị trường đầu ra, nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp.

Không thể cứu vãn vườn đu đủ, người nông dân chỉ biết trông chờ kết quả đàm phán giữa HTX Tây Hiếu và Công ty Nafoods.

Sau khi làm việc, phía công ty thống nhất hỗ trợ toàn bộ chi phí cho người dân với mức 225 triệu đồng/ha, tổng 13,3 ha đu đủ sẽ được hỗ trợ gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Nafoods cũng hỗ trợ 50% tiền mua cây giống người dân còn nợ công ty (8 triệu đồng/ha).

Công ty Nafoods cũng đồng ý cho người dân bán số quả còn lại, doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành tìm đầu ra giúp bà con. Hiện, nhiều tiểu thương các chợ trên địa bàn TP Vinh, một số siêu thị đã kết nối để thu mua.

“Số tiền công ty hỗ trợ đã đủ tiền vốn người dân bỏ ra trồng đu đủ. Sau khi phía công ty đồng ý cho bán quả, hợp tác xã đã thông báo các xã viên dọn, chăm sóc lại vườn và thu hoạch quả bán cho các thương lái”, Giám đốc HTX Tây Hiếu cho biết.

Phạm Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/du-du-chin-rung-ngap-vuon-nong-dan-nghe-an-thiet-hai-khung-post651636.html