Đủ chiêu quảng cáo dụ phụ huynh 'vào tròng' của trung tâm tiếng Anh

Không ít trung tâm tiếng Anh tung quảng cáo rầm rộ với các chiêu đánh vào tâm lý người học như cam kết đầu ra, giáo viên chất lượng. Song, quá trình học thực tế có thể khác xa.

Cách đây hơn một năm, lần tìm các khóa học tiếng Anh online trên mạng cho con trai, chị Nguyễn Xuân (sống tại Hà Nội) bị thu hút bởi những thông tin quảng cáo chiêu sinh hấp dẫn của một trung tâm ngoại ngữ.

"Con trai giao tiếp tiếng Anh có phần kém hơn các kỹ năng khác. Vì vậy, tôi hướng đến các khóa học giao tiếp một kèm một để hiệu quả nhất có thể. Ai dè tiền mất tật mang, quá trình học của con không hề như trung tâm quảng cáo", chị Xuân chia sẻ.

Đủ kiểu quảng cáo hấp dẫn

Trao đổi với Tri thức - Znews, chị Xuân cho biết thời điểm đó, không chỉ quảng cáo trên website hay fanpage của trung tâm, nhiều người nổi tiếng cũng review trung tâm này.

"Nào là chất lượng cực tốt, trung tâm uy tín, học một kèm một cực hiệu quả, con học trực tiếp với giáo viên giỏi, nói không với học thụ động, cam kết chất lượng dạy và học, phương pháp học đỉnh cao, cam kết hoàn tiền nếu không hiệu quả... Các thông tin quảng cáo của trung tâm cứ xuất hiện liên tục, tôi cũng tin tưởng, xuống tiền đăng ký cho con", chị Xuân nói.

Những quảng cáo từ trung tâm tiếng Anh chị Xuân thường xuyên nhận được. Ảnh: NVCC.

Thế nhưng, điều chị Xuân không ngờ tới là việc học của con không hề "hào nhoáng" như những gì được quảng cáo. Đúng là con được học một kèm một, tuy nhiên, mỗi buổi, con lại học với một giáo viên khác nhau, không có sự thống nhất.

Theo dõi quá trình học của con, chị Xuân nhận thấy các giáo viên không hề bàn giao lại nội dung học, cứ đến giờ là vào dạy, không biết buổi trước con học gì. Thậm chí, giáo viên cũng không quan tâm đến bài tập về nhà hay tiến trình học của trẻ.

Trong buổi học, giáo viên cũng không quan tâm đến việc con có hiểu bài hay phát âm chuẩn không, chỉ yêu cầu con đọc chữ trên màn hình. Khi con chưa hiểu, cần hỏi lại, giáo viên cũng rất ít khi trả lời.

Lúc này, chị Xuân mới nhận ra quảng cáo của trung tâm rất mập mờ, không rõ ràng, mỗi bài đăng quảng cáo một kiểu. Họ chỉ cam kết giáo viên chất lượng cao, không nêu rõ giáo viên nước ngoài hay giáo viên Việt Nam. Chị Xuân cũng không nắm được bằng cấp của các giáo viên dạy con học. Dù đã yêu cầu trung tâm thống nhất giáo viên dạy, song chỉ được 1-2 buổi, đâu lại vào đó.

"Cuối cùng, chỉ một thời gian ngắn, quá chán nản với việc giảng dạy của trung tâm, tôi quyết định cho con nghỉ, chấp nhận mất gần 5 triệu đồng học phí. Cũng may hồi đó, trung tâm yêu cầu đóng cả khóa, tôi không đồng ý do chưa biết chất lượng, nên họ tung ưu đãi đóng nửa khóa để 'chốt sale'", chị Xuân kể.

Khi được hỏi về cam kết "hoàn lại phí nếu không hiệu quả", chị Xuân cho biết đó là cam kết có điều kiện, "trung tâm vẫn dạy như cam kết, chỉ có phụ huynh chán tự bỏ, chứ dễ gì được hoàn tiền".

Chưa rơi vào tình cảnh phải bỏ dở việc học như chị Xuân, nhưng Lê Huy (học sinh lớp 11, đang học IELTS) cũng từng chịu cảnh trung tâm tiếng Anh quảng cáo một đằng, dạy học một nẻo trong một thời gian dù học phí lên tới 46 triệu đồng/khóa.

Huy cho biết ban đầu trung tâm xếp lớp thuận tiện cho việc di chuyển, học tập của em. Tuy nhiên sau đó, khi các bạn trong lớp nghỉ gần hết, trung tâm liền dồn em cùng một vài bạn khác sang lớp khác.

Thế nhưng, điều khiến Huy và phụ huynh bức xúc là trung tâm lại xếp em vào lớp các bạn có trình độ cao hơn, khiến việc học của Huy bị ảnh hưởng. Sau đó, khi được học lớp đúng trình độ, thời gian học của lớp này lại không phù hợp, khiến Huy và gia đình mất thêm khoảng 1,2 triệu đồng/tháng để thuê xe đưa đón vì tan học muộn, nhà lại cách trung tâm khoảng 10 km, ở ngoại thành.

Chưa hết, Huy cho hay thời gian đầu, do thiếu giáo viên, trung tâm thậm chí xếp giáo viên chuyên dạy Reading vào dạy cả 4 kỹ năng.

"Lên lớp, cô chỉ giao bài tập học sinh tự làm rồi ngồi bấm điện thoại, em không học được gì nhiều. Em còn tính nghỉ, chuyển trung tâm khác nhưng lỡ đóng tiền rồi. Sau này, khi gia đình ý kiến, làm gắt, trung tâm mới chỉn chu hơn", Huy chia sẻ.

Lê Huy cũng từng chịu cảnh trung tâm tiếng Anh quảng cáo một đằng, dạy học một nẻo trong một thời gian. Ảnh: NVCC.

Đừng kỳ vọng nhiều vào quảng cáo

Chia sẻ thêm về những chiêu quảng cáo "dụ" phụ huynh, chị Xuân cho biết thời gian vừa rồi, thậm chí có cả trung tâm ngoại ngữ đến trường của con để hướng nghiệp, song song với đó là tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra. Những bạn đạt kết quả tốt sẽ được gửi thư mời đến trung tâm.

Tại đây, các tư vấn viên trao đổi với phụ huynh, dẫn dụ bằng cách tạo sự hoang mang, nói rằng con học kém các phần này, phải học khóa này mới tốt lên được.

"Họ nói về điểm yếu của trẻ, đưa ra lộ trình hấp hẫn rồi hướng phụ huynh 'đóng cả cục' bằng những cam kết đảm bảo như các quảng cáo trên, thậm chí có cả cam kết đầu ra. Rồi cuối cùng, nhiều phu huynh tiền mất tật mang, đóng tiền trước mà không biết trước chất lượng", chị Xuân nói.

Trao đổi với Tri thức - Znews, thầy Phùng Huy (giáo viên dạy IELTS tại Hà Nội) nhận định “cam kết chất lượng đào tạo", "cam kết chất lượng giáo viên", “cam kết đầu ra”, “cam kết chất lượng chương trình"... là cách để các trung tâm Anh ngữ marketing, thu hút người học, nhưng phần lớn là dựa trên nhu cầu của phụ huynh, học sinh.

“Đánh vào tâm lý ‘ăn chắc mặc bền’ của người Việt, nhiều trung tâm không ngại đưa ra lời hứa, lời cam kết. Đây là yếu tố để các khóa học hấp dẫn hơn, uy tín hơn đối với học viên", thầy Huy nói.

Tuy nhiên, thầy giáo cũng nhận định các phương thức quảng cáo nói trên cũng có một số mặt tiêu cực, ảnh hưởng đến học viên. Ví dụ, với việc quảng cáo “hoa mỹ", các trung tâm có thể đôn giá học phí lên cao bởi nhiều phụ huynh, học viên tâm có lý học phí càng cao đồng nghĩa với việc chất lượng cũng được đảm bảo.

Song, thực tế, không ít học viên gặp phải trường hợp chất lượng học không như “bánh vẽ" quảng cáo của các trung tâm. Thậm chí, một số trung tâm sẵn sàng dàn xếp, thuê người đi thi để quảng cáo về chất lượng đào tạo của họ.

Thầy Huy lấy ví dụ về việc “cam kết đầu ra" của các trung tâm tiếng Anh. Thứ nhất, với cam kết này, các trung tâm sẽ thực hiện theo quy trình làm bài kiểm tra đánh giá đầu vào, dựa trên mục tiêu của học viên để đưa ra cam kết đạt một số điểm sau một thời gian nhất định.

Song, thầy Huy cho biết dựa trên bài kiểm tra đầu vào là không đủ đánh giá năng lực học viên cũng như làm cơ sở để đưa ra một mục tiêu, cam kết cụ thể.

“Không có công thức chung cho việc đạt mục tiêu sau một thời gian nhất định như cam kết, bởi việc đạt mục tiêu phụ thuộc phần lớn vào thái độ, năng lực và sự quyết tâm của học viên. Bên cạnh đó còn là chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất…”, thầy Huy lưu ý.

Mặt tiêu cực thứ hai thầy Huy lưu ý đến từ chính học viên. Theo đó, khi trung tâm đặt ra các “cam kết đầu ra", học viên dễ có tâm lý ỷ lại, lười nhác, chểnh mảng hoặc chủ quan bởi “nếu không đạt, thể nào cũng được học lại".

Thực tế, đôi khi, Lê Huy cũng có suy nghĩ chủ quan như vậy. Nam sinh cũng kể vì cam kết này mà bạn của em dù học gần 1 năm vẫn không có tiến triển gì nhiều.

Thực tế, không ít học viên gặp phải trường hợp chất lượng học không như “bánh vẽ" quảng cáo của các trung tâm. Ảnh minh họa: Pexels.

Thầy Huy nhận định việc học quan trọng, nhưng việc đạt mục tiêu và tiết kiệm thời gian cũng quan trọng không kém. “Cam kết đầu ra" thực tế chỉ tạo ra ràng buộc về trách nhiệm. Nếu người học chưa đạt được mục tiêu và phải tiếp tục học lại, trung tâm cũng không lỗ bởi họ chỉ cần sắp xếp cho học viên một chỗ ngồi. Ngược lại, chỉ có người học thiệt thòi về mặt thời gian, công sức.

“Tóm lại, với quảng cáo ‘cam kết đầu ra', lợi ích chủ yếu vẫn thuộc về trung tâm khi vừa thu được học phí cao, lại tạo được uy tín ‘cho học viên học lại đến khi đạt thì thôi’. Hầu hết, bất lợi và tốn kém vẫn thuộc về phía học viên", thầy Huy đánh giá, cho rằng khi trung tâm cam kết đầu ra, học viên cũng phải cam kết ngược lại về thái độ học tập.

Theo thầy Huy, khi chọn nơi học IELTS nói riêng và tiếng Anh nói chung, học viên cần cân nhắc một số yếu tố, căn cứ trên mức độ phù hợp của bản thân, bởi trung tâm phù hợp với người này không có nghĩa là phù hợp với người khác.

Thứ nhất, về địa điểm, phụ huynh và học viên nên lựa chọn những địa điểm gần nhà để giảm thiểu thời gian, rủi ro di chuyển, đảm bảo đi học đầy đủ.

Thứ hai, phụ huynh và học viên cần tránh các trung tâm có quá nhiều khóa học, bởi chia càng nhỏ, nguy cơ “bánh vẽ" để moi tiền học viên càng lớn. Thầy Huy khuyên học viên khi học IELTS, các bạn không cần chia quá nhiều quá, cốt yếu là là chọn người dạy có chuyên môn vững và có kinh nghiệm giảng dạy.

Thứ ba, phụ huynh và học viên cần chọn lọc quảng cáo và tư vấn. Theo thầy Huy, nghe quảng cáo chỉ là một phần nhỏ, học viên và cha mẹ cần đến tận nơi học thử, chuẩn bị sẵn các câu hỏi chuyên môn và xem cách giáo viên phản ứng với những câu hỏi khó. Khi đó, học viên sẽ có lựa chọn khách quan hơn việc nghe quảng cáo, giới thiệu.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/du-chieu-quang-cao-du-phu-huynh-vao-trong-cua-trung-tam-tieng-anh-post1470384.html