Dự chi hơn 48.500 tỷ đồng bù vốn điều lệ, lãi suất cho 2 ngân hàng chính sách

Số tiền khoảng 2 tỷ USD được Chính phủ dự kiến bố trí để cấp bù các khoản chênh lệch lãi suất, chi phí quản lý và vốn điều lệ cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong 5 năm tới.

Chiều 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên làm việc thứ 7, thảo luận về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Việc vốn đầu tư trung hạn lần đầu được lên kế hoạch phân bổ trong 5 năm, thay vì từng năm như trước, được xem là bước đổi mới quan trọng trong quản lý ngân sách.

Đại diện Chính phủ đọc tờ trình, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho biết trong khoảng 2 triệu tỷ đồng đầu tư cho cả giai đoạn, 1,12 triệu tỷ sẽ là vốn Trung ương, 880.000 tỷ cân đối từ địa phương. Tổng hợp từ đề xuất của các bộ - ngành, Chính phủ dự kiến phân bổ hơn 101.033 tỷ đồng vốn trái phiếu trong 3 năm tới. Vốn cho các dự án theo ngành, lĩnh vực là hơn 100.003 tỷ...

Nhà điều hành cũng đề xuất bố trí 48.550 tỷ đồng để cấp bù các khoản chênh lệch lãi suất, chi phí quản lý và vốn điều lệ cho 2 ngân hàng: Chính sách xã hội và Phát triển Việt Nam trong 5 năm tới.

Đề án tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sẽ được Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới.

Thẩm tra báo cáo trên, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng việc đề xuất phân bổ vốn là cần thiết nhưng băn khoăn vì khối lượng vốn dự kiến khá lớn. “Cần cân nhắc tính hợp lý, bảo đảm phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế và hiệu quả hoạt động của 2 ngân hàng này”, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách băn khoăn.

Lãnh đạo Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo báo cáo, làm rõ sự cần thiết, căn cứ và phương án tính toán để đề xuất phần vốn dự kiến phân bổ với 2 ngân hàng này. Riêng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị báo cáo của Chính phủ tới đây cần làm rõ việc đề xuất bố trí cấp vốn điều lệ cho ngân hàng này đã bảo đảm phù hợp với quyết định của Thủ tướng hay chưa, đặc biệt cần chú ý đến tăng trưởng tín dụng, hiệu quả hoạt động và nợ xấu của ngân hàng này.

“Có thể đưa phần vốn này vào kế hoạch trung hạn song chưa phân bổ. Sau khi có báo cáo chi tiết của Chính phủ sẽ xem xét có giải ngân hay không”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nêu quan điểm.

Giải trình thêm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết hiện dư nợ của Ngân hàng Chính sách là 107.000 tỷ, nợ xấu chỉ chiếm khoảng 0,78% và tăng trưởng tín dụng 12-14%. Do số nợ vốn điều lệ, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất lớn nên hằng năm, Chính phủ chỉ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho ngân hàng này 8%, thấp hơn nhiều so với các tổ chức tín dụng khác.

Còn với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), lãnh đạo Chính phủ thông tin thêm, hiện dư nợ là 300.000 tỷ đồng, nhưng một nửa trong đó là giải ngân vốn ODA, một nửa huy động vốn cho vay theo chỉ định nên lâu nay, Chính phủ vẫn phải cấp vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất cho nhà băng này. "Hiện VDB còn nợ 12.000 tỷ vốn điều lệ", Phó thủ tướng chia sẻ.

Ông Huệ cũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt xử lý toàn diện những yếu kém, trong đó tính tới xử lý hình sự trước tình trạng nợ xấu tăng cao tại ngân hàng này. Kế hoạch tái cơ cấu VDB sẽ sớm được Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị.

"Một trong những nguyên nhân là không có vốn, thâm hụt tài chính liên tục... Chúng tôi tha thiết sớm được bố trí vốn cho 2 ngân hàng này", Phó thủ tướng nói.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển vẫn yêu cầu Chính phủ rà soát, báo cáo lại về trường hợp bố trí vốn cấp bù lãi suất, vốn điều lệ... của 2 ngân hàng trên và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 3 tới.

Theo báo cáo kết quả kiểm toán tại một số tổ chức tín dụng năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là một trong 2 nhà băng có tỷ lệ nợ xấu cao.

Cụ thể, nợ xấu tại VDB cao và tăng nhanh; ngân hàng cân đối giữa huy động và sử dụng vốn chưa phù hợp, dẫn đến tồn đọng vốn lớn. Số dư tiền gửi có kỳ hạn bình quân năm 2014 tại các tổ chức tín dụng là 13.226 tỷ đồng, làm gia tăng cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách Nhà nước. Ngân hàng này cũng chưa xây dựng hệ thống kiểm soát theo dõi, đánh giá về chất lượng tài sản có, quy định về quản lý thanh khoản, quản lý rủi ro theo quy định...

Nếu áp theo tiêu chí phân loại nợ của Ngân hàng Nhà nước, tổng nợ xấu hoạt động tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tại VDB đến 31/12/2011 chiếm 26,2%, nếu loại trừ nợ nhận bàn giao từ Quỹ Hỗ trợ phát triển và các chương trình, dự án theo chỉ định của Chính phủ thì cũng vẫn chiếm 7,5% dư nợ.

Riêng năm 2012 (năm gần nhất ngân hàng công khai báo cáo thường niên), trong tổng số hơn 10.000 tỷ đồng tín dụng xuất khẩu, nợ quá hạn lên tới hơn 3.000 tỷ đồng (30%).

Còn Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiều khoản nợ đến hạn phải xin gia hạn hoặc chuyển nợ quá hạn; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nội bộ của một số ngân hàng thương mại còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý...

Theo VnExpress

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/du-chi-hon-48500-ty-dong-bu-von-dieu-le-lai-suat-cho-2-ngan-hang-chinh-sach_n19429.html