Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 ước đạt 5,3 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023, xuất khẩu năm 2024 đối với sản phẩm gạo dự tính mang về 5,3 tỷ USD.

Năm 2023, xuất khẩu gạo có thể lên tới 8,2 triệu tấn. Ảnh: TL

Xuất khẩu gạo năm 2023 đạt mức kỷ lục

Thống kê sơ bộ mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết nửa đầu tháng 12/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 7,9 triệu tấn gạo, trị giá hơn 4,5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, xuất khẩu gạo có thể lên tới 8,2 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỷ USD, mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay.

Đáng chú ý, tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020 và hiện đạt 85%. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn, có xu hướng tăng trưởng qua các năm, giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD/năm.

Về thị trường xuất khẩu, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, tính đến hết tháng 11/2023, ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất. Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 4,58 triệu tấn, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Trung Quốc đạt 896 nghìn tấn, tăng 10,9%. Tính chung lượng gạo xuất sang 2 thị trường đạt 5,48 triệu tấn, chiếm tới 72% lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.

Đánh giá về kết quả xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, năm 2023, trong bối cảnh an ninh lương thực bất ổn, Ấn Độ, Nga thắt chặt xuất khẩu, Việt Nam nổi lên là quốc gia xuất khẩu với sản lượng lớn, nhiều chủng loại gạo chất lượng cao, ổn định cho nhiều phân khúc thị trường, từ châu Á tới châu Âu (EU).

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn -NN&PTNT) cũng nhận định, khi Ấn Độ chiếm hơn 40% nguồn cung gạo trên thế giới ban hành các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, đó là cơ hội cho các nguồn cung khác trên thị trường. Thành công của ngành lúa gạo Việt Nam là đã tranh thủ thời cơ để gia tăng nguồn thu, lợi nhuận cho bà con nông dân.

Dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi. Ảnh: TL

Xuất khẩu gạo tiếp đà tăng tốc do nhu cầu thế giới tăng cao

Dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo và Ấn Độ có khả năng sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo sang năm tới. Trong khi đó, một số quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines đều có nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo… Hiện, bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia dự báo tăng nhập khoảng 600.000 tấn.

Với những lợi thế đó, VFA cho rằng, mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2024 dự tính mang về 5,3 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2023.

Không chỉ tăng số lượng, giá gạo cũng được dự báo tiếp đà tăng. Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết, về mặt lý thuyết, khi giá gạo cao thì khuyến khích các nước gia tăng sản xuất, nhưng do năm 2024 thời tiết không thuận lợi ở nhiều khu vực, nên nhiều quốc gia bị giảm sản lượng trong quý I/2024. Elnino vẫn tiếp tục giữa năm 2024, dẫn tới nguồn cung thấp nên đây vẫn là yếu tố hỗ trợ giá gạo tiếp tục cao trong thời gian tới.

Theo khuyến nghị của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trong tình hình nguồn cung gạo thiếu hụt so với như cầu, các quốc gia nhập khẩu gạo nên “đặt hàng trước” với Việt Nam bằng việc ký kết các bản ghi nhớ. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu, giúp ích trực tiếp cho người nông dân.

Theo các chuyên gia, bên cạnh cơ hội thì thách thức lớn nhất của ngành lúa gạo Việt Nam là đa phần chưa có thương hiệu; tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chất lượng thấp vẫn còn cao…

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2024 bằng năm 2023 nhưng vẫn bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các chuyên gia nhấn mạnh, cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sản xuất và phát triển thị trường xuất khẩu.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành lúa gạo “hiến kế”, ngành lúa gạo cần kiên trì chiến lược phát triển hạt gạo theo hướng chất lượng và giá trị.

Cùng với quy hoạch vùng, giám sát trong sản xuất thì các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân được khuyến cáo cần đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại... nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030...

Trên cơ sở tổng hợp các số liệu thống kê, mới đây Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhận định, năm 2024 Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo bằng năm 2023, nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-bao-xuat-khau-gao-cua-viet-nam-nam-2024-uoc-dat-53-ty-usd-142852.html