Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2012 nhìn từ các chuyên gia: Trông chờ vào “nghệ thuật” điều hành kinh tế vĩ mô

"Sau khi tham gia WTO, kinh tế Việt Nam có 5 cơ hội và 4 thách thức, nhưng hiện nay tất cả đều là thách thức. Kinh tế thế giới và Việt Nam đang có nhiều khó khăn nhưng vẫn có một vài ánh sáng le lói”, tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định.

"Sau khi tham gia WTO, kinh tế Việt Nam có 5 cơ hội và 4 thách thức, nhưng hiện nay tất cả đều là thách thức. Kinh tế thế giới và Việt Nam đang có nhiều khó khăn nhưng vẫn có một vài ánh sáng le lói”, tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, kinh tế Đông Á đang xấu đi trong đó không loại trừ Việt Nam. Đối với Việt Nam, năm 2011 lạm phát đạt đỉnh cao là 23,4%, và giảm dần còn khoảng 18,5% vào cuối năm. Ông Thành khẳng định: "Lần đầu tiên cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng nhẹ, kiều hối tăng, và thâm hụt ngân sách có giảm. Đó là một bức tranh tốt hơn, nhưng thực sự kết quả đạt được còn hết sức "mong manh”. Thực tế hiện nay, trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, kinh tế Việt Nam dường như đang xấu đi. Vì thế một số quỹ của Việt Nam không huy động được vốn từ nước ngoài. Điều này dẫn đến giảm đầu tư, giảm thương mại, FDI giảm nhiều, các dòng tiền đầu tư gián tiếp giảm nhiều. Để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh ấy, năm 2012 Chính phủ sẽ tiếp tục thông điệp mạnh mẽ ổn định kinh tế vĩ mô, kéo lạm phát xuống từ 8-9% thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế mạnh mẽ.

Nhận định về những tín hiệu vui sắp tới cho nền kinh tế, ông Thành cho rằng: Trong khó khăn thì vẫn le lói những cái hay, năm 2012 "nghệ thuật” điều hành chính sách vĩ mô phải hết sức khôn ngoan, chính sách tiền tệ cố gắng linh hoạt, uyển chuyển nhất có thể được để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó linh hoạt thể hiện trong mức tín dụng tăng 15-17%, tăng 2% so với mức tín dụng năm 2011 là 13% (thắt chặt). Linh hoạt còn thể hiện việc các ngân hàng cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chế biến hỗ trợ xuất khẩu... sẽ được ngân hàng Trung ương khuyến khích và tiếp vốn. Về bất động sản (tuy mức độ linh hoạt nhỏ hơn) đối với các doanh nghiệp đầu tư trong nước hay cho phép một số công ty có năng lực được chuyển đầu tư bất động sản ra bên ngoài. Thậm chí Chính phủ cần cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn trái phiếu, vốn ODA tốt hơn...

Riêng về nguồn tín dụng, nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất 13-14% vẫn gây sức ép lớn lên đối với doanh nghiệp, lãi suất chỉ giảm một cách có ý nghĩa nếu lạm phát giảm đáng kể. Dự báo, khoảng giữa cuối quý 2-2012 lãi suất sẽ giảm có ý nghĩa. Trong 3 đề án tái cấu trúc: ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước thì đề án tái cấu trúc ngân hàng đã được chi tiết hóa và thông qua cách đây hơn 1 tháng. Vì vậy, trong năm 2012 sẽ tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách quyết liệt và lớn nhất. Năm 2012 vẫn tiếp tục có những hiện tượng sáp nhập, mua bán cổ phần... diễn ra giữa các ngân hàng. Điều này góp phần giúp nền kinh tế ổn định trở lại và tái cấu trúc thuận lợi những đề án khác.

"Ổn định kinh tế phải cần thời gian dài, vì vậy kinh tế Việt Nam 2012 và 2013 chúng ta chưa thể khẳng định được điều gì nhưng 2014 và 2015 kinh tế sẽ hứa hẹn những điều tươi sáng hơn”, ông Thành nhấn mạnh.

THANH GIANG

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=43974&menu=1372&style=1