Dự án xe buýt nhanh BRT ở TPHCM giờ ra sao?

Từ dự án buýt nhanh của Hà Nội, sau một thời gian triển khai không mang lại hiệu quả, dư luận băn khoăn, liệu xe buýt nhanh trên tuyến Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (TPHCM) có lặp lại “vết xe đổ”?.

Mô phỏng đồ họa xe buýt nhanh số 1 trên đường Võ Văn Kiệt. Đồ họa: Sở GTVT TPHCM

Được nghiên cứu từ năm 2005, ban đầu, dự án tuyến BRT số 1 dự kiến sẽ khởi công trong năm 2014, hoàn thành vào năm 2018 nhưng sau đó liên tục điều chỉnh thời gian thực hiện và cho đến đầu năm 2017 vẫn còn trên giấy.

Do chậm triển khai nên kinh phí đầu tư đã đội lên mức 137,5 triệu USD trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 124 triệu USD, phần còn lại vốn đối ứng từ ngân sách TP.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu của việc chậm tiến độ là các tuyến đường ở TPHCM hầu hết nhỏ hẹp, khó bố trí một làn đường dành riêng cho buýt. Ngoài ra, khi xây dựng BRT cần phải có hệ thống hỗ trợ như cầu vượt, hầm cho người đi bộ hoặc vạch sơn chỉ đường kết hợp đèn tín hiệu. Hệ thống tín hiệu ưu tiên cho xe buýt nhanh đặt gần hoặc tại các nút giao dễ gây ùn tắc giao thông.

Mô phỏng đồ họa xe buýt nhanh số 1 trên đường Võ Văn Kiệt. Đồ họa: Sở GTVT TPHCM

Sở GTVT TPHCM cho rằng, tuyến xe buýt nhanh ở TPHCM tương đối khác với Hà Nội vì dân cư trên tuyến Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ đã được quy hoạch, phân bố dọc hai bên tuyến. Trước khi đưa vào duyệt dự án đã được nghiên cứu kỹ. Sở cũng đã tính đến việc khi triển khai tuyến xe buýt nhanh phải kết hợp với mạng lưới thương mại, xe buýt, metro mới phát huy được hiệu quả.

Đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM (UCCI) - chủ đầu tư dự án - cho biết, sau tuyến buýt BRT thí điểm chạy trên đại lộ Võ Văn Kiệt và đường Mai Chí Thọ, dự kiến TPHCM sẽ nghiên cứu xây dựng thêm tuyến xe buýt BRT chạy trên đường Phạm Văn Đồng. Đây là tuyến đường có bề rộng mặt cắt ngang đường đủ lớn để dành riêng một làn cho xe buýt nhanh.

Trong trường hợp các tuyến đường theo quy hoạch sẽ phát triển thêm buýt nhanh mà không đủ rộng để triển khai thực hiện làn đường riêng, chủ đầu tư sẽ phải nghiên cứu tìm ra giải pháp phù hợp… Có thể phát triển các xe buýt nhỏ chạy ở đây nhằm hướng tới mục tiêu trong tương lai các tuyến xe buýt nhanh và các tuyến metro sẽ nối kết thành một hệ thống giao thông công cộng tích hợp phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân thành phố.

Theo kế hoạch đã phê duyệt phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng tại TPHCM từ 2010 – 2020 và tầm nhìn đến 2025 thì thành phố sẽ có 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT).

Sở GTVT TPHCM phấn đấu đến năm 2019 sẽ đưa vào vận hành tuyến xe buýt BRT đầu tiên trên tuyến đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ.

Theo đó, tuyến BRT số 1 có điểm đầu tuyến tại bến xe miền Tây và điểm cuối tại ngã 3 Cát Lái (quận 2), đi qua huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 6, 5, 1 và quận 2.

Tuyến BRT số 1 giao cắt với các tuyến metro số 1, số 2, 3A và số 5. Toàn tuyến có 28 trạm dừng, 17 cầu đi bộ, 1 ga cuối tuyến, 1 bãi hậu cần kỹ thuật và 8 bãi gửi xe cá nhân.

Dự kiến, tuyến BRT số 1 sẽ có hệ thống giao thông thông minh (ITS), bao gồm hệ thống quản lý giao thông tiên tiến (tín hiệu giao thông thông minh, camera, hệ thống thông tin điện tử) và hệ thống vận hành quản lý xe buýt (hệ thống định vị toàn cầu, thiết bị giao tiếp).

M.Quân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/du-an-xe-buyt-nhanh-brt-o-tphcm-gio-ra-sao-662327.bld