'Dự án treo' - Bao giờ thôi nhức nhối? (Bài 1): 'Mắc cạn' bởi 'dự án treo'

Không buôn bán, chuyển nhượng được vì không có sổ đỏ. Không được xây, sửa nên những ngôi nhà nằm trong quy hoạch nhếch nhác, tạm bợ, xuống cấp... Đó là tình cảnh mà hàng ngàn hộ dân nằm trong các vùng 'dự án treo' trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt từ thập kỷ này kéo qua thập kỷ khác.

Chị Trần Thị Loan, ở phố Thành Công, phường Đông Thọ phản ánh về tình trạng nhà ở xuống cấp. Ảnh: Tiến Đông

“Mòn mỏi” chờ tái định cư

Cách nhau chỉ có một con sông nhưng cuộc sống của người dân bên kia sông luôn tấp nập, khang trang, sạch đẹp còn ở khu phố Thành Công, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) là những căn nhà dột nát, hư hỏng, đường sá, môi trường sống nhếch nhác... Vì vậy, người dân nơi đây luôn mong mỏi sớm được “thoát” khỏi “dự án treo”.

Nhắc đến Dự án xây dựng khu đô thị mới ven sông Hạc kéo dài hơn 1 thập kỷ khiến cuộc sống người dân đang bị “mắc kẹt” bởi dự án, ông Lê Ngọc Cảnh - đại diện cho các hộ dân phố Thành Công, cho biết: Dự án khu đô thị mới ven sông Hạc được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích đất quy hoạch là 373.738m2.

Mục tiêu đầu tư là cải tạo môi trường cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông Hạc; xây dựng lại và xây dựng mới một khu đô thị hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt, xóa bỏ khu dân cư ven sông có điều kiện sống thấp và không đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị. Tổ chức thực hiện xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở và các công trình dịch vụ khác theo quy hoạch phục vụ nhu cầu thiết yếu của khu đô thị mới. Thời gian thực hiện dự án là 4 năm kể từ khi nhận bàn giao mặt bằng; chậm nhất trong năm 2010 phải hoàn thành công tác giao đất, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng, do vậy bao năm qua người dân trong khu dân cư sống trong tình cảnh “đi không được, ở cũng không xong”.

“Quá bức xúc, chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị với các cấp, các ngành tháo gỡ “nút thắt” của dự án để người dân sớm “an cư lạc nghiệp”, nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì” - ông Lê Ngọc Cảnh cho biết.

Vừa nói, ông Cảnh vừa dẫn chúng tôi đi xem một loạt nhà cấp 4 đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong số đó có nhà của chị Trần Thị Loan, ở tổ 1. Trút bỏ những bức xúc trong lòng, chị Loan nói “Các anh chị nhìn xem, có nhà nào cám cảnh như nhà tôi không? Mấy năm nay trần, tường nhà nứt toác mà không được xây sửa. Để bảo đảm an toàn tính mạng, gia đình tôi phải dùng ống tuýp sắt to, dày thay cột chống đỡ trần nhà cho khỏi sập. Hơn nữa, nhà ở ẩm thấp, con cháu thường xuyên bị bệnh ho, viêm phổi nên tôi phải cho các cháu ra ngoài thuê nhà để ở. Không biết tình cảnh này kéo dài đến bao lâu nữa?. Người dân chúng tôi “mòn mỏi” chờ được tái định cư”.

Trao đổi về hệ lụy của dự án, ông Lê Văn Hồng, Trưởng phố Thành Công, cho biết: "Phố có 180 nhà với 350 hộ dân. Chỉ một cơn mưa kéo dài khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ là nhiều nhà ngập trong nước. Dự án càng kéo dài thì cuộc sống của người dân trong phố càng khổ. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị với thành phố, tỉnh quan tâm, chỉ đạo để sớm thu hồi, bồi thường, bố trí tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Theo chúng tôi, trước mắt, các cấp chính quyền cần giải quyết ngay cho những hộ có nhà ở bị xuống cấp nghiêm trọng để giảm bớt những khó khăn, bức xúc trong Nhân dân".

Có đất nhưng không được cất nhà

Rời khu dân cư phố Thành Công, chúng tôi đến phố Lai Thành - nơi có Dự án hạ tầng kỹ thuật khu Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng bị “treo” hơn 10 năm ròng. Ông Nguyễn Minh Ước - một trong những hộ dân ở phố Lai Thành cho hay: “Từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi con cháu đông đủ, tôi vẫn sống trên đất của cha ông để lại. Năm 2010, khi tỉnh có chủ trương sắp xếp lại khu dân cư, TP Thanh Hóa đã tổ chức họp dân, phổ biến quy hoạch dự án và tiến hành thu hồi đất ruộng. Suốt từ đấy đến nay, đất ruộng thu hồi xong thì bỏ hoang, trong khi con cháu chúng tôi phải xoay sở đủ đường kiếm việc mưu sinh. Hơn nữa, tôi có hơn 1.000m2 đất, con cái lớn đã lập gia đình, muốn tách thửa chia cho các con để xây dựng nhà ở cũng không được...”.

“Tình trạng có đất mà không được tách thửa, không xây dựng được nhà ở không chỉ nhà ông Ước, mà ngay cả nhà tôi cũng đang sống “treo” hơn 10 năm qua. Gia đình tôi hiện đang sống trên thửa đất có diện tích 474m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bố mẹ tôi là 453m2 (cả 2 ông bà đều đã mất). Trước khi mất, bố mẹ tôi muốn chia đất cho các con. Song, do đất nằm trong quy hoạch dự án nên anh em chúng tôi không thể tách thửa được. Bản thân tôi năm nay đã 70 tuổi, sống giữa trung tâm thành phố sầm uất mà nhà cửa chật chội, tạm bợ không thể cơi nới, xây mới được” - ông Nguyễn Trọng Xứng, khu phố Lai Thành cho biết.

Ông Xứng bức xúc “Dự án nửa vời", “câu giờ”, vi phạm pháp luật về sử dụng đất đã rõ. Theo Luật Đất đai, đối với những dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất 3 năm không thực hiện thì chính quyền phải điều chỉnh quy hoạch, người dân không bị hạn chế quyền sử dụng đất. Thế nhưng, dự áo kéo dài tới hơn 10 năm vẫn không “tháo tròng” cho dân”.

Được biết, Dự án hạ tầng kỹ thuật khu Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3477/QĐ-UBND, ngày 21-10-2011. Dự án có quy mô 56,95 ha, do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư thực hiện dự án là 768,027 tỷ đồng (trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 283,34 tỷ đồng); nguồn vốn đầu tư từ nguồn khai thác quỹ đất trên địa bàn TP Thanh Hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Dự án đã hoàn thành giải phóng, bàn giao mặt bằng được 45,24/56,95 ha (đạt 79,4%); thi công một phần các hạng mục san nền và đường giao thông. Diện tích đất còn lại chưa giải phóng mặt bằng là 11,71 ha, gồm 6,32 ha đất thổ cư của 268 hộ và 5,39 ha đất khác. Dự án đã dừng thi công từ cuối năm 2013 đến nay.

Ông Ngô Quốc Huy, Chủ tịch UBND phường Đông Hải, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Thanh Hóa, các đơn vị chức năng và phường đã tiến hành kiểm kê, đo đạc tới lần thứ 3. Cứ mỗi lần như vậy, dân hy vọng rồi lại thất vọng vì dự án mãi chưa được giải quyết, gây bức xúc trong Nhân dân. Vì nằm trong diện phải giải tỏa của dự án nên hơn 10 năm nay, người dân bị giảm đi một số quyền lợi, như: không được xây dựng, cơi nới nhà cửa, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được mua bán, cầm cố... Vì vậy, chính quyền và người dân đã nhiều lần đề xuất với thành phố kiến nghị với tỉnh sớm thu hồi đất, bố trí tái định cư để người dân “an cư lạc nghiệp”.

“Vấn đề khó nhất hiện nay đó là đất tái định cư cho dân rất hạn chế. Qua rà soát, trên địa bàn phường hiện cần khoảng hơn 500 lô đất cho người dân tái định cư của các dự án phải giải phóng mặt bằng. Vì vậy, đề nghị cấp trên quy hoạch nhiều khu tái định cư, với mức giá khác nhau để người dân có nhiều lựa chọn” - Chủ tịch UBND phường Đông Hải nói.

Những hệ lụy

Cũng chính từ những “dự án treo” xuyên thập kỷ trên, mà những năm qua, người dân trong vùng dự án đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương thông qua các buổi họp dân phố, các đợt tiếp xúc cử tri của HĐND, ĐBQH; thậm chí viết đơn kêu cứu gửi đến các cấp, các ngành của tỉnh. Hoặc vì đợi chờ dự án quá lâu nên đã cố tình xây dựng công trình không phép trong phạm vi quy hoạch dự án.

Đơn cử như, tháng 4-2022, hộ gia đình ông Lê Văn Thịnh, ở thôn Thạch Bắc, xã Quảng Thạch (Quảng Xương) tổ chức đào móng xây dựng công trình 2 tầng với diện tích 250m2 và căn nhà cấp 4 lợp mái tôn trên diện tích đất thổ cư của gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1993. Song, khu đất trên lại thuộc phạm vi quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đô thị Quảng Lợi, huyện Quảng Xương được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 1590/QĐ-UBND, ngày 4-5-2018 và Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái biển Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa được UBND huyện Quảng Xương phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 5092/QĐ-UBND, ngày 21-10-2019.

Trước hành vi vi phạm như trên, ngày 22-8-2023, UBND huyện Quảng Xương đã phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành tiến hành biện pháp cưỡng chế công trình xây dựng không phép của hộ gia đình ông Lê Văn Thịnh, gây tổn thất lớn về tài sản của dân cũng như thiệt hại cho ngân sách Nhà nước khi phải huy động nhiều cán bộ, máy móc để có thể hoàn thành việc cưỡng chế công trình.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Dự án khu du lịch biển Tiên Trang do Công ty SOTO làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 100,9 ha nằm dọc đường bờ biển dài 2,5 km thuộc địa phận 4 xã của huyện Quảng Xương: Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Lĩnh và Quảng Thạch (2 xã Quảng Lợi và Quảng Lĩnh hiện đã sáp nhập thành xã Tiên Trang). Đây là dự án khu du lịch sinh thái biển tổng hợp, được quy hoạch xây dựng các khu chức năng gồm: khu dân cư, biệt thự, trung tâm thương mại, khu vui chơi - giải trí sinh thái... Mặc dù được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008, song hơn chục năm nay dự án mới triển khai xây dựng được một số hạng mục.

Hệ lụy của các dự án triển khai chậm đó là khi đã công bố quy hoạch, người dân không còn được “làm chủ” tài sản của mình: không thể xây dựng, không thể bán hoặc cầm cố tài sản, không thể tách thửa hay tặng, cho quyền sử dụng đất... và chỉ biết trông chờ vào nhà đầu tư, cơ quan chức năng.

Tô Dung - Mai Phương

Bài 2: Những giải pháp quyết liệt.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/du-an-treo-bao-gio-thoi-nhuc-nhoi-bai-1-mac-can-boi-du-an-treo/197103.htm