Dự án nguồn điện trọng điểm gặp khó, dây truyền tải vẫn vướng mặt bằng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phát triển điện lực tình hình đầu tư các dự án điện trọng điểm của EVN.

Nhiều dự án vẫn vướng mắc

Việc thực hiện các dự án trọng điểm đang rất cấp bách, trong bối cảnh miền Bắc có nguy cơ thiếu điện cao trong 2 năm tới.

Tuy nhiên, tại báo cáo này, EVN cho biết, nhiều dự án nguồn vẫn vướng mắc.

Cụ thể, dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, do gặp địa chất phức tạp nên EVN đang tập trung thi công các hạng mục công trình chính, trong đó tiếp tục phối hợp nhà thầu lập biện pháp xử lý để thi công cửa nhận nước.

Dự án nhiệt điện Quảng Trạch I, đến nay đã thi công phần cọc khoan nhồi, móng lò hơi TM1, ống khói đạt 100%; cọc PHC đạt 42%; các móng lò hơi TM2 đạt 50%, móng hệ thống xử lý nước đạt 30%.

Tuy nhiên, dự án này vẫn còn một số vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại khu vực trạm bơm nước làm mát, tuyến ống nước ngọt, bãi thải xỉ.

EVN cũng cập nhật các dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư. Dự án thủy điện Trị An mở rộng đã được EVN phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Phối cảnh dự án nhiệt điện Quảng Trạch I.

Còn dự án thủy điện tích năng Bác Ái, đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 theo ý kiến thẩm định lần 3 và đã báo cáo, kiến nghị Cục điện lực và năng lượng tái tạo có thông báo kết quả thẩm định để triển khai các bước tiếp theo.

EVN đề nghị sớm hoàn thành công tác thẩm định để phê duyệt thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 dự án thủy điện tích năng Bắc Ái.

Với các dự án điện khí , EVN cho biết, vẫn đang gặp nhiều vướng mắc. Các dự án nhiệt điện Dung Quất I &III vẫn không có thay đổi so báo cáo trước đây, do chưa xác định tiến độ khí Cá Voi xanh.

Với các dự án nhiệt điện Ô Môn III, IV, đã bàn giao xong các hồ sơ tài liệu các Dự án cho PVN. Hiện EVN và PVN đang bám sát, đôn đốc Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn thủ tục chuyển giao để có cơ sở tổ chức thực hiện.

Trong khi đó, nhiệt điện Quảng Trạch II đã ký hợp đồng tư vấn lập điều chỉnh chủ trương đầu tư ngày 25/8.

Làm đường dây cũng gặp khó

Bên cạnh việc xây dựng các nguồn điện trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu gấp rút làm đường dây 500 kV kéo dài để tăng cung ứng điện cho miền Bắc.

EVN cho biết: Hiện Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đang triển khai đầu tư 4 dự án nâng cao năng lực truyền tải Bắc – Trung, gồm: đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Nam Định 1 - Thanh Hóa và Nam Định 1 – Phố Nối.

Trong đó, với các đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và ĐD 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Bộ KH&ĐT đã hoàn thành thẩm định và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án.

Các đường dây 500kV Nam Định 1 - Thanh Hóa và Nam Định 1 – Phố Nối, EVNNPT đã trình bổ sung phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư do phải điều chỉnh tuyến theo yêu cầu của địa phương và cập nhật dự toán chi phí theo quy định hiện hành. Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến các Bộ, ngành và UBND các tỉnh để thẩm định hồ sơ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu gấp rút làm đường dây 500 kV kéo dài để tăng cung ứng điện cho miền Bắc.

"Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đang xem xét hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của 4 dự án và dự kiến họp thẩm định đầu tháng 9/2023", EVN cho biết.

Theo EVN, công tác đầu tư các dự án lưới điện tiếp tục gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong thỏa thuận hướng tuyến, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng,... Bên cạnh đó, trong thời gian qua đã phát sinh một số vướng mắc mới.

Cụ thể, việc áp dụng tiêu chuẩn mới trong thiết kế có thể làm tăng sợ bộ tổng mức đầu tư lên đến gần 20%, dẫn đến việc phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt lại báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Ngoài ra, giá nguyên vật liệu tăng cao trong khi đơn giá ban hành của Nhà nước chưa theo kịp, nên một số gói thầu phải xử lý tình huống hoặc hủy thầu do vượt dự toán gói thầu (cá biệt có những nhà thầu trúng thầu, nhưng chấp nhận bị tịch thu bảo đảm dự thầu và không ký hợp đồng).

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh đối với một số địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án đang gặp một số khó khăn, do danh mục các dự án điện chưa đầy đủ, rõ ràng và một số trường hợp còn sai khác với Quy hoạch điện VIII...

Do đó, EVN kiến nghị các địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ các công trình điện.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/du-an-nguon-dien-trong-diem-gap-kho-day-truyen-tai-van-vuong-mat-bang-192230907174050822.htm