Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi): Cần quy định cụ thể hơn các hành vi bị cấm

Cho ý kiến với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 32 vừa qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, nợ đọng thuế... còn khá phổ biến, nên cần quy định rõ hơn trong dự thảo Luật các hành vi bị cấm và chế tài xử phạt để vừa tăng tính răn đe vừa tạo thuận lợi trong thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Vi phạm do quy định pháp luật hay do tổ chức thi hành?

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành nhằm hoàn thiện các quy định về thuế giá trị gia tăng để khắc phục những bất cập, giải quyết, tháo gỡ những chồng chéo, mâu thuẫn; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, để thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, qua đó mở rộng cơ sở thuế, bảo đảm chống thất thu, bảo đảm thu đúng thu đủ và ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị, cần làm rõ tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, nợ đọng thuế… còn khá phổ biến vừa qua là do quy định pháp luật hay do quá trình tổ chức thực thi pháp luật. Trên cơ sở đó, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về những hành vi bị cấm và chế tài để xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thuế, bảo đảm tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Cùng quan điểm trên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Luật Quản lý thuế đã quy định các hành vi bị cấm thực hiện trong lĩnh vực thuế, nhưng chưa điều chỉnh hết đối với thuế giá trị gia tăng. Trong đó, các hành vi mua, bán hóa đơn lòng vòng, liên quan đến vi phạm về thời gian nộp thuế, khai khống hóa đơn thuế giá trị gia tăng, lừa đảo chiếm đoạt thuế… cũng như các hành vi phát sinh từ hành thu thuế giá trị giá tăng cần được nghiên cứu để bổ sung vào các hành vi cấm thực hiện.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, bên cạnh những quy định về điều cấm trong Luật Quản lý thuế đã có, do tính chất đặc thù của thuế giá trị gia tăng mà có thể phát sinh nhiều hành vi vi phạm chưa được quy định trong luật chung. Do vậy, cần nghiên cứu quy định thêm một điều về các hành vi cấm, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm về thuế giá trị gia tăng trong trường hợp chưa được cụ thể hóa trong Luật Quản lý thuế để tăng tính răn đe và thuận lợi trong thực hiện. Trong đó, cần lưu ý các hành vi như: gian lận hóa đơn, chứng từ, vi phạm về thời gian nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế, lừa đảo chiếm đoạt thuế, khai khống hóa đơn giá trị gia tăng, thành lập cơ sở kinh doanh để bán hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp, chuyển giá…

Hoàn thiện hơn nữa quy định về nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế

Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Để thu gọn đối tượng không chịu thuế, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế, đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành, tại dự thảo Luật đã sửa đổi tên một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành; quy định rõ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; sửa đổi tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng…

Đánh giá cao các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên, song theo Chủ tịch Quốc hội, nên chăng tại Điều 5 cần sắp xếp 26 nhóm dịch vụ, hàng hóa không tính thuế giá trị gia tăng tương thích với danh mục lĩnh vực ngành nghề theo hệ thống ngành kinh tế của nước ta đã được quy định tại Quyết định 27/2018/ QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, để dễ tra cứu, dễ sắp xếp hơn.

Quang cảnh phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 23.4. Ảnh: Quang Khánh

“Việc sắp nhóm đối tượng không chịu thuế tương thích với phân loại về ngành nghề kinh doanh trong hệ thống, các chỉ tiêu ngành kinh tế đối với lĩnh vực thống kê để bảo đảm sự tương thích giữa kế toán, giữa thống kê với thuế, dễ theo dõi, dễ tra cứu và không bị bỏ sót”. Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào nhóm các dịch vụ, hàng hóa không tính thuế gia tăng đối với sách chuyên khảo bên cạnh sách giáo khoa đã được quy định dự thảo Luật; bổ sung báo điện tử bên cạnh báo giấy, vì báo điện tử hiện cũng rất khó khăn về kinh tế báo chí trong điều kiện quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến rất phát triển…

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế, trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số, ngoài máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư trong nước chưa sản xuất được thì vẫn cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Do đó, bản thân công nghệ nhập khẩu được định giá bằng tiền cũng cần được cân nhắc bổ sung vào các nhóm dịch vụ, hàng hóa không tính thuế giá trị gia tăng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình các vấn đề đặt ra. Ảnh: Quang Khánh

Giải trình về các vấn đề được Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, Luật Thuế giá trị gia tăng là luật khó vì đụng chạm đến lợi ích của hàng triệu doanh nghiệp và nhiều hộ gia đình kinh doanh. Vì vậy, người nộp thuế có rất nhiều ý kiến, thậm chí ngay cả những cơ quan quản lý cũng có nhiều ý kiến đối với dự luật này.

Về việc bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm chưa được quy định hay quy định chưa rõ trong Luật Quản lý thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Luật đã quy định người nộp thuế phải chịu trách nhiệm về các vấn đề hồ sơ, chứng từ, thông tin… Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu quy định rõ hơn, làm rõ hơn nội dung này. “Trong giai đoạn vừa qua thì các hành vi gian lận về thuế giá trị gia tăng là rất lớn. Cho nên, cần phải quy định chặt và bảo đảm minh bạch để vừa bảo vệ những người nộp thuế chân chính, vừa bảo vệ cho những cán bộ thuế chân chính”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng chiến lược cải cách thuế, đặc biệt lưu ý đến quan điểm sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý; định hướng tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất và thực hiện tăng thuế theo lộ trình…

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần nghiên cứu ý kiến của cơ quan thẩm tra và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp, khả thi. Đồng thời, giải trình rõ cơ sở pháp lý, lý do việc quy định các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào…; quy định các nội dung mang tính nguyên tắc để xác định sản phẩm là tài nguyên, khoáng sản thuộc diện không chịu thuế trước khi giao Chính phủ ban hành danh mục; cân nhắc bỏ quy định không thu thuế giá trị gia tăng đối với quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển trong định mức miễn thuế nhập khẩu và việc miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ; sắp xếp hợp lý các danh mục mặt hàng phù hợp vớiphân ngành kinh tế và các lĩnh vực.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/du-an-luat-thue-gia-tri-gia-tang-sua-doi-can-quy-dinh-cu-the-hon-cac-hanh-vi-bi-cam-i368849/