Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi): Quyền lợi của người dân sẽ ra sao khi tiến hành cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư?

Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ngày 29/8, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề cập đến 5 nội dung lớn.

Các loại đất nào được làm dự án nhà ở thương mại?

Về tính thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, hình thức sử dụng đất được đầu tư dự án nhà ở thương mại (khoản 4 Điều 36) còn có 2 loại ý kiến:

Đa số ý kiến đề nghị giữ quy định về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại như Luật Nhà ở hiện hành (có quyền sử dụng đất ở, có quyền sử dụng đất ở và đất khác, nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua thỏa thuận) để phòng, chống sơ hở, thất thu ngân sách do chênh lệch địa tô khi cho phép các loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.

Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5 về việc bổ sung 2 loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại để thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Qua thảo luận tại phiên họp thứ 25, đa số ý kiến UBTVQH tán thành với đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật theo hướng kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành.

Về nội dung liên quan đến Luật Đầu tư, qua nghiên cứu, UBTVQH nhất trí với đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật theo hướng: để tránh xung đột pháp luật giữa các luật khác nhau, bảo đảm đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp, cần chỉnh lý khoản 4 Điều 35 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để kết nối các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở giữa 3 luật: Đầu tư, Xây dựng, Nhà ở, lược bỏ nội dung trùng lặp về thủ tục đầu tư như đã nêu ở trên và mở rộng quyền lựa chọn hình thức đầu tư (ủy quyền hoặc thành lập doanh nghiệp) của nhà đầu tư như thể hiện trong dự thảo Luật.

Các phương án về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (Chương V của dự thảo Luật), Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến ĐBQH và chỉnh lý các điều 68, 69 và 70 của dự thảo Luật theo hướng: đối với các chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994) thì tiếp tục kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành về việc áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ.

 Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Đối với các chung cư mới xây dựng sau năm 1994 mà thuộc diện được xây dựng lại do vẫn phù hợp với quy hoạch thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư và được nộp kinh phí này theo tiến độ thực hiện dự án hoặc sau khi bàn giao căn hộ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt.

Nếu không đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư thì được bồi thường quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở còn lại (nếu có) theo quy định của Chính phủ.

2 loại ý kiến liên quan chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân

Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 3 Điều 78), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, vấn đề này còn có 2 loại ý kiến như sau:

Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại văn bản số 7177/TLĐ-BQLDA.

 Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như nội dung Chính phủ trình. Đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật.

Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Có thể dành quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội

Về đất để xây dựng nhà ở xã hội (Điều 81), Thường trực Ủy ban Pháp luật xin báo cáo và đề xuất 2 phương án. Qua thảo luận tại phiên họp thứ 25, UBTVQH nhất trí với Phương án 1 như đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật.

 Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phương án 1 cụ thể như sau: Kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành, tiếp tục quy định trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và bổ sung trách nhiệm này tại khoản 2 và khoản 3 của Điều 81, tuy nhiên cần phải linh hoạt về phương thức thực hiện.

Theo đó, chủ đầu tư có thể dành quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đối với các dự án lớn, quy hoạch các khu vực nhà ở biệt lập, không có tác động tiêu cực về hạ tầng xã hội và điều kiện sống giữa các khu nhà ở có tiêu chí khác nhau) hoặc quỹ đất ở vị trí khác hay đóng góp bằng tiền mức tương đương giá trị quỹ đất, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong từng giai đoạn.

Có nên xây nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp?

Về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (Điều 90 và Điều 92), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, nhiều ý kiến tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình.

 Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tuy nhiên, theo phương án này thì phải bổ sung các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, xác định rõ quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; sửa đổi Điều 19 của Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp vì không bảo đảm thống nhất với Điều 19 và Điều 77 của Luật Đầu tư. Việc xây dựng nhà lưu trú công nhân cần hạn chế đưa vào khu công nghiệp để bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong khu công nghiệp.

Để có cơ sở nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật xin báo cáo các loại ý kiến nêu trên để tiếp tục xin ý kiến các vị ĐBQH.

Minh Khôi

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/du-an-luat-nha-o-sua-doi-quyen-loi-cua-nguoi-dan-se-ra-sao-khi-tien-hanh-cai-tao-xay-dung-lai-nha-chung-cu-144891.html