Dự án khôi phục sông Tích hoàn thành vào cuối năm 2024 | Hà Nội tin mỗi chiều

Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích phải hoàn thành vào cuối năm 2024; Hà Nội yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan thực hiện thí điểm hoạt động trông giữ xe không dùng tiền mặt để thanh toán ngay trong tháng tư; Rủi ro đằng sau những hợp đồng góp vốn hứa hẹn lãi suất 'khủng'… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Dự án khôi phục sông Tích hoàn thành vào cuối năm 2024

Dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích phải hoàn thành vào cuối năm 2024. Đây là yêu cầu Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tại buổi khảo sát, kiểm tra tiến độ triển khai dự án này. Sông Tích đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong phối cảnh quan; cấp thoát nước tưới tiêu nông nghiệp cũng như thoát nước đô thị ở các vùng sông chảy qua.

Dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích (từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì) do thành phố Hà Nội tiếp nhận từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự án có tổng mức đầu tư gần 7 nghìn tỷ đồng, mục tiêu cấp nước tưới cho 16 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp; bảo đảm tiêu thoát nước, phòng chống lũ cho lưu vực; tạo điều kiện thuận lợi khai thác tiềm năng quỹ đất dọc hai bờ sông Tích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cống đầu mối tại xã Thuần Mỹ, Ba Vì đã cơ bản hoàn thành, đưa nước từ sông Đà qua kênh dẫn vào sông Tích. Ảnh: Văn Sơn

Được khởi công từ năm 2011, dự án này đã nhiều lần trễ hẹn. Để khắc phục những điểm nghẽn của dự án, Hội đồng nhân dân thành phố đã phối hợp với huyện Ba Vì tập trung tháo gỡ khó khăn, nhất là việc giải phóng mặt bằng. Sông Tích đã thông dòng hơn 26km đầu tiên, từng bước đáp ứng cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của vùng hạ lưu.

Kiểm tra dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo giải pháp duy trì mức nước cao sông Tích để đưa nước về phía huyện Mỹ Đức, cung cấp nước sản xuất, về lâu dài còn phục vụ sản xuất nước sinh hoạt cho vùng khó khăn ; cần nhanh chóng xác định vị trí đặt trạm bơm cưỡng bức để duy trì mức nước cao cho sông Tích thường xuyên, liên tục, ngay cả vào mùa khô. Bí thư Thành ủy yêu cầu Dự án phải hoàn thành vào cuối năm nay.

Khó khăn lớn nhất của dự án trong hơn 10 năm qua là giải phóng mặt bằng, nay cơ bản được hoàn tất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị thi công cam kết sẽ hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2024.

Mọi con sông, dòng suối, ao hồ, khe thác đều nối kết với nhau thành mạng lưới vận hành tự nhiên, hoặc do con người chỉnh trị bao đời nay mà có. Mỗi một dòng chảy được khơi thông, mỗi dòng sông được khôi phục đều có tác động tích cực tới môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Triển khai thu phí giữ xe không dùng tiền mặt

Thay vì mốc 1/5, Hà Nội yêu cầu các Sở, ban ngành, đơn vị có liên quan thực hiện thí điểm hoạt động trông giữ xe thanh toán không dùng tiền mặt ngay trong tháng tư này để sau đó áp dụng rộng rãi trên toàn thành phố.

Việc chuyển đổi số trong hoạt động giao thông, trong đó có thu phí trông giữ xe sẽ ngăn chặn hiệu quả tình trạng bãi xe lậu, chặt chém khách gửi xe. Các điểm trông giữ xe sẽ được trang bị các cột có camera nhận diện biển số xe, hoặc đóng mở bằng rào chắn tự động đối với bãi đỗ xe kín.

Hà Nội yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan thực hiện thí điểm hoạt động trông giữ xe không dùng tiền mặt để thanh toán ngay trong tháng tư. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong tháng tư năm nay, 40 doanh nghiệp trông giữ xe trên địa bàn được chủ động tìm hiểu và triển khai ứng dụng công nghệ để thí điểm. Đến nay, các đơn vị lớn như Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã lựa chọn công nghệ như hiện đang sử dụng trong thu phí không dừng để áp dụng trừ tiền thông qua tài khoản giao thông. Theo kế hoạch, việc thí điểm sẽ được thực hiện trong khoảng 6 tháng trước khi nhân rộng tại gần 700 bãi đỗ và điểm trông xe dưới lòng đường đã được thành phố cấp phép.

Mô hình được đánh giá là tiện lợi này được hy vọng sẽ góp phần tạo thuận lợi cho người dân, hạn chế tiêu cực, chặt chém trong trông xe và tiến tới hình thành diện mạo giao thông tĩnh văn minh, hiện đại của Thủ đô.

Rủi ro sau những hợp đồng góp vốn hứa hẹn lãi suất “khủng”

Kêu gọi vốn đầu tư vào các dự án bất động sản, kinh doanh tài chính, dự án công nghệ, giáo dục lãi suất lên tới 20, 30 và thậm chí là 70% một năm, thông qua hợp đồng góp vốn; tổng số tiền góp vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Hàng loạt vụ việc vỡ lở thời gian gần đây cho thấy phương thức lừa đảo này đang diễn biến rất phức tạp, trong khi luật pháp điều chỉnh các hành vi này chưa theo kịp.

Gần đây nhất, đã có hàng trăm người dân tham gia góp vốn cho Công ty cổ phần tập đoàn Tâm Lộc Phát dưới hình thức hợp đồng góp vốn kinh doanh và hợp đồng góp vốn cổ đông. Tuy nhiên từ tháng 9 đến nay, họ không được trả cả gốc và lãi và không thể liên lạc được với người đại diện của công ty. Chỉ riêng tỉnh Hải Dương đã có gần 300 người nộp tiền góp vốn cho công ty. Họ đều chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của một người đại diện công ty tại địa phương và nhận lại phiếu thu do người này kí. Sau đó, người góp vốn sẽ kí vào bản hợp đồng góp vốn kinh doanh, có chữ kí của tổng giám đốc công ty. Công ty này huy động từ 5 triệu đến 5 tỷ đồng. Ai mời được người khác tham gia sẽ nhận hoa hồng 20%.

Nhiều người tham gia góp vốn đã tìm đến địa chỉ đăng ký hoạt động của công ty tại phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội. Nơi đây là một căn nhà có biển ghi Tập đoàn Tâm Lộc Phát, dưới có biển cửa hàng vàng bạc đá quý nhưng hiện đóng cửa. Những người đại diện công ty quảng cáo công ty này kinh doanh 8 lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như: kinh doanh công nghệ 4.0, kênh truyền hình, trang điện tử, hệ thống taxi du lịch, truyền thông sự kiện…

Bà Nguyễn Phương Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Phú La cho hay, công ty thuê nhà từ tháng 3/2022. Trong hợp đồng góp vốn của người dân với công ty có những điểm bất thường, như công ty không ghi rõ sử dụng tiền vào nội dung cụ thể là gì, mức lãi suất trong 1 năm có thể lên tới 36% là không có cơ sở; chưa kể một khoản tiền hoa hồng lên tới 20% cho người tìm kiếm được nhà đầu tư cũng là điểm không hợp lý. Hiện số người dân trình báo công an đang ngày càng nhiều.

Còn có những vụ lừa đảo khác có hình thức tương tự. Vào ngày 21/3, cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch tập đoàn Egroup để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần. Hiện tại, theo tố cáo của các nguyên đơn, ông Thủy lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 226 tỷ đồng từ năm 2017 đến năm 2022, thông qua các hợp đồng góp vốn với mức lãi suất 15% mỗi năm.

Ảnh minh họa: VTV

Vào tháng 1 năm nay, công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu. Theo kết quả điều tra sơ bộ, từ tháng 10/2020 đến tháng 3/ 2023, có hơn 400 nhà đầu tư đã ký kết mua bán cổ phần với công ty này với số tiền khoảng hơn 1000 tỷ đồng. Công ty cam kết sẽ mua lại với lãi suất 12% mỗi năm nhưng sau đó mất khả năng chi trả.

Vẽ các dự án bất động sản “ma”, lập các kênh đầu tư tài chính “ảo” để huy động vốn từ các nhà đầu từ bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh hay ủy thác đầu tư, hưởng lãi suất cao gấp nhiều lần ngân hàng. Nhưng thực chất là lấy tiền của người trước trả cho người sau, đây là hình thức huy động vốn đa cấp. Dù đã được cảnh báo nhưng chỉ vì hám lợi, rất nhiều người vẫn sa vào, đến khi nhận ra thì đã quá muộn màng.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập - trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, với các dự án huy động đầu tư hình thức là hợp đồng góp vốn, các đối tượng cố tình lập lờ và không rõ ràng về thông tin dự án hợp tác đầu tư hay là việc báo cáo thuế, hoạt động kinh doanh. Các đối tượng dễ dàng chuyển tiền sử dụng trái mục đích, đồng thời né tránh việc quản lý theo dõi của các cơ quan thuế, cơ quan nhà nước. Do đó, rất cần thêm công cụ pháp lý để quản lý, giám sát loại hình công ty đặc thù cần huy động vốn của nhiều cổ đông, trong đó có nhiều cổ đông ẩn danh.

Việc góp vốn đầu tư vào bất kỳ một ngành nghề hay lĩnh vực nào không bị pháp luật nghiêm cấm đều là quyền lựa chọn của mỗi người. Hợp đồng góp vốn không xấu nhưng vì có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng trục lợi cho nên nó bị biến tướng. Do vậy, nhà đầu tư phải tìm hiểu kĩ thông tin các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn, các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh trước khi tham gia góp vốn đầu tư. Việc tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia pháp lý đánh giá những rủi ro có lẽ cũng là điều cần phải chú trọng, thay vì chỉ nhìn vào lãi suất dẫn đến những quyết định đầu tư cảm tính./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/du-an-khoi-phuc-song-tich-hoan-thanh-vao-cuoi-nam-2024-ha-noi-tin-moi-chieu-230507.htm