Dự án giao thông chậm tiến độ, không có đường gom, người dân đi bộ phải bò

'Làm gì mà có tình trạng làm đường nhà dân lọt thỏm xuống dưới, sát bên taluy đường, không có đường gom, bắc thang cũng đi không được chứ đừng nói dắt xe, đi bộ phải bò. Tỉnh cũng đã có kiến nghị là xem lại chính sách bồi thường, còn không có chính sách nào như thế cả'.

Đây là ý kiến của ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định khi nói về dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (vốn vay WB) qua tỉnh Bình Định.

Theo hợp đồng, đến ngày 30/6/2024, gói thầu XL-01 thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (vốn vay WB) qua tỉnh Bình Định phải hoàn thành đưa vào khai thác. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều hạng mục vẫn còn dang dở, nguy cơ chậm tiến độ. Thời gian qua, việc nâng nền đường quá cao đã làm đảo lộn cuộc sống người dân 2 bên Quốc lộ 19 qua huyện Tây Sơn. Dự án chậm tiến độ khiến đời sống, sinh hoạt người dân càng thêm khổ sở.

Cầu Ba La mới thực hiện việc khoan cọc nhồi.

Những ngày qua, trên Quốc lộ 19, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định được các nhà thầu tập trung thi công. Một số hạng mục như: cầu Ba La, thảm nhựa nền đường... khối lượng còn lại rất lớn. Một số vị trí dọc Quốc lộ 19 qua địa bàn huyện Tây Sơn, nhà thầu nâng nền quá cao khiến người dân 2 bên tuyến đi lại khó khăn.

Cầu Ba La ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định là hạng mục thực hiện chậm nhất tại gói thầu XL-01 thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Theo kế hoạch, đến ngày 30/6/2024, gói thầu XL-01 phải hoàn thành đưa vào khai thác. Thế nhưng cho đến nay, hạng mục cầu Ba La chỉ mới giai đoạn khoan cọc nhồi.

Ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Công ty Cổ phần xây dựng Hạ tầng Bắc Trung Nam - đơn vị thi công hạng mục này cho biết: “Hạng mục cầu Ba La, nhà thầu khẳng định sẽ hoàn thiện đúng thời gian. Hiện nay công tác khoan cọc nhồi ở bên mố và trụ T1, thân, bệ, trụ của mố M2 và trụ T2 hoàn thành trước 30/4. Công tác đúc dầm đã xong, gác dầm cũng chỉ mất một tuần. Như vậy một tháng để làm công tác hoàn thiện, 30/6 sẽ xong hạng mục cầu Ba La. Tuy nhiên trong quá trình thi công cầu Ba La cũng khó khăn liên quan đến công tác mặt bằng, đảm bảo giải phóng mặt bằng trước 30/4 thì chúng tôi sẽ hoàn thành hạng mục này đúng theo tiến độ hợp đồng”.

Các hạng mục gói thầu XL-01 thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua tỉnh Bình Định dài 17km với hơn 1.400 hộ dân ở 2 xã Tây Thuận và Tây Giang bị ảnh hưởng. Hiện nay, huyện Tây Sơn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với 46 hộ dân bị ảnh hưởng của dự án (đoạn từ cầu Bàu Sen đến cầu Ba La).

Bà Lê Bình Thanh, Bí thư Huyện ủy Tây Sơn, tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua huyện Tây Sơn tập trung giải phóng mặt bằng và giải quyết các vướng mắc liên quan. Tuy nhiên, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông Vận tải và nhà thầu thi công chưa thực sự phối hợp thật tốt để giải quyết nhanh các vướng mắc.

Theo bà Lê Bình Thanh, Bí thư huyện ủy Tây Sơn thì dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua huyện Tây Sơn đã nâng nền đường quá cao, có những vị trí cao từ 1,4 đến 3,8m, ảnh hưởng cuộc sống người dân 2 bên tuyến: “Tuyến chính cơ bản đã xong hết nhưng nhà thầu nhiều khi đổ thừa lại cho địa phương chưa có. Thông tuyến đã xong rồi, nhà thầu cứ triển khai, còn lại phương án bồi thường thì mình bàn thêm một số giải pháp để mình bảo thêm quyền lợi cho một số hộ người ta thiệt thòi quá lớn”.

Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã có nhiều văn bản đôn đốc việc hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Bình Định "chốt" đến ngày 15/4, huyện Tây Sơn phải hoàn thành việc giải phóng mặt bằng của dự án này. Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng yêu cầu chủ đầu tư phải thay đổi thiết kế, không để nền đường cao bằng nóc nhà người dân, nhà thầu phải có giải pháp hạn chế ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt người dân 2 bên cầu Ba La, cầu Bàu Sen.

Ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đề nghị: “Tỉnh đã kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gửi kiến nghị đến cấp có thẩm quyền. Làm gì mà có tình trạng làm đường nhà dân lọt thỏm xuống dưới, sát bên taluy đường, không có đường gom, bắc thang cũng đi không được chứ đừng nói dắt xe, đi bộ phải bò. Tỉnh cũng đã có kiến nghị là xem lại chính sách bồi thường, còn không có chính sách nào như thế cả. Nhà dân mặt đường đang mua bán, làm đường thiết kế thế nào mà nền cao bằng nhà họ, hơn nữa lại nói thỏa thuận với chính quyền địa phương rồi".

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/du-an-giao-thong-cham-tien-do-khong-co-duong-gom-nguoi-dan-di-bo-phai-bo-post1088183.vov