Dự án D2 Giảng Võ: Phủ nhận tư cách công ty chia tách: Không có cơ sở!

(CLO) Công ty CP Đầu tư Phát triển Nha Trang – Hà Nội ( Công ty Nha Trang) cho rằng đối tác là Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Gia Bảo (Công ty Gia Bảo) có sự lòng vòng, “đánh võng” để cố tình che giấu các sai phạm nghiêm trọng tại Dự án D2 Giảng Võ sau nhiều năm hoàn thành vẫn lình xình các tranh chấp. Trong khi đó, Công ty Gia Bảo lại cho rằng có sự bất thường về việc chia tách Công ty Nha Trang – Hà Nội…

Hợp tác đầu tư rồi không chia sản phẩm
Dự án xây dựng lại nhà tập thể cũ D2 Giảng Võ ban đầu được triển khai theo Quyết định 1948/QĐ-UBND ngày 29/04/2010 của UBND Thành phố Hà Nội. Sau đó, Công ty Gia Bảo đã ký Hợp đồng HTĐT số 18 với Công ty Nha Trang – Hà Nội (viết tắt là công ty N&H) ngày 18/02/2013 trên cơ sở công ty này kế thừa quyền lợi, nghĩa vụ của Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long do đơn vị này gặp khó khăn về vốn. UBND TP Hà Nội sau đó cũng đã có văn bản chấp thuận liên danh chủ đầu tư mới.

Tòa nhà D2 Giảng Võ, nơi diễn ra nhiều tranh chấp

Theo Công ty Nha Trang – Hà Nội, để tham gia dự án, Công ty Nha Trang – Hà Nội đã đầu tư số tiền khoảng 120 tỷ đồng (nếu tính cả phần kế thừa của Công ty Sông Đà – Thăng Long) và khoảng hơn 80 tỷ đồng góp trực tiếp, chiếm 63,22% tỷ lệ vốn góp thực tế trong liên danh chủ đầu tư. Công ty Gia Bảo không góp vốn đầy đủ theo quy định. Trong khi đó, Công ty Gia Bảo lại cho rằng, Công ty Nha Trang – Hà Nội đã vi phạm nghĩa vụ góp vốn nên theo hợp đồng giữa hai bên Công ty Nha Trang – Hà Nội bị giảm trừ số tiền góp vốn chậm. Tổng mức đầu tư của dự án là 720 tỷ đồng, Công ty Nha Trang – Hà Nội mới góp được hơn 61,8 tỷ đồng. Qua 17 lần giảm trừ tỷ lệ góp vốn, từ chỗ tỷ lệ góp vốn 40% nay chỉ còn 9,16%, nếu quyết toán còn có thể thấp hơn.

Sau khi xây xong phần móng, Công ty Gia Bảo không thực hiện được việc phân chia sản phẩm cho Công ty Nha Trang – Hà Nội và thực hiện các nội dung thỏa thuận đầu tư khác dẫn đến tranh chấp kéo dài đến nay, trong bối cảnh hầu hết các căn hộ của dự án đã được Công ty Gia Bảo chuyển nhượng hết.

Nghi ngờ từ việc chia tách?

Trong nhiều văn bản gửi cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, phía Công ty Gia Bảo đều nghi ngờ có sự “khuất tất” xung quanh việc Công ty Nha Trang – Hà Nội đã chia tách ra thành hai công ty từ năm 2014 là có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm. Điều này khiến Công ty Gia Bảo không biết đâu là pháp nhân có quyền lợi và nghĩa vụ kế thừa trách nhiệm của dự án. Người đại diện trước pháp luật của Công ty Nha Trang – Hà Nội trước đây là ông Lý Mạnh Hà, Tổng giám đốc cũng là người ký hợp đồng hợp tác đầu tư. Nay Công ty tách ra thành Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Khánh Hòa-Hà Nội và Công ty Nha Trang-Hà Nội từ ngày 18/6/2014.

Tuy nhiên, đại diện Công ty Nha Trang – Hà Nội đã bác bỏ toàn bộ những nội dung trên và cho biết việc chia tách công ty là bình thường do Công ty Nha Trang – Hà Nội cũ thực hiện nhiều dự án khác nhau. Việc chia tách thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, có nghị quyết của Hội đồng Quản trị và Công ty Nha Trang – Hà Nội đã nhiều lần gửi thông báo bằng văn bản tới Công ty Gia Bảo nhưng công ty này cố tình nhiều lần nói “không nhận được”.

Hợp đồng hợp tác đầu tư giữa hai công ty nhiều lần ghi rõ “liên danh chủ đầu tư”

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói: “Bản chất của hợp đồng hợp tác đầu tư giữa các công ty là cùng liên kết hợp tác và phân chia lợi nhuận, sản phẩm với nhau. Tại thời điểm ký kết hợp đồng, ông Lý Mạnh Hà là Tổng giám đốc Công ty Nha Trang-Hà Nội, đồng thời là người đại diện và thay mặt Công ty Nha Trang-Hà Nội làm việc với phía Công ty Gia Bảo. Nhưng ở thời điểm hiện tại, ông Hà không còn là thành viên của Công ty Nha Trang-Hà Nội nữa nên người tiếp quản vị trí của ông Hà sẽ là người đại diện theo pháp luật của Công ty Nha Trang-Hà Nội để thực hiện các quyền, nghĩa được giao theo điều lệ của công ty”.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm: “Để xem xét việc Công ty Gia Bảo yêu cầu chỉ làm việc với ông Hà có hợp lý không thì cần căn cứ vào nội dung thỏa thuận của hai công ty lúc ký kết hợp đồng, điều lệ của Công ty Nha Trang-Hà Nội. Nếu thỏa thuận hợp tác không yêu cầu về việc bắt buộc phải thông báo việc thay đổi người đại diện theo pháp luật cho bên hợp tác và trong điều lệ người có quyền đứng ra đại diện cho công ty trong các giao dịch là người đại diện theo pháp luật hiện tại của công ty thì người đó có thẩm quyền thực hiện các giao dịch, bàn bạc về thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Công ty Nha Trang-Hà Nội và Công ty Gia Bảo. Do đó nếu hai bên công ty không có thỏa thuận thì không có cơ sở để Công ty Gia Bảo yêu cầu gặp người đại diện cũ là ông Lý Mạnh Hà, bởi người đại diện hiện tại mới là người có trách nhiệm đại diện cho công ty làm việc với các bên đối tác”.
Ông Nguyễn Hữu Sinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Nha Trang – Hà Nội cũng cho biết thêm: Biên bản Họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Công ty Cổ phần Đầu tư Nha Trang-Hà Nội vào ngày 26/4/2014 cũng đã thống nhất: Toàn bộ giá trị tài sản, các giao dịch, hợp đồng được kế thừa từ công ty bị tách.

Ông Trần Phan Diên, Trưởng phòng pháp chế Công ty Khánh Hòa – Hà Nội cho biết, công ty không còn quyền lợi nghĩa vụ gì tại dự án D2 và mọi quyền lợi nghĩa vụ hiện đều thuộc về Công ty Nha Trang – Hà Nội.

Theo đại diện hai công ty sau khi chia tách, Công ty Nha Trang – Hà Nội đã nhiều lần gửi và cả bàn giao trực tiếp các văn bản, nghị quyết về việc chia tách cho Công ty Gia Bảo nhưng đơn vị này vẫn nhiều lần nói “chưa nhận được các văn bản” là một điều hết sức bất thường, vô lý.

“Nói thẳng ra đây là một kiểu lòng vòng, né tránh trách nhiệm để kéo dài thời gian giải quyết sự việc đã kéo dài mấy năm qua, không phải họ không biết mà cố tình không biết” (Ý kiến của ông Lê Đức Thắng, Trưởng phòng pháp chế Công ty Nha Trang – Hà Nội).

Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc

Hồng Quang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phu-nhan-tu-cach-cong-ty-chia-tach-khong-co-co-so/