Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành lên bàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chính phủ dự kiến chuẩn bị dự án năm 2023 - 2024, giải phóng mặt bằng năm 2024 - 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo về dự án.

Chiều 17/4, tiếp tục phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Phấn đấu hoàn thành năm 2026

Trình bày báo cáo về dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy hoạch, đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây.

Đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh; việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triến mới, động lực thúc đấy phát triến kinh tể - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tại các Nghị quyết số 23- NQ/TW, số 24-NQ/TW, Bộ Chính trị đã định hướng đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trước năm 2030.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe. Giai đoạn phân kỷ đầu tư với chiều đài khoảng 128,8 km (đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8 km, qua địa phận tỉnh Bình Phước 101 km), quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh , giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch (6 làn xe).

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, bao gồm: 12.770 tỷ đồng vốn nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư thu xếp.

Phương án triển khai chia thành 5 dự án thành phần, trong đó: Dự án thành phần 1 (cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành) đầu tư theo phương thức ppp (loại hợp đồng BOT; sơ bộ thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm). Các dự án thành phần 2, 3, 4, 5 thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua địa phận tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Phước triển khai theo hình thức đầu tư công .

Về tiến độ, ông Thắng cho hay, chuẩn bị dự án năm 2023 - 2024; giải phóng mặt bằng năm 2024 - 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng kiến nghị Quốc hội chấp thuận bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021- 2025 đê đầu tư Dự án; cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện Dự án.

Ông Thắng cũng kiến nghị cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm kế từ ngày Dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện Dự án nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.

Đề xuất tiếp theo là cho phép trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này đupc thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đánh giá kỹ khà năng bố trí nguồn lực

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết đầu tư Dự án. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh, có ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ về khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu, để bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá tác động của Dự án đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để làm rõ hơn sự cần thiết, cấp thiết của Dự án. vốn đầu tư, ông Thanh cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Về phương thức đầu tư, Chính phủ kiến nghị đầu tư Dự án theo phương thức đối tác công tư. Ông Thanh đề nghị bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho Dự án, tránh trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng cho Dự án, dẫn đến phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công làm kéo dài thời gian, giảm hiệu quả đầu tư.

Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn tính hấp dẫn của Dự án đối với các nhà đầu tư khi các chỉ số về hiệu quả tài chính của Dự án là không cao, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.

Đáng chú ý, Thường trực cơ quan thẩm tra nêu, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, có 2 dự án BOT song hành với Dự án là dự án BOT Cầu 38 - thị xã Đồng Xoài và dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Km817 - Km887, tỉnh Đắk Nông), nên việc đầu tư Dự án sẽ làm giảm doanh thu và thay đổi phương án tài chính dự kiến ban đầu của các dự án này.

Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần bổ sung giải pháp cụ thể đối với Dự án để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

Khẳng định sự cần thiết đầu tư dự án, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá công tác chuẩn bị dự án cơ bản đảm bảo để trình Quốc hội quyết địnhh tại Kỳ họp thứ bảy vào tháng 5 tới.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-an-cao-toc-gia-nghia---chon-thanh-len-ban-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-d213229.html