Dow Jones mất điểm vào cuối phiên vì mối lo chiến tranh thương mại

Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa với điểm số không thay đổi nhiều khi đón nhận các thông tin tích cực về doanh số bán nhà và dữ liệu sản xuất giữa lúc giới đầu tư vẫn mổ xẻ thông điệp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và lo lắng về chiến tranh thương mại.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones thoái lùi khi các mối lo chiến tranh thương mại quay trở lại với thị trường. Ảnh: Investing

Chốt phiên giao dịch hôm 19-9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 52,29 điểm (0,2%), về mức 27.094,79 điểm, trong khi đó hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng nhẹ 0,1%.

Thị trường tăng điểm trong phần lớn thời gian giao dịch và chỉ số S&P 500 có lúc tăng lên mức 3.021,99 điểm, gần sát với mức đóng cửa cao kỷ lục 3.025,86 điểm được thiết lập vào ngày 26-7.

Động lực tăng điểm đến từ thông tin tích cực về doanh số bán nhà có sẵn (existing home sales) trên toàn quốc và dữ liệu sản xuất ở khu vực Philadelphia, giúp giới đầu tư yên tâm hơn về sức khỏe nền kinh tế Mỹ.

Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản quốc gia Mỹ (NAR) ghi nhận trong tháng 8, doanh số bán nhà có sẵn tăng 1,3% so với tháng trước, lên mức 5,49 triệu đơn vị. Đây là tốc độ tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.

Chỉ số sản xuất ở chi nhánh khu vực Philadelphia của Fed (chịu trách nhiệm phần Tây của bang Pennsylvania, phần Nam của hai bang New Jersey và Delaware) rơi về mức 12 điểm trong tháng 9, sau khi đạt 16,8 điểm trong tháng 8. Dù vậy, mức 12 điểm vẫn còn hơn mức dự báo 10 điểm của các nhà kinh tế.

Các thông tin trên chắp cánh cho các chỉ số chứng khoán Mỹ nhưng tin xấu về chiến tranh thương mại vào cuối giờ giao dịch khiến thành quả tăng điểm trong phiên bị xóa sạch.

Trong cuộc trao đổi với tờ South China Morning Post tại Hồng Kông hôm 19-9, ông Michael Pillsbury, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc ở Viện Hudson đồng thời là cố vấn của Tổng thống Donald Trump, nói rằng cho đến nay, Washington mới chỉ áp các mức thuế thấp đối với Trung Quốc.

Ông cảnh báo ông Trump có thể tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc đến mức 50 hoặc 100% nếu Trung Quốc không nỗ lực đạt thỏa thuận thương mại sớm với Mỹ.

Cùng ngày, bình luận về cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung trên Twitter, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, một phụ san của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết: “Trung Quốc và Mỹ nên vui mừng với các cuộc đàm phán hiện tại. Nhiều quan chức Mỹ dễ dàng đọc sai thiện chí của Trung Quốc, nghĩ rằng sự thiện chí này chứng tỏ sự yếu ớt của Bắc Kinh. Trung Quốc không muốn dùng những ngôn ngữ cứng rắn trước các cuộc đàm phán nhưng tôi biết Trung Quốc không sốt sắng đạt được thỏa thuận thương mại như phía Mỹ lầm tưởng”.

Các phát biểu trên được đưa ra giữa lúc phái đoàn thương mại 30 thành viên do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc, Liao Min, dẫn đầu đang có mặt ở Washington để đàm phán với phái đoàn Mỹ do Phó Đại diện Thương mại Mỹ, Jeffrey Gerrish, dẫn đầu.

Các nguồn tin cho biết các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp bao gồm các yêu cầu của Mỹ về việc Trung Quốc tăng mua đậu nành và các nông sản của Mỹ. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ thảo luận vấn đề củng cố các biện pháp bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc và cưỡng ép chuyển giao công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc.

Các cuộc thảo luận này dọn đường cho vòng đàm phán thương mại cấp bộ trưởng giữa hai nước dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10.

“Phần lớn các bên tham gia thị trường vẫn còn nghiền ngẫm thông điệp của Fed và chúng ta cũng chứng kiến mối quan tâm của giới đầu tư nhanh chóng trở lại với vấn đề chiến tranh thương mại”, Edward Moya, nhà phân tích thị trường ở Công ty giao dịch ngoại hối OANDA, nhận định.

Trong thông điệp về chính sách lãi suất hôm qua, đa số thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, không ủng hộ hạ thêm lãi suất trong những tháng còn lại của năm nay. Tuy nhiên sau đó, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, nói rằng nếu nền kinh tế Mỹ đảo chiều, sẽ có thêm nhiều đợt hạ lãi suất.

Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng các chỉ số chứng khoán Mỹ đang tiệm cận các mức điểm cao kỷ lục nên có một chút kháng cự về mặt kỹ thuật.

Trong một diễn biến khác, trong báo cáo công bố hôm 19-9, Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) nhận định các cuộc xung đột thương mại leo thang, dẫn đến niềm tin và đầu tư suy giảm, cộng với tình trạng không chắc chắn về chính sách và các rủi ro gia tăng trên các thị trường tài chính, đang chặn đứng đà tăng trưởng trên toàn cầu.

Báo cáo hạ dự báo tăng trưởng Trung Quốc về mức 6,1% trong năm nay và 5,7% trong năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng của Mỹ cũng được dự báo giảm về mức 2,4% và 2% lần lượt trong năm 2019 và 2020.

Chốt phiên giao dịch hôm 19-9, giá dầu Brent ở thị trường London tăng 1,3%, lên mức 64,4 đô la/thùng, trong khi đó, giá dầu Tây Texas ở thị trường New York tăng 0,1% lên mức 58,13 đô la/thùng.

Sau phiên tăng giá mạnh hôm 16-9, dầu thô giảm giá hai phiên liên tục trước thông tin Saudi Arabia khôi phục sản lượng nhanh hơn dự kiến sau vụ tấn công hôm 14-9. Tuy nhiên giá dầu tăng đã trở lại sau khi một bản tin của tờ Wall Street Journal cho biết Saudi Arabia đang liên hệ với các nước sản xuất dầu để nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác.

Theo Reuters, WSJ, CNBC

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294320/dow-jones-mat-diem-vao-cuoi-phien-vi-moi-lo-chien-tranh-thuong-mai.html