Đợt thuế mới của Mỹ với hàng Trung Quốc có tác động thế nào về mặt kinh tế?

Lâu nay, các quốc gia trên thế giới xem thuế quan với hàng nhập khẩu như một công cụ để bảo vệ và thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, lịch sử và các nghiên cứu cho thấy tác động về mặt kinh tế của biện pháp này không được như kỳ vọng...

Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo kế hoạch tăng thuế nhập khẩu với một loạt hàng hóa Trung Quốc trong một sự kiện ở Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 14/5/2024 - Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo kế hoạch tăng thuế nhập khẩu với một loạt hàng hóa Trung Quốc trong một sự kiện ở Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 14/5/2024 - Ảnh: Bloomberg

Ngày 14/5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo tăng mạnh thuế đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc có tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm vào Mỹ đạt 18 tỷ USD. Nhà Trắng cho biết đợt tăng thuế này là cần thiết để bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ khỏi tình trạng cạnh tranh không bình đẳng.

Nhận xét về động thái mới của Nhà Trắng, một số nhà kinh tế cho rằng trong ngắn hạn, đợt tăng thuế quan này sẽ có tác động hạn chế đối với GDP, lạm phát và chính sách tiền tệ của Mỹ. Tuy nhiên, xét ở phương diện rộng hơn, bức tranh có thể sẽ phức tạp hơn nhiều.

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ, LẠM PHÁT VÀ FED

“Đợt tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của chính quyền ông Biden báo hiệu trước một ‘mùa đông lạnh kéo dài" về xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc”, nhà kinh tế Joe Brusuelas tại công ty tư vấn quản lý RSM US nói với hãng tin CNN.

Đợt tăng thuế mới của ông Biden bổ sung cho chương trình thuế đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra vào năm 2018 và 2019. Chương trình này gồm các loại thuế cao áp đặt với hàng hóa Trung Quốc cùng nhiều đối tác thương mại khác của Mỹ, đến nay vẫn có hiệu lực.

Lâu nay, các quốc gia trên thế giới xem thuế quan với hàng nhập khẩu như một công cụ để bảo vệ và thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, lịch sử và các nghiên cứu cho thấy tác động về mặt kinh tế của biện pháp này không được như kỳ vọng.

Đợt tăng thuế mới, dự kiến sẽ có hiệu lực trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2026, được đưa ra trong bối cảnh thị trường lao động Mỹ đang khỏe, tăng trưởng kinh tế mạnh và tiêu dùng ổn định. Quyết định cũng được đưa ra giữa lúc nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong cuộc chiến chống lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ - điều khiến lãi suất đang được duy trì ở mức cao.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt bút ký quyết định tăng thuế với một loạt hàng hóa Trung Quốc tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 14/5 - Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt bút ký quyết định tăng thuế với một loạt hàng hóa Trung Quốc tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 14/5 - Ảnh: AP

“Kế hoạch thuế quan mới của ông Biden sẽ không làm thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ”, ông Ryan Sweet, nhà kinh tế trưởng tại Mỹ của Oxford Economics, nhận định trong một báo cáo. “Thuế tăng thêm sẽ chỉ có tác động hết sức nhỏ – giống như làm tròn số – với lạm phát và GDP của Mỹ, và không có tác động tới chính sách tiền tệ”.

Theo ông Sweet, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không “chuyện bé xé ra to”, vì vậy đợt tăng thuế sẽ không khiến cơ quan này phải điều chỉnh việc duy trì lãi suất cao lâu hơn như đã định.

SẢN XUẤT NỘI ĐỊA

Năm 2002, khi Tổng thống George W. Bush áp thuế với sản phẩm nhôm thép nhập khẩu, các nghiên cứu chỉ ra rằng dù quyết định này chỉ khiến nền kinh tế thiệt hại khoảng 30 triệu USD nhưng lại khiến chi phí đối với các ngành công nghiệp sử dụng thép ở Mỹ tăng lên, khiến các ngành này phải sa thải nhân sự hàng loạt, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ.

7 năm sau đó, khi Tổng thống Barack Obama tăng thuế với lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc, sáng kiến này được cho là đã giúp “cứu” được khoảng 1.200 việc làm trong ngành sản xuất lốp Mỹ. Tuy nhiên, tính toán cho thấy quyết định này khiến người tiêu dùng Mỹ thiệt hại khoảng 1,1 tỷ USD vì giá cả tăng lên – theo Viện Nghiên cứu Quốc tế Peterson (PIIE).

Trong khi đó, các quyết định thuế quan năm 2018 được đưa ra bởi chính quyền Trump được đánh giá là không mang lại tác động tức thì trong việc thúc đẩy việc làm ở Mỹ. Thực tế cho thấy số lượng việc làm được tạo ra ít hơn số việc làm mất đi. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa tăng do chi phí đầu vào tăng và thuế trả đũa của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng Mỹ – theo phân tích của các nhà kinh tế tại Fed trong một tài liệu năm 2019.

NGƯỜI TIÊU DÙNG GÁNH CHỊU

Ông Sweet đánh giá quyết định thuế quan mới của Mỹ mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là kinh tế.

“Hầu hết các nhà kinh tế xem thuế quan là một ý tưởng tồi, bởi việc này làm cản trở một quốc gia hưởng những lợi ích của sự chuyên môn hóa, làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, cũng như dẫn tới sự phân bổ không đồng đều các nguồn tài nguyên”, ông Sweet nêu quan điểm. “Người tiêu dùng và các nhà sản xuất thường phải chịu giá cả hàng hóa cao hơn khi thuế quan được áp đặt”.

Đó là bởi, khi có thuế nhập khẩu, chi phí đối với các nhà phân phối, nhà bán lẻ sẽ tăng lên và sau cùng chi phí này được đẩy sang người tiêu dùng.

Trong một nghiên cứu năm 2023, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) cho biết các công ty nhập khẩu Mỹ “chịu gần như toàn bộ chi phí” phát sinh từ biện pháp thuế quan của ông Trump. Tệ hơn, một số doanh nghiệp còn lợi dụng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung để đẩy giá tăng lên.

Ảnh minh họa: Getty Images

Ảnh minh họa: Getty Images

Một nghiên cứu của ngân hàng Goldman Sachs chỉ ra rằng thuế quan đã mang lại cho các nhà sản xuất Mỹ cũng như các nhà xuất khẩu không có yếu tố Trung Quốc vào thị trường Mỹ “cơ hội tăng giá hàng hóa”.

Còn theo tính toán của chi nhánh New York của Fed, chương trình tăng thuế nhập khẩu năm 2018 khiến các hộ gia đình Mỹ tốn thêm 419 USD mỗi năm do gánh nặng thuế tăng lên và hiệu quả thị trường (market efficiency) giảm sút. Các nhà nghiên cứu ước tính con số này tăng gấp đôi khi nhiều loại thuế nhập khẩu trong chương trình có hiệu lực vào năm 2019.

Trên thực tế, theo thời gian, tác động tích cực về mặt kinh tế của các biện pháp thuế quan càng trở nên mơ hồ.

“Thuế nhập khẩu, thuế quan trả đũa và trợ cấp nông nghiệp mang tác động bù trừ nhau, nhưng có xu hướng tiêu cực với việc làm cũng như các doanh nghiệp Mỹ”, các nhà kinh tế tại Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), nhận định trong một báo cáo công bố vào tháng 1/2024.

DÒNG CHẢY HÀNG NHẬP KHẨU

Những tác động khó lường của đại dịch Covid-19 tới chuỗi cung ứng đã làm biến dạng bức tranh tổng thể về tác động của chương trình thuế quan 2018-2019 với ngành sản xuất và thương mại của Mỹ. Sau khi thuế quan được áp dụng, các nhà nhập khẩu Mỹ đã bắt đầu tìm hướng thay thế hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đại dịch ập đến và nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ tăng lên trong khi tồn kho trong nước nhanh chóng sụt giảm, họ bắt đầu quay lại tăng mạnh nhập khẩu hàng Trung Quốc – theo một báo cáo công bố tháng trước của các nhà kinh tế thuộc ngân hàng Wells Fargo.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2023, lượng nhập khẩu hàng Trung Quốc của Mỹ giảm 3% so với năm 2019, trong lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Việt Nam tăng 50% – nhà kinh tế Nicole Cervi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN.

“Một số dữ liệu cho thấy Mỹ đã tăng nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Điều này có lẽ một phần đến từ việc doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia này – nơi không bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ”, ông Cervi phân tích.

Còn theo ông Peter Sand, nhà phân tích trưởng tại công ty phân tích vận tải hàng hải và hàng không Xeneta, dữ liệu mới nhất làm dấy lên nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể đang cố gắng “lách” thuế Mỹ qua Mexico.

“Số lượng container vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Mexico tăng vọt 60% trong tháng 1 năm nay và 34% trong cả quý đầu năm”, ông Sand dẫn dữ liệu của Xeneta cho biết. “Đó là sự tăng trưởng rất lớn. Bởi một tuyến thương mại nhỏ hẹp như vậy giờ đây lại là một trong những tuyến sôi động nhất thế giới. Rõ ràng lượng hàng hóa nhập khẩu ở mức độ lớn như vậy không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa ở Mexico”.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dot-thue-moi-cua-my-voi-hang-trung-quoc-co-tac-dong-the-nao-ve-mat-kinh-te.htm