Đột quỵ thoáng qua ở phụ nữ nguy hiểm đến mức nào?

Phụ nữ chiếm 58% tổng số ca tử vong do đột quỵ. Những vấn đề liên quan đến sinh học dường như đóng một vai trò quan trọng dẫn đến tỷ lệ nữ bị tử vong vì đột quỵ cao hơn nam giới nhưng thực tế, ít người biết để được chẩn đoán, điều trị sớm.

Đột quỵ thoáng qua ở phụ nữ thường dễ nhầm với cơn đau nửa đầu

Đột quỵ thoáng qua gọi chính xác là thiếu máu não thoáng qua, hay đột quỵ mini, là dấu hiệu sớm cảnh báo đột quỵ sắp xảy ra. Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là một giai đoạn tạm của các triệu chứng tương tự như đột quỵ, chỉ kéo dài vài phút và là dấu hiệu cảnh báo rằng đột quỵ có thể đang đến gần.

Khoảng 50% số người bị đột quỵ trong vòng 2 ngày sau TIA và 20% bị đột quỵ trong vòng 3 tháng sau đó. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị nhanh chóng có thể cứu sống người bệnh.

Một cơn TIA nhỏ kéo dài từ vài phút đến 24 giờ. Khi cục máu đông vỡ ra và lưu lượng máu quay trở lại, các triệu chứng sẽ biến mất và không có tổn thương vĩnh viễn.

Đột quỵ, nguyên nhân gây tử vong đứng thứ năm trên thế giới hiện nay, xảy ra ở cả hai giới nhưng phụ nữ có phần cao hơn. Khoa học đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của khoảng cách giới tính này trong điều trị.

Phụ nữ chiếm 58% tổng số ca tử vong do đột quỵ và sinh học dường như đóng một vai trò: Phụ nữ ít mắc bệnh tim hoặc đột quỵ trước thời kỳ mãn kinh. Điều này cho thấy, phụ nữ nên đặc biệt lưu ý các triệu chứng giống như đột quỵ và tìm cách điều trị ngay lập tức để ngăn ngừa đột quỵ.

Ảnh minh họa

Dấu hiệu cảnh báo

TIA xảy ra khi lưu lượng máu đến một phần não tạm thời bị chặn hoặc giảm, thường là do cục máu đông. Điều này gây ra các triệu chứng đột ngột giống như đột quỵ tạm thời, như: Yếu, tê hoặc tê liệt ở một bên cơ thể; nói ngọng hoặc khó hiểu người khác; mù hoặc có vấn đề về thị lực ở một hoặc cả hai mắt; chóng mặt và đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân…

Mặc dù ai cũng có thể bị đột quỵ nhưng nguy cơ tăng theo thời gian, gấp đôi sau mỗi 10 năm sau tuổi 55 khi động mạch của chúng ta trở nên cứng và hẹp hơn.

Ngoài ra, một số bệnh và thói quen xấu có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, bao gồm: nhóm bị huyết áp cao, mắc bệnh tiểu đường, cholesterol cao, béo phì, mắc bệnh tim rung nhĩ, hút thuốc lá, lạm dụng rượu, ngưng thở khi ngủ và phụ nữ dùng liệu pháp nội tiết tố (thuốc tránh thai, estrogen, testosterone)…

Can thiệp thế nào để mang lại hiệu quả cao?

Vì TIA thường xảy ra vài giờ hoặc vài ngày trước khi đột quỵ, nên việc thăm khám ngay sau khi xảy ra thiếu máu não thoáng qua là điều rất cần thiết. Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu nghi ngờ mình đã mắc TIA.

Việc đánh giá kịp thời và xác định các tình trạng có thể sẽ giúp bạn ngăn ngừa được đột quỵ. Đặc biệt là được điều trị bằng thuốc làm tan cục máu đông…

Các chuyên gia cho biết, 80% các ca đột quỵ có thể phòng ngừa được bằng cách thay đổi lối sống và chẩn đoán TIA là bước cần làm đầu tiên. Nếu được chẩn đoán là TIA, việc điều trị của bạn sẽ tập trung vào việc ngăn ngừa đột quỵ, bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh cho tim, kiểm soát cân nặng, cai thuốc lá cũng như hoạt động và tập thể dục đầy đủ.

Ngoài ra, bạn có thể được kê đơn một số loại thuốc, điều trị đồng thời các loại bệnh mắc phải. Một số người có thể cần phẫu thuật để mở rộng các động mạch cảnh bị hẹp cung cấp máu cho não.

Điều cuối cùng nên nhớ, đừng bao giờ coi các triệu chứng của cơn đột quỵ thoáng qua là do căng thẳng hoặc coi chúng như một cơn đau nửa đầu mà cần nhanh chóng đánh giá, được chẩn đoán và điều trị.

Nguồn: OHC/NHO

Mai Nguyễn

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dot-quy-thoang-qua-o-phu-nu-nguy-hiem-den-muc-nao-20240315162800253.htm