Đột phá trong giai đoạn mới

Hoàn thành giai đoạn chiến lược 2011 - 2016, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã tạo dựng một nền tảng vững vàng, tin cậy. Năm 2017, MB đã sẵn sàng cho sự “chuyển mình” với mục tiêu định vị MB trong Tốp 5 hệ thống ngân hàng Việt Nam về hiệu quả kinh doanh, tầm nhìn trở thành ngân hàng thuận tiện nhất.

Nền tảng vững vàng, tin cậy

Giai đoạn 2011 - 2016, MB đã ghi dấu ấn trên thị trường tài chính - ngân hàng với hình ảnh của một ngân hàng vững vàng, tin cậy, hiệu quả hoạt động nằm trong nhóm dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn chi phối của Nhà nước.

Trong giai đoạn này, MB không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị rủi ro và thực hiện các giải pháp kinh doanh đáp ứng nhu cầu của thị trường. “Ngân hàng đã có sự chuyển dịch kinh doanh từ việc tập trung vào nhóm các doanh nghiệp (DN) lớn sang nhóm các khách hàng cá nhân và khách hàng là DN vừa và nhỏ (SMEs) với phương châm hoạt động dựa trên các yêu cầu về phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả. Nhờ đó, MB từ ngân hàng nhóm dưới trở thành ngân hàng có quy mô trung bình và hiệu quả hoạt động vào nhóm tốt nhất của hệ thống ngân hàng. Được đánh giá là khá vững chắc và được nhiều khách hàng lớn, khách hàng trung tuổi rất tin tưởng”, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc MB Lưu Trung Thái chia sẻ.

Giai đoạn 2011 - 2016 đã khép lại với những thành công trong hoạt động kinh doanh, góp phần “tạo đà” cho MB phát triển đột phá trong giai đoạn chiến lược mới.

Chuyển dịch ngân hàng số

Phó Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái cho biết: “Trong giai đoạn tới, với tầm nhìn trở thành ngân hàng thuận tiện nhất cho khách hàng và mục tiêu định vị MB trong tốp 5 hệ thống ngân hàng Việt Nam về hiệu quả kinh doanh, có nhiệm vụ phục vụ được đa dạng nhóm khách hàng hơn, đặc biệt là khách hàng trẻ, năng động, MB sẽ có những điều chỉnh của giai đoạn chiến lược mới, trong đó, ngân hàng số là một trong ba trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng cho ngân hàng”.

Chia sẻ về cơ sở chọn số hóa để tạo đà phát triển trong giai đoạn chiến lược 2017 - 2021, ông Lưu Trung Thái nhận định, xu hướng số hóa diễn ra mạnh mẽ khoảng 5 năm trở lại đây. Với ngân hàng số, có hai cách tiếp cận chính: Thứ nhất, đưa vào quy trình để giảm bớt thủ tục giấy tờ, tăng tốc độ ra quyết định trong nội bộ, tiêu chuẩn hóa trong nội bộ, từ đó tăng năng suất lao động. Thứ hai, ứng dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ, từ đó gia tăng khả năng tiếp cận của khách hàng. “MB áp dụng cả hai xu hướng, cuộc cách mạng về công nghệ giúp chúng ta giải quyết những vấn đề về năng lực, giảm chi phí và tăng tính chủ động. Đồng thời, việc đưa các sản phẩm, dịch vụ lên kênh số giúp gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng” - Ông Lưu Trung Thái chia sẻ.

Vận hành trong kỷ nguyên công nghệ số, ngân hàng đã triển khai ứng dụng xu hướng này, bắt đầu bằng những kênh tự phục vụ tại sàn giao dịch, cũng như các kênh số như in-tơ-nét, thiết bị di động, mạng xã hội… Và đặc biệt, sự xuất hiện của các công ty fintech, đưa ra những cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn để tăng lợi ích cho khách hàng.

Hiện nay, MB đã và đang đầu tư hệ thống, hạ tầng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển ngân hàng số như: hệ thống ebanking mới, hệ thống CRM, BPM, cải tiến website MB,... để sẵn sàng tiếp cận khách hàng nhanh nhất thông qua các kênh số. Lợi thế cạnh tranh của MB là khả năng kết hợp với đối tác chiến lược để cung cấp sản phẩm số phù hợp mọi đối tượng khách hàng, chi phí sử dụng sản phẩm dịch vụ hợp lý nhất.

Đột phá trong giai đoạn mới

Chuyển dịch ngân hàng số là hướng đi quan trọng để MB thúc đẩy nhanh quá trình đưa sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng theo hướng thực thi nhanh. Như Phó Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái chia sẻ ở trên, ứng dụng nền tảng công nghệ giúp rút ngắn thời gian ra quyết định nội bộ, cung cấp sản phẩm ra thị trường, và phá bỏ những hạn chế về mặt không gian để tiếp cận những khách hàng xa nhất, với chi phí thấp nhất. Đây cũng là mắt xích quan trọng để giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp nhờ giảm chi phí tài chính, từ đó, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm - dịch vụ thương hiệu Việt Nam trên thị trường.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia trong ngành, bên cạnh những lợi ích mà công nghệ mang lại thì mặt trái của nó là tạo áp lực lên năng lực quản trị rủi ro, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Trong giai đoạn mới, MB tiếp tục tăng năng lực quản trị rủi ro. Hiện nay, MB đã áp dụng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro theo basel 2. Riêng về mảng công nghệ, MB đã chuẩn bị hạ tầng bảo mật đến giải pháp CA - chữ ký số, đầu tư hạ tầng cho bảo đảm các điều kiện về bảo mật ở mức độ cao, liên tục cập nhật rà soát hệ thống và có các hướng dẫn về bảo mật thường xuyên cho khách hàng. “Cùng với quá trình đó, ngân hàng cũng có các giải pháp tiếp cận nhanh thông tin rủi ro, có thể nhanh chóng hỗ trợ khách hàng, cũng như cùng khách hàng giải quyết những sự cố đó” - Ông Lưu Trung Thái cho biết thêm.

Ngân hàng số là một trong ba trụ cột quan trọng thúc đẩy sự phát triển của MB trong giai đoạn mới. Năm 2017, ngân hàng đặt ra bốn chuyển dịch chiến lược then chốt, trong đó ngân hàng số là mục tiêu chuyển dịch đầu tiên. Ba chuyển dịch còn lại gồm: Củng cố quan hệ khách hàng, quản trị rủi ro vượt trội và quản lý hiệu quả hoạt động các công ty thành viên. Mục tiêu trong giai đoạn 2017 - 2021 đạt tăng trưởng doanh thu khoảng 20%, tăng trưởng lợi nhuận khoảng 15%. Riêng năm 2017, tăng trưởng lợi nhuận kỳ vọng ở mức 20%.

Ngân hàng cũng đang nỗ lực chuyển đổi hình ảnh MB trở thành ngân hàng thân thiện, trẻ trung, phù hợp hơn với đa dạng nhóm khách hàng, nhất là nhóm khách hàng trẻ.

Năm 2017, MB đặt kế hoạch tăng trưởng: Tổng tài sản tăng 10%, vốn điều lệ tăng 6%; dư nợ cho vay tăng 16%, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1,5%; lợi nhuận trước thuế đạt 4.532 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng đạt 4.300 tỷ đồng; tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức khoảng 11%.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/32691902-dot-pha-trong-giai-doan-moi.html