Đột phá là phải hỗ trợ DN mặt bằng sản xuất!

Doanh nghiệp xin cấp phép, được cấp phép nhanh hay chậm, đó là môi trường kinh doanh. Nhưng khi doanh nghiệp không phải xin, đó mới là hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

Mặc dù đã tổ chức không ít các cuộc hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia, các hiệp hội và doanh nghiệp, Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn nhận nhiều ý kiến khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 23/05, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, nhà nước không thể dùng tiền để hỗ trợ DNNVV, thay vào đó, cần hỗ trợ cái mình có và cũng là cái DN cần.

“Cái quan trọng nhất với DN chính là đất đai, mặt bằng sản xuất, chứ tiền thì nhà nước không có. Đối với DN, vấn đề thủ tục giao đất dự án cho các DN là rất quan trọng. Nhà nước có đất trong tay, tại sao không hỗ trợ cho họ mà lại đi hỗ trợ những cái khác, tiền làm sao mà có để hỗ trợ. Cho nên, đột phá trong việc này phải là sự hỗ trợ về mặt bằng sản xuất và đất đai, đó cũng chính là hỗ trợ nguồn lực”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV có mấy điểm còn quá chung chung, trong đó cần phải lưu ý là quỹ đầu tư khởi nghiệp được các DN lập ra, góp vốn, thậm chí còn có cả sự góp vốn của UBND cấp tỉnh.

“Như vậy là hình thành nên một quỹ tín dụng mới hay không? Liệu đó có phải là quỹ tín dụng "ngoài luồng" hay không? Nó có nằm trong hệ thống các luật về tín dụng hay không? Cơ chế quản lý và cơ chế cho vay như thế nào? Bây giờ lại nảy sinh những tranh chấp về cho vay, tranh chấp về thu hồi vốn, thì chúng ta phải tìm cách làm thế nào để giải quyết vấn đề. Nếu không xử lý được vấn đề này, sẽ nảy sinh những vấn đề mới,” Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra giải pháp ngoài chính sách hỗ trợ về đất đai, các tỉnh cần nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật. Chẳng hạn như hỗ trợ như thế nào đối với DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

“Ngoài hỗ trợ tiếp cận đất đai, địa phương có thể hỗ trợ DN bao tiêu sản phẩm trong những trường hợp đặc biệt, ví dụ như vừa qua là giải cứu lợn, giải cứu dưa hấu. Vậy nhà nước có nên đứng ra bao tiêu sản phẩm để tích trữ, hay tổ chức tiêu thụ hay không? Tôi cho rằng đó là những chính sách quan trọng nhất chúng ta cần xem xét, đặc biệt ở các tỉnh nghèo, cần phải có đề xuất lên Chính phủ để xử lý vấn đề này”.

Trước đó, tại hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp góp ý cho Dự thảo Luật do VCCI tổ chức, TS. Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã thẳng thắn cho rằng: trong thời đại hội nhập sâu rộng như hiện nay, nếu dùng hai chữ “hỗ trợ” sẽ khiến doanh nghiệp lao đao khi quan hệ thương mại với quốc tế. WTO và các Hiệp định thương mại tự do đều cấm kỵ hai chữ này, bởi nó tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp.

“Các FTA cực kỳ kỵ chữ hỗ trợ. Các nước phải giấu hai chữ hỗ trợ đi. Không hiểu sao hội nhập rồi mà ai cũng thích dùng chữ hỗ trợ. Nếu có thể, hãy đổi thành Luật Bảo vệ DNVVN, đó mới là luật xác đáng DN cần,” ông Phan Đăng Tuất nói.

Theo ông Trương Đình Tuyển, cho dù có hỗ trợ như thế nào cũng vẫn chỉ là thay đổi môi trường kinh doanh, một sự thay đổi tốt, nhưng không phải là gốc của vấn đề. Theo đó, DN xin cấp phép, được cấp phép nhanh hay chậm, đó là môi trường kinh doanh. Nhưng khi DN không phải xin, đó mới là hỗ trợ tốt nhất cho DN.

Hiền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dot-pha-la-phai-ho-tro-dn-mat-bang-san-xuat-post228248.info