Đột phá Cần Giờ bằng du lịch cộng đồng

Để thúc đẩy du lịch ở huyện Cần Giờ không thể không chú trọng, quan tâm và xây dựng loại hình du lịch mới mang tính bền vững: du lịch cộng đồng

Là một huyện ngoại thành ven biển thuộc TP HCM, Cần Giờ được thiên nhiên ưu đãi, động thực vật khá phong phú nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để thúc đẩy và phát huy hơn nữa thế mạnh du lịch của huyện Cần Giờ, cần có các chiến lược, chính sách điều chỉnh phù hợp.

Tiềm năng phát triển

Huyện Cần Giờ được xem là "lá phổi xanh" của TP HCM bởi bầu không khí trong lành và hệ sinh thái đa dạng, lý tưởng. Về tài nguyên du lịch tự nhiên, địa hình ở huyện Cần Giờ khá đa dạng. Rừng ngập mặn Cần Giờ vào năm 2000 được Tổ chức UNESCO công nhận là "Khu dự trữ sinh quyển", như tràm chim Vàm Sát, đầm dơi Vàm Sát, đảo khỉ…

Biển là nguồn lợi lớn của Cần Giờ, không chỉ phát triển ngành nuôi trồng thủy sản mà còn tạo điều kiện phát triển du lịch biển (bãi biển 30 Tháng 4, đảo Thạnh An, chợ hải sản Hàng Dương…).

Về tài nguyên du lịch nhân văn, rừng Sác là căn cứ địa cách mạng của lực lượng đặc công nước trong kháng chiến chống Mỹ. Ngày nay, chiến khu Rừng Sác được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tuy nhiên, du lịch của Cần Giờ vẫn chưa phát triển mạnh, tốc độ phát triển chưa tương xứng với lợi thế của vùng. Trên các trang web du lịch, du khách đánh giá về du lịch Cần Giờ không cao do thiếu hệ thống nhà hàng, khách sạn lớn, không có khu vui chơi - giải trí, ăn uống, mua sắm về đêm...

Có nhiều nguyên nhân khiến sự phát triển của Cần Giờ chậm, có thể khái quát là do nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn thiếu và yếu về kỹ năng quản lý, điều hành; lao động tham gia trực tiếp trong ngành du lịch còn yếu về kỹ năng nghề; thiếu sự đầu tư, quảng bá; ý thức của du khách…

Cần Giờ cần tích cực quảng bá hình ảnh để thu hút khách du lịchẢnh: Quốc Anh

Áp dụng nhiều giải pháp

Để thúc đẩy du lịch ở huyện Cần Giờ không thể không chú trọng, quan tâm và xây dựng loại hình du lịch mới mang tính bền vững: du lịch cộng đồng.

Muốn vậy, trước hết phải chú trọng đến ứng xử của những người tham gia hoạt động du lịch này (người dân địa phương, khách du lịch). Đây chính là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và sự phát triển bền vững cho hoạt động du lịch cộng đồng.

Việc nâng cao nhận thức cho người dân địa phương và khách du lịch là giải pháp cơ bản, quan trọng nhất. Nâng cao nhận thức bằng giáo dục, tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, giá trị văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế bền vững…

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người dân, cần sự hỗ trợ, chung tay của nhà nước và chính quyền địa phương. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND TP HCM, huyện Cần Giờ cần có chính sách hỗ trợ người dân địa phương tham gia xây dựng và phát triển loại hình du lịch cộng đồng, bằng việc cho vay vốn ưu đãi để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch; giúp đỡ người dân về kinh nghiệm phát triển loại hình du lịch này thông qua tài trợ các buổi gặp gỡ chuyên gia, tạo điều kiện và cấp kinh phí để tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh, thành khác…

Ngoài ra, cần có các biện pháp xử lý nghiêm những hành vi cố tình vi phạm quy định về hoạt động du lịch cộng đồng (đăng ký kinh doanh, giá cả dịch vụ, an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm).

Chính quyền các xã có các điểm du lịch cộng đồng cần xây dựng "Cẩm nang hướng dẫn du lịch cộng đồng".

Đồng thời, huyện Cần Giờ cũng cần học hỏi và xây dựng phần mềm trực tuyến sử dụng trên các thiết bị di động để quản lý vấn đề du lịch cộng đồng. Với phần mềm này, người dân có thể dễ dàng báo cáo các hành vi vi phạm trong những lĩnh vực du lịch thông qua hình ảnh, vị trí để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trước hết phải quan tâm đến hệ thống giao thông để vận chuyển du khách. Huyện có thể đẩy mạnh hơn các hoạt động thu hút vốn đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật có chất lượng cao tại các điểm, khu du lịch; đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ du lịch nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tự phát, tràn lan.

Bảo vệ môi trường

Trong Luật Du lịch năm 2017, tại khoản 15 điều 3 định nghĩa: "Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi".

Từ định nghĩa trên, có thể hiểu du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch bền vững, do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hóa địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường.

Đối với người dân địa phương, loại hình du lịch này đề cao quyền làm chủ, phân bổ lợi ích kinh tế cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng người dân.

Với khách du lịch, du lịch cộng đồng sẽ tạo cơ hội cho du khách tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường, đặc biệt là có thể giao lưu văn hóa và trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của người dân địa phương.

Tăng cường quảng bá

Không chỉ chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật mà còn cần tăng cường quảng bá du lịch Cần Giờ đến du khách trong và ngoài nước, sử dụng linh hoạt, đa dạng các hình thức để quảng bá hình ảnh.

Những thông tin mới nhất về du lịch Cần Giờ cần đưa lên website một cách nhanh chóng để tạo tính thời sự, gây ấn tượng mạnh đối với du khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, huyện Cần Giờ cần tích cực tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, tổ chức các hội thảo du lịch, triển lãm du lịch…

TS Nguyễn Khoa Huy

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dot-pha-can-gio-bang-du-lich-cong-dong-196240305203616764.htm