Đồng yen yếu đẩy lạm phát của Nhật Bản lên mức cao nhất trong 40 năm

Trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 40 năm khi đồng yen yếu đẩy chi phí hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh. Diễn biến này càng gây áp lực lên lập trường của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) rằng cần tiếp tục nới lỏng tiền tệ để duy trì tăng trưởng giá cả ổn định ở một đất nước mà tình trạng giảm phát kéo dài dai dẳng trong nhiều thập niên gần đây.

CPI cơ bản của Nhật Bản, không bao gồm giá thực phẩm tươi, tăng 3,6% trong tháng 10, mức tăng cao nhất trong 40 năm qua. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố hôm 18-11, trong tháng trước, CPI cơ bản trên toàn quốc, không tính đến giá thực phẩm tươi dễ biến động nhưng bao gồm giá năng lượng, cao hơn 3,6% so với một năm trước đó. Tốc độ này nhanh hơn so với mức tăng 3,5% mà các nhà kinh tế dự báo và đánh dấu mức tăng lạm phát hàng năm cao nhất kể từ tháng 2-1982.

Dữ liệu mới nhất cho thấy đà tăng giá cả tiếp tục lan ra ngoài chi phí năng lượng, với mức tăng chi phí thực phẩm chế biến hiện lớn hơn tác động tăng giá của điện và nhiên liệu.

Theo khảo sát của Teikoku Databank, trong tháng 10, các công ty Nhật Bản đã tăng giá khoảng 6.700 mặt hàng thực phẩm, từ sốt mayonnaise đến đồ uống. Mặc dù xu hướng này dường như đã đạt đỉnh vào tháng trước, 833 mặt hàng thực phẩm khác, bao gồm các sản phẩm từ sữa, dự kiến sẽ tăng tiếp trong tháng 11.

Tăng trưởng CPI cơ bản giờ đây đã cao hơn mục tiêu lạm phát 2% của BoJ trong tháng thứ bảy liên tiếp một phần do đà giảm giá lịch sử của đồng yen.

Tuy nhiên, bất chấp áp lực giá cả, vốn là mối lo ngại ngày càng lớn của các hộ gia đình, BoJ vẫn sẽ đứng ngoài xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu thông qua tăng lãi suất. Quan điểm đó trong những tháng qua đã khiến đồng yen giảm giá xuống mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ trong 32 năm, buộc chính phủ Nhật Bản phải thực hiện nhiều đợt can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách bán ra hàng chục tỉ đô la Mỹ để ngăn đồng yen giảm sâu thêm.

Sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nhắc lại quan điểm của ông rằng lãi suất cực thấp của BoJ vẫn phù hợp dù ông thừa nhận mức tăng lạm phát mới nhất là đáng kể và giá cả có thể tăng tốc hơn nữa.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đà tăng lạm phát hiện tại sẽ bền vững và chủ yếu được thúc đẩy bởi chi phí nhập khẩu tăng lên và đồng yen yếu hơn. “Tôi tin rằng tốc độ tăng giá sẽ giảm xuống dưới 2% kể từ năm tài chính tiếp theo”, Kuroda phát biểu trước quốc hội Nhật Bản hôm 18-11.

Trả lời báo chí vào hôm trước đó, ông Kuroda tái khẳng định cam kết duy trì kích thích tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vẫn đang phục hồi mong manh sau cơn suy thoái do tác động của đại dịch Covid-19.

Ông lập luận chi phí hàng hóa toàn cầu chiếm một nửa mức độ tăng giá cả ở Nhật Bản và lạm phát do chi phí hàng hóa sẽ không kéo dài.

Trong khi phần lớn các nhà kinh tế đồng ý với BoJ rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt vào năm tới, một phần là nhờ trợ cấp của chính phủ dành cho người tiêu dùng, một số nhà phân tích nhận định BoJ đang đánh giá thấp sức mạnh cơ bản của giá cả.

Mari Iwashita, nhà kinh tế trưởng thị trường tại Công ty Daiwa Securities, nói: “BoJ ngày càng khó để tiếp tục nói rằng lạm phát do chi phí hiện tại chỉ là tạm thời. Nếu đồng yen vẫn yếu, nhiều công ty sẽ tìm cách chuyển chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng”.

Dữ liệu lạm phát mới nhất cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đang rũ bỏ nỗi ám ảnh giảm phát kéo dài dai dẳng khi họ dần tăng giá mọi thứ, từ nhiên liệu đến thực phẩm để bù đắp cho chi phí cao hơn.

Khách hàng mua sắm trong một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Getty

Để giảm bớt ảnh hưởng của giá cả cao hơn đối với người dân, tháng trước, Thủ tướng Fumio Kishida đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 29,1 nghìn tỉ yen (208 tỉ đô la Mỹ) bao gồm khoản trợ cấp chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và hỗ trợ tiền mặt cho việc chăm sóc trẻ em.

Yuki Masujima, nhà kinh tế của Bloomberg Economics, nói: “Chính phủ Nhật Bản không gây áp lực buộc BoJ phải xoay trục chính sách. Chính phủ muốn giữ lãi suất cực thấp để giữ chi phí thấp cho các khoản vay nợ, bao gồm cả các khoản vay mới cho gói kích thích mới nhất”.

Sự phục hồi nhẹ của đồng yen trong tuần qua và kế hoạch của chính phủ để hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán các hóa đơn năng lượng có thể giúp kiềm chế giá cả.

“Tôi không thay đổi quan điểm rằng đà tăng lạm phát sẽ sớm chậm lại”, Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, nói và lưu ý giá ngũ cốc trên thị trường thế giới đang giảm.

Tuy nhiên, đợt tăng giá mới nhất có thể làm dấy lên những đồn đoán về khả năng thay đổi phương hướng chính sách của BoJ một khi có thống đốc mới thay thế ông Kuroda vào tháng 4-2023.

Các nhà kinh tế của SMBC Nikko Securities dự báo CPI cơ bản của Nhật Bản sẽ giảm xuống khoảng 2,5% vào đầu năm tới nhờ các biện pháp trợ cấp cho người dân. Nhưng họ lo ngại khi các biện pháp này được loại bỏ dần theo từng giai đoạn, tốc độ tăng giá có thể mạnh trở lại và lên khoảng 3% vào năm 2024.

Theo Bloomberg, Reuters

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dong-yen-yeu-day-lam-phat-cua-nhat-ban-len-muc-cao-nhat-trong-40-nam/