Đông về lại nhớ sắn nương

Tôi đón con gái tan học vào một chiều chớm đông se lạnh. Khi ngang qua ngã tư bỗng một mùi hương rất đỗi quen thuộc ở đâu đó khẽ thoảng tới. Tôi ngó quanh kiếm tìm, chợt thấy bên vệ đường một bà cụ bán hàng rong đang ngồi trước chậu than hồng.

Đôi tay người già chậm rãi lật giở từng củ sắn đang nướng, tí tách tỏa mùi thơm quấn quýt lấy người đi đường. Mùi thơm của sắn nướng vào tiết trời đầu đông bỗng làm tôi nhớ da diết về những bếp lửa trên nương. Những bếp lửa đỏ hồng trong hốc đá, bếp lửa của khoai sắn, của bí ngô, cơm lam… bếp lửa tuổi thơ của những đứa trẻ miền núi một thời gian khó trong tôi đã trôi xa.

Mùi thơm của sắn nướng gợi nhớ ký ức tuổi thơ.

Cứ mỗi độ đầu đông, sương mờ dần vào mỗi sáng thức giấc trên những ngọn cây cao. Khi mùa lúa đi qua sẽ đến mùa thu sắn trên nương. Khi ấy cũng là mùa đông sắp về trên đất quê tôi. Mùa đông ở miền núi thường đến sớm. Người đi làm nương buổi sáng, còn thấy hơi lạnh vấn vít đâu đó lẻn vào áo quần làm nổi da gà.

Trẻ con nằm trên lưng mẹ, vẫn gà gật ngủ đợi mặt trời lên cao mới thức dậy. Mẹ nhóm một bếp lửa bên hốc đá, gió thổi vi vút, lửa rần rật và khói ngất ngư vẽ lên trời. Củi mùa khô trên nương chẳng bao giờ thiếu.

Chỉ cần một khúc củi “Pồ Flày” (củi bố) giữ than thì bếp sẽ liu riu cháy suốt. Bếp lửa được nhóm lên từ ngày bắt đầu thu sắn đến khi hết việc thì bếp mới tắt. Nương sắn mùa đông rụng hết lá. Những cây sắn chi chít mắt, như những cột ăng ten vươn lên trời ở thành phố. Dưới lớp lá rụng khô úa, là những ụ đất căng nứt.

Đám củ nằm yên ấm trong ấy đợi tay người lôi lên khỏi mặt đất. Sắn quê tôi ngày ấy chẳng giống sắn bây giờ. Sắn quê củ không to kềnh càng, cũng chẳng tốt lá tốt cây như giống sắn lai, sắn giống mới ngày nay. Sắn quê tôi củ nhỏ chỉ cỡ đầu ngón chân cái người lớn, đất tốt lắm thì chỉ vài củ cái bằng cổ tay trẻ con. Nhưng sắn ấy là sắn nếp, là sắn lụa, ấy mới là sắn ngon.

Mẹ đặt em bé nằm bên bếp, vùi vào lớp tro nóng hổi những củ sắn căng mẩy, tươi rói. Bếp than hồng nổ lép bép tỏa hơi ấm sực. Dưới lớp tro nồng sắn kia cũng chín dần. Tới khi vỏ ngoài cháy hết, xém một chút vào lớp ruột bên ngoài là vừa chín tới tầm.

Khi ấy bữa trưa trên nương cũng vừa tới. Mẹ lôi đám sắn đã chín nục từ trong bếp than ra, rồi lại ấn quả bí ngô đắp đất vào cho bữa ăn chiều.

Sắn vừa nướng xong bở tung trắng nõn. Đưa miếng sắn lên miệng, xì xòa cho bớt nóng mà nghe vị bùi, thơm ngọt thấm tan trong miệng. Đám trẻ khoái nhất là khi chọn cho mình được củ nướng cháy vỏ. Cạo hết lớp than đen đi để lộ ra lớp cứng khô, vàng ruộm giòn tan. Ăn miếng ấy nó mới thơm bùi và ngọt làm sao.

Mùa sắn nương đến cũng là mùa gió hanh rét ngọt, là mùa sương muối. Sắn nhổ lên rồi được chặt khúc, hay thái lát ra đổ phơi luôn trên nương. Làm đến đâu, phơi đến ấy. Còn thân cây thì đem bó gọn, chất đống đầu bờ để làm giống cho vụ sau. Những mẻ sắn khô rồi sẽ được gánh về, đổ ra sàn phơi lần nữa trước khi đem bán hay cất trong hòm cáng dưới gầm sàn.

Khi gánh sắn cuối cùng về nhà lúc ấy mùa sắn nương mới đi qua. Em bé lên nương cùng mẹ từ khi đôi má còn hồng mịn. Đến khi thu xong vụ sắn, thì những đôi má ấy cũng đỏ au, nứt nẻ vì rét, vì sương muối.

Được mùa chớ phụ ngô khoai, những năm hạn hán, lúa nương không trổ được bông. Cả vùng chịu đói thì cây sắn bỗng trở thành ân nhân. Những củ sắn thành thức ăn chính trên mâm cơm mỗi nhà. Sắn luộc, sắn nướng, rồi bánh sắn…

Thế mà sắn cũng cứu người quê tôi đi qua cái đói bao nhiêu bận. Sau này khá giả hơn, thì người quê tôi vẫn trồng sắn để đổi lấy gạo, lấy thịt, lấy đồ thiết yếu dưới chợ phiên. Hoặc để chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng chẳng còn dôi dư là bao.

Cứ nghĩ cây sắn ân tình như thế sẽ chẳng ai bỏ và thay thế nó đi được. Nhưng có lần tôi đã hoảng hốt khi những nương sắn đã thưa vắng dần ở quê. Người ta không còn trồng sắn để trồng những thứ cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Những nương ớt, thuốc lá, đỗ cao sản… bắt đầu thay chỗ sắn. Người dân ấm no hơn và mọi thứ đang đổi thay dần trên vùng đá. Nhưng giữa những hân hoan, mừng vui ấy vẫn có một khoảng trống vô hình làm tôi trằn trọc mãi.

Có lẽ những gì thân thuộc nhất về một vùng đất đi vào tiềm thức, mà khi mất đi khiến người ta thật khó chấp nhận ngay. Và với tôi cũng thế, chỉ vài cơn gió đông thôi cũng làm tôi thương nhớ. Một nỗi nhớ như vòng quay quen thuộc cũ kĩ trong lòng về một thời bếp lửa-sắn nương.

NGUYỄN LUÂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dong-ve-lai-nho-san-nuong-10268044.html