Động vào là lộ sai phạm: BOT vào 'tầm ngắm'

Cuối cùng, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 32,6 tỷ đồng, trong đó giảm thanh toán hơn 11 tỷ, giảm giá trị hợp đồng hơn 21 tỷ.

Khi kiểm toán công trình BOT Cổ Chiên- Trà Vinh, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện ra nhiều sai sót và đã giảm tới 5,5 năm thời gian thu phí của dự án này. Có nghĩa, thay vì phải trả tiền phí khi qua trạm BOT Cổ Chiên (Trà Vinh) tới 20 năm, người dân sẽ chỉ phải trả tiền phí cho 14 năm rưỡi, rút ngắn được 5 năm rưỡi.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, những sai phạm kể trên trong các dự án BOT giao thông cũng đã được Kiểm toán Nhà nước báo cáo rõ ràng. Kiểm toán Nhà nước khẳng định những sai phạm, bất cập trên “cần phải được chấn chỉnh, khắc phục”.

BOT đường bộ vào “tầm ngắm”

Trong báo thẩm tra về thu chi ngân sách 6 tháng, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng đã đề cập đến các “điểm đen” BOT đường bộ.

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, tình trạng xây dựng các dự án BOT “đang có nhiều bất hợp lý”. Nhiều tuyến giao thông quan trọng, duy nhất được Chính phủ cho phép thực hiện dự án BOT để tổ chức thu phí thiếu quy hoạch, quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, đội vốn quá cao.

"Mức nộp phí cao, nộp phí để hoàn vốn cho tuyến giao thông mà người dân không sử dụng, gây bức xúc và tạo gánh nặng rất lớn cho người dân và doanh nghiệp, tăng chi phí cho sản xuất kinh doanh trong nước không hợp lý, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế", Ủy ban Tài chính ngân sách lưu ý.

Phí BOT gây nhiều bức xúc trong dư luận. Ảnh: Nguyễn Thanh

Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần rà soát và chấn chỉnh nội dung này, đồng thời báo cáo Quốc hội việc triển khai thực hiện tất cả các dự án BOT, trong đó làm rõ những tồn tại, bất cập và hướng xử lý trong đầu tư, quản lý, thu phí đối với các dự án BOT, nhất là các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông.

Trong khi đó, thuyết minh về sự cần thiết phải tiến hành giám sát chuyên đề BOT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh: Việc khai thác các công trình BOT thời gian vừa qua đã gây nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân như thu phí cao làm tăng giá cước vận tải, làm đường một nơi, thu phí một nơi khác bù cho dự án. Hay việc bố trí quá nhiều trạm thu phí chưa theo quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, đặt trạm không đúng khoảng cách quy định…

Đặc biệt, cơ quan thường trực Quốc hội cũng lo ngại việc lập, thẩm định dự án, xác định giá trị công trình, phương án hoàn vốn, kiểm soát hoàn vốn, khai thác dự án… còn bất cập, làm dư luận bức xúc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng băn khoăn việc phần lớn các dự án BOT sử dụng vốn vay ngân hàng và một số lớn dự án được Chính phủ bảo lãnh.

“Về bản chất, bảo lãnh của Chính phủ sẽ tạo ra nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và trực tiếp làm tăng nợ công. Như vậy, trách nhiệm cuối cùng của khoản vay vẫn thuộc về nhà nước thay vì chuyển dịch trách nhiệm sang khu vực tư nhân như mục đích ban đầu”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/317419/dong-vao-la-lo-sai-pham-bot-vao-tam-ngam.html