Đồng tiền thời "vay cũng chết, không vay cũng chết"

(DĐDN) Nghịch lý rằng khi nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản đang sống ngắc ngoải thì một số ngân hàng lại cho biết họ dư thừa tiền nhưng không dám cho vay. Nếu có vay được chăng nữa thì lãi suất cũng ngất ngưởng như 'uống thuốc độc' để chết từ từ. Có đại gia trong lúc tức giận đã ví ngân hàng hút cạn máu doanh nghiệp.

(DĐDN) Nghịch lý rằng khi nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản đang sống ngắc ngoải thì một số ngân hàng lại cho biết họ dư thừa tiền nhưng không dám cho vay. Nếu có vay được chăng nữa thì lãi suất cũng ngất ngưởng như 'uống thuốc độc' để chết từ từ. Có đại gia trong lúc tức giận đã ví ngân hàng hút cạn máu doanh nghiệp.

Vay cũng chết, không vay cũng chết!

Đó là lời than vãn của ông Huỳnh Văn Minh, chủ một doanh nghiệp tại TPHCM tại cuộc họp do VCCI tổ chức mới đây ở Hà Nội. Ông Minh thẳng thắn cho biết với lãi suất cho vay cao như hiện nay thì gần như không một doanh nghiệp nào có thể chịu đựng nổi. Lãi suất không những cao nhưng việc tiếp cận nguồn vốn cũng vô cùng gian nan, đặc biệt đối với các doanh nghiệp mang họ chứng khoán, bất động sản.

Ông Minh lý giải sở dĩ các doanh nghiệp còn cầm cự được là nhờ nguồn lực tích cóp được từ những năm trước. Tuy nhiên tình cảnh này cũng không thể kéo dài vì sức chịu đựng của doanh nghiệp nào cũng có hạn. Con số thống kê 79.000 doanh nghiệp khai tử thời gian gần đây chắc chắn mới là phần nổi của tảng băng nếu tình hình không được cải thiện. “Nhiều doanh nghiệp hiện nay đã ở vào tình trạng ung thư giai đoạn cuối rồi, khó khăn vô cùng. Vay cũng chết mà không vay cũng chết” – Ông Minh tâm sự.

Đồng điệu với ông Minh, doanh nhân Đặng Văn Thành cũng bày tỏ sự lo lắng trước tình hình hết sức hiểm nghèo đối với hàng loạt doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Không chỉ khó vay vốn, lãi suất cao chẳng khác gì bắt doanh nghiệp uống thuốc độc để chết từ từ vì hàng tồn kho không bán được trong khi lãi suất ngân hàng cứ đều đặn tăng lên từng ngày. Chủ tịch hội doanh nghiệp Thái Bình cũng kêu trời vì gánh nặng lãi suất. Ông cho biết một doanh nghiệp thành viên chỗ ông giai đoạn vừa rồi lỗ 3 tỷ đồng thì trong đó phần lỗ do trả lãi suất đã chiếm tới 2,7 tỷ.

Tâm sự với người viết, một đại gia bất động sản một mặt thừa nhận giai đoạn trước nhiều doanh nghiệp, trong đó có ông đã không thể cưỡng nổi cơn say kiếm tiền khi việc đó quá dễ như lấy đồ trong túi. Tình trạng đầu tư dàn trải, thi nhau chạy đua dự án đã khiến ông và nhiều người khác phải trả giá đắt, phải bán cả nhà cửa, xe cộ để trả nợ. Dù biết là tự làm tự chịu, nhưng vị đại gia này vẫn cực kỳ bức xúc, thậm chí ông bảo có người trong lúc tức giận đã ví ngân hàng hút cạn máu doanh nghiệp.

Quả cũng dễ hiểu tâm trạng ông khi bất chấp kinh tế suy thoái, doanh nghiệp chết hàng loạt, nhưng nhiều ngân hàng vẫn công bố lợi nhuận đến hàng trăm, thậm chí cả ngàn tỷ đồng. Nhân viên của ngân hàng hưởng lương cao ngất ngưởng so với mặt bằng chung người lao động vốn đang quay cuồng vật lộn với lạm phát. Ây là chưa kể tới khi doanh nghiệp cần vay vốn còn phải cạy cục, chăm sóc nhân viên ngân hàng chu đáo mới mong có kết quả. Bản thân người viết từng chứng kiến cảnh nhân viên ngân hàng đặt vấn đề với một chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu làm hồ sơ cho vay được thì phải lại quả bao nhiêu…

Thừa tiền mà không dám cho vay

Thật nghịch lý là trong khi các doanh nghiệp đang phải gồng mình chống chọi với cơn sóng thần đe dọa quét phăng mọi thành quả của họ, nhiều công ty ngắc ngoải chờ chết do lãi suất quá cao thì một số nhà băng lại tiết lộ họ dư tiền mà không dám cho vay. Tại buổi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt các chuyên gia kinh tế ngày 25/3 mới đây, ông Trần Xuân Giá Chủ tịch Ngân hàng ACB, đã nêu một thực tế rằng hiện ngân hàng của ông dư tới 3 tỉ USD mà không cho vay được.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Seabank, chủ sân golf Đồng Mô và là người đình đám với thương vụ thâu tóm khách sạn Hilton Opera Hà Nội cũng thừa nhận với lãi suất lên tới trên 20% thì chính bà cũng không dám vay. “Bản thân tôi không chỉ hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng mà tôi còn có nhiều doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác do đó tôi thấu hiểu một doanh nghiệp vay ngân hàng với lãi suất 20% thì “đố ai chịu được” – Bà chia sẻ.

Bà Nga cho biết bản thân Ngân hàng SEABank là một ngân hàng đang đứng nhóm 1 hạng A trong 4 nhóm mà Ngân hàng Nhà nước vừa mới phân loại. Về mặt thanh khoản, ngân hàng đang dư thừa rất nhiều tiền nhưng lại sợ, không dám cho vay do nợ quá hạn đã được Ngân hàng Nhà nước khống chế không quá 3%. Bà lý giải sợ là bởi nếu cho vay không đòi được thì sẽ mất thanh khoản, mà mất thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước sẽ cho vào nhóm thấp, mà nhóm thấp thì mất thành tích, không được tăng trưởng tín dụng.

Nếu ngân hàng để rơi vào tình trạng có nợ quá hạn sẽ có hai vấn đề xảy ra. Thứ nhất: Doanh nghiệp sẽ phải nộp lãi suất phạt với 150% lãi suất cho vay. Nếu lãi suất 20% doanh nghiệp may ra còn chịu được chứ đến 30% thực sự doanh nghiệp không bị ai ép cũng bị “tắc thở” rồi. Điều đó đã dẫn đến chuyện hiện nay nhiều doanh nghiệp có khả năng vay nhưng mà lại không dám vay. Thứ hai: Nếu ngân hàng bị phân quá hạn nếu vượt quá 3% thì làm sao lọt vào nhóm 1 được nữa, không được nhận bằng khen, giấy khen hoặc các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và…đủ thứ rắc rối khác. Thế thì ai dám cho vay nữa?

Nữ Chủ tịch quyền lực của Seabank cũng ‘bật mí’ hiện nay các ngân hàng đang phải chạy theo “chỉ số đẹp” để được nằm trong nhóm 1. Bà Nga phân trần: “Nhiều người cứ nghĩ ngân hàng 'ăn đủ' trong lúc kinh tế khó khăn, thực ra họ không biết những rủi ro của chúng tôi. Lời lãi chỉ là trên sổ sách cộng lại thôi chứ tiền đã đòi được đâu. Nếu doanh nghiệp gặp bề gì thì tiền gốc cũng mất luôn chứ đừng mong đến lợi nhuận”.

‘Đối thoại với kẻ thù’

Thời gian này, nhiều chủ doanh nghiệp đang tìm mọi cách để tự cứu mình vượt qua cơn bĩ cực. Tín dụng siết chặt, hàng hóa tồn kho chất đống không bán được khi sức mua giảm đã ‘đánh gục’ hàng loạt doanh nghiệp. Ngày càng xuất hiện nhiều các vụ vỡ nợ, đến nỗi một đại gia bất động sản đã tếu táo bảo rằng bây giờ là thời của dịch vụ đòi nợ thuê làm ăn phát đạt. Quả thật gần đây liên tục xảy ra chuyện xiết nợ, thậm chí dùng đến cả xã hội đen như vụ hỗn chiến đập phá 5 chiếc ô tô tại Hà Đông vừa qua.

Trong kinh doanh thì chuyện vay nợ cũng hết sức bình thường, một doanh nghiệp có thể đồng thời vừa là chủ nợ lại vừa là con nợ. Có điều như một đại gia bất động sản tầm cỡ tâm sự điều quan trọng nhất ở chỗ doanh nghiệp đó có bao nhiêu tài sản, số vay nợ sau khi cân đối nếu chiếm tỷ trọng không lớn thì không có vấn đề gì. Thực tế là vậy nhưng khi có tin đồn nọ tin đồn kia về việc thiếu nợ chắc chắn sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế khó, đương đầu và xua tan được tin thất thiệt cũng đã đủ mệt rồi.

Lúc bí vốn, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ uy tín như Vincom để có thể ‘rinh’ về một cục 185 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Những doanh nghiệp đuối sức đứng trước thực tế khắc nghiệt hoặc là phải bán tài sản, gắng vay mượn thêm cốt cầm cự chờ giai đoạn đen tối qua đi hoặc chịu phá sản hay bị thâu tóm. Chủ tịch INT Group Lê Đức Hải chia sẻ, trong lúc mối quan hệ chủ nợ - con nợ, nếu chủ đầu tư xử lý không khéo thì các cuộc trao đổi công việc hoàn toàn có khả năng biến thành ‘đối thoại với kẻ thù’, kéo theo hàng loạt rủi ro, tai họa phức tạp khó lường. Từ kinh nghiệm cá nhân trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, ông Hải càng thấm thía triết lý về ‘sức mạnh của sự tử tế’ khi ngồi lại với khách hàng.

Chính sự tử tế, chân thành, hết lòng nghĩ đến quyền lợi của khách hàng và đem lại cho họ những giá trị thực đã giúp những doanh nghiệp như INT của ông Hải vượt bão thành công.

Thục Ninh

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/2012041809426406cat54/dong-tien-thoi-vay-cung-chet-khong-vay-cung-chet.htm