Dòng tiền đổ mạnh về chứng khoán; Phạt 1,5 tỷ đồng cá nhân thao túng cổ phiếu FIR

Thị trường giao dịch khá sôi động trong tuần qua, với hai phiên đều vượt 1 tỷ đơn vị cổ phiếu được chuyển nhượng. Dù áp lực chốt lời kéo lùi VN-Index phiên 10/11, chứng khoán Việt Nam vẫn nằm trong top tăng điểm mạnh nhất thế giới.

Bất chấp phiên chốt lời, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường hồi phục mạnh nhất

Sau chuỗi tăng điểm mạnh gần 100 điểm từ đáy xác lập ngày 31/10, chứng khoán Việt Nam điều chỉnh mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần (10/11). VN-Index giảm 12,21 điểm (-1,1%) xuống 1.101,68 điểm. HNX-Index giảm 1,57 điểm (-0,69%) xuống 226,65 điểm. UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,22%) xuống 86,03 điểm.

Các yếu tố tích cực như lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm giảm về mức 4,6%, chỉ số DXY đo sức mạnh đồng bạc xanh giảm giúp tỷ giá trong nước hạ nhiệt đã hỗ trợ đáng kể cho thị trường các phiên trước.

Tuy vậy, áp lực chốt lời dần gia tăng trong 2 phiên cuối tuần, đặc biệt trong phiên ngày thứ 6 sau phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng “Fed không đủ tự tin đã thắt chặt chính sách đủ mạnh đề ghìm cương lạm phát về mức mục tiêu 2%” và lưu ý “Fed sẽ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình và tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát tăng tốc trở lại”.

Phát biểu trên đã khiến nhiều thị trường chứng khoán quốc tế giảm điểm mạnh, không riêng Việt Nam. Diễn biến chứng khoán Việt Nam tuần qua nhìn chung khá tích cực khi vẫn nằm trong top 10 thị trường tăng mạnh nhất. Một số chỉ số chứng khoán giảm 3-5%.

Tuần này, VCB (-3,3%), MSN (-3,4%), SAB (-2,4%) là các cổ phiếu vốn hóa lớn kéo giảm thị trường. Ngược lại, đà hồi phục của chỉ số được dẫn dắt bởi VIC (+8,1%), HPG (+5,6%), VHM (+4,4%) và CTG (+5,0%) là những trụ đỡ chính kìm lại đà rơi của VN-Index.

Thanh khoản bật mạnh, hai phiên liên tiếp lượng cổ phiếu giao dịch vượt tỷ đơn vị

Điểm sáng của thị trường tuần này là dòng tiền vẫn giao dịch sôi động. Giá trị giao dịch bình quân tăng mạnh 27,5% so với tuần trước, đạt 20.306 tỷ đồng. Trong đó, trên sàn HoSE, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 872,95 triệu đơn vị/phiên, tăng 24,80% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 21.217,69 triệu đơn vị/phiên, tăng 27,94% so với tuần trước. Trên sàn HNX, khối lượng giao dịch bình quân đạt 111,79 triệu đơn vị/phiên, tăng 9,57% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 2.050,03 triệu đơn vị/phiên, tăng 17,63% so với tuần trước.

Tuần này, khối ngoại quay trở lại bán ròng trên HoSE với giá trị 1.217 tỷ đồng, trong khi tuần trước mua ròng 300 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trên HNX và UPCOM với giá trị lần lượt 240 tỷ đồng (giảm 20% so với tuần trước) và 47 tỷ đồng (tăng 40% so với tuần trước). Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 930 tỷ đồng trên cả ba sàn.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh cổ phiếu MWG với giá trị 400,21 tỷ đồng, cao hơn nhiều mức bán ròng tuần trước (265 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh HPG và SHS với giá trị mua ròng lần lượt 261 tỷ đồng và 163 tỷ đồng.

Chứng khoán phái sinh dựa trên chỉ số VN100 có thể ra mắt trong quý I/2024

Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2023 "Theo dấu dòng tiền" tổ chức ngày 09/11/2023, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết cơ quan này đang có kế hoạch triển khai mẫu hợp đồng tương lai mới trên thị trường phái sinh.

Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa mới họp và thống nhất triển khai hợp đồng tương lai đối với chỉ số VN100. Lý do lựa chọn chỉ số VN100 theo đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm giảm bớt tác động của rổ VN30 bằng cách đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường.

Sau khi hợp đồng mẫu cho hợp đồng VN100 được chấp thuận, Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ sớmtiến hành thử nghiệm với các thành viên và triển khai trong quý 1/2024.

Đẩy nhanh đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán là một trong 6 định hướng quản lý của cơ quan quản lý bên cạnh nỗ lực nâng hạng của TTCK Việt Nam; tăng cường giám sát chặt chẽ thông tin, chống các tin đồn thất thiệt trên TTCK, tuyên truyền về chính sách kinh tế vĩ mô; tăng cường giám sát, kiểm tra đối với hoạt động huy động, sử dụng vốn của các tổ chức phát hành, tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán; thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát.

Xử phạt 1,5 tỷ đồng một cá nhân thao túng chứng khoán

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Nguyễn Hữu Đức. Cá nhân này đã sử dụng tài khoản chứng khoán của chính mình và 75 tài khoản của 21 nhà đầu tư để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu của CTCP Địa ốc First Real (mã FIR - sàn HOSE) nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu FIR trong khoảng thời gian từ ngày 04/01/2022 đến ngày 17/06/2022.

Mức phạt hành chính đối với vi phạm trên là 1,5 tỷ đồng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định về việc áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Nguyễn Hữu Đức gồm cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm, kể từ ngày 8/11/2023. Đồng thời, ông Đức cũng bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn 2 năm, kể từ ngày 8/11/2023.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt nhiều tổ chức

Cũng thông qua chọn mẫu, giai đoạn từ ngày 13/8/2021 đến ngày 8/4/2022 cho thấy tại một số thời điểm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng xác định Chứng khoán KIS đã cho một số khách hàng đặt lệnh mua chứng khoán khi không đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán.

Ngày 9/11/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Chứng khoán KIS trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán với mức phạt tiền 137,5 triệu đồng.

Về lỗi vi phạm công bố thông tin, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phạt 2 tổ chức gồm Công ty cổ phần Sông Đà 2 và Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS.

Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS chịu mức phạt tiền 242,5 tỷ đồng. Trong đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt tiền 92,5 triệu đồng đối với hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Do công ty không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022; Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2022 và 2023; Báo cáo thường niên 2022; Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đối với Báo cáo tài chính quý II/2023. Đồng thời, công ty bị phạt tiền 150 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin sai lệch. Năm 2021, Công ty có phát sinh giao dịch với các bên liên quan là Công ty TNHH Hải Châu, CTCP Nông dược HAI, CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone, CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Tuy nhiên, tại mục VII.2 – giao dịch giữa Công ty với người có liên quan của Công ty trong Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021, Công ty nêu “không có phát sinh giao dịch”.

Sông Đà 2 cũng chịu phạt do không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tài liệu: Giải trình ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trên Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2021 (hợp nhất); Công bố thông tin không đúng thời hạn trên trang thông tin điện tử của HNX và hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các tài liệu: Miễn nhiệm Phó tổng giám đốc Trần Văn Trường theo Quyết định số 150/QĐ-HĐQT ngày 28/12/2020, Miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng bà Phạm Thị Dinh theo Quyết định số 23/QĐ-HĐQT ngày 30/3/2021, Bổ nhiệm phụ trách Phòng tài chính kế toán ông Lê Mạnh Đoàn theo công văn số 01/QĐ-CT ngày 26/03/2021, Giải trình ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trên Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2022, Miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc (ông Đào Đức Phong) theo Quyết định của Hội đồng quản trị số 75/QĐ-HĐQT ngày 28/6/2021 và Thông báo mời họp và tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 (ngày họp 28/02/2022).

Mức phạt tiền là 77,5 triệu đồng.

Tình trạng giả mạo văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn tiếp diễn

Cũng trong tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin khẳng định không cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty quản lý quỹ là CÔNG TY TNHH QUỸ ĐẦU TƯ ALAMAT VIỆT NAM. Theo đó, qua thông tin nắm bắt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được biết hiện nay có văn bản giả mạo văn bản của cơ quan này, lừa đảo nhà đầu tư (văn bản giả mạo đề số 416/GCN-UBCK ngày 15/09/2023).

Cơ quan này khẳng định văn bản nêu trên là giả mạo. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty quản lý quỹ là CÔNG TY TNHH QUỸ ĐẦU TƯ ALAMAT VIỆT NAM và không cấp Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ đại chúng cho QUỸ ĐẦU TƯ ALAMAT VIỆT NAM. Đồng thời, Ủy ban sẽ có văn bản gửi cơ quan Công an để xử lý nghiêm vụ việc theo quy định pháp luật.

Tùng Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dong-tien-do-manh-ve-chung-khoan-phat-15-ty-dong-ca-nhan-thao-tung-co-phieu-fir-d202913.html