Đóng thiếu BHXH sẽ bị phạt và buộc truy nộp

Như tin đã đưa trên Lao Động số ra ngày 28.9, gần 60 cán bộ, viên chức Trường THPT Trần Phú - Đà Nẵng đã bị nhà trường đóng thiếu bảo hiểm xã hội (BHXH) trong nhiều năm qua. Phổ biến là cán bộ, giáo viên bậc cao, bị đóng ở bậc thấp hơn.

Ảnh minh họa - Nguồn: IE

Sự việc kéo qua đến 3 đời hiệu trưởng mới bị phát hiện. Ông T.M.T hỏi: “Trong năm tới tôi nghỉ hưu, vậy tôi phải làm gì và liên hệ đến cơ quan nào để bảo vệ quyền lợi của mình?”. Căn cứ Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1.1.2016, thì trường hợp ông T và các cán bộ, giáo viên Trường Trần Phú, thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, theo quy định của mục a, b, khoản 1, Điều 2 “ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên; cán bộ, công chức, viên chức; do đó đơn vị có nghĩa vụ đóng BHXH và BH y tế khi người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn”. Theo các quy định tại nghị định của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc; Quyết định của BHXH Việt Nam về việc ban hành quy định về quản lý thu BHXH, BHYT bắt buộc… khi đóng không đúng mức, người sử dụng lao động phải lập “danh sách truy đóng BHXH, BHYT bắt buộc” và công văn kèm theo các hồ sơ liên quan của người lao động gửi cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ, tiến hành kiểm tra, xác định số tiền phải truy đóng; trong thời gian phải truy đóng nếu người lao động bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và có khám chữa bệnh thì người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm bồi hoàn chi phí cho người lao động. Do đó, các giáo viên phải yêu cầu ban giám hiệu nhà trường truy đóng bảo hiểm cho thời gian bị đóng thiếu. Trường hợp đơn vị không xử lý người lao động có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi đơn vị đóng trụ sở để yêu cầu tòa án buộc phải giải quyết các quyền lợi liên quan đến BHXH trong thời gian làm việc tại đơn vị mà bị đóng thiếu các loại bảo hiểm. Ngoài ra hành vi vi phạm của nhà trường còn có thể bị phạt vi phạm hành chính theo Điều 26, Nghị định 95/2013 Chính phủ như sau: Phạt tiền với mức từ 12 - 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng khi người sử dụng lao động có hành vi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định. Trong nghị định này còn buộc khắc phục hậu quả gồm: Truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm; buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ Bảo hiểm xã hội trong năm.

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn luật miễn phí 19008088 để nhận được câu trả lời nhanh chóng kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến 51 Hàng Bồ, HN và 39 Trương Định, P6, Q3, TPHCM vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần để được Luật sư tư vấn trực tiếp.

Trung Hiếu (VPTVPL Báo Lao Động)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/dong-thieu-bhxh-se-bi-phat-va-buoc-truy-nop-597894.bld