Đồng Tháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh

Những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp đã làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh (QP AN) đạt nhiều kết quả. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Hữu Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp về nội dung này.

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả trong công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với củng cố, tăng cường tiềm lực QPAN của tỉnh Đồng Tháp?

Đại tá Nguyễn Hữu Cương: Bám sát nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác quân sự, quốc phòng, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; các kết luận của Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo nhiệm vụ QPAN (giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025). Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh cũng luôn chủ động tham mưu, đề xuất thực hiện các nội dung về gắn phát triển KT-XH với bảo đảm và tăng cường QPAN trong những quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án của tỉnh.

Đại tá Nguyễn Hữu Cương.

Trên cơ sở đó, tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển KT-XH; đồng thời ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển cơ sở hạ tầng, khu, cụm công nghiệp và làng nghề; khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo... Qua đó tạo nguồn lực, tăng cường tiềm lực QPAN, góp phần giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở, xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững mạnh.

PV: Thành tựu nổi bật của tỉnh năm 2023 là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Hữu Cương: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì ở mức khá cao, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Các chương trình, đề án lớn của tỉnh đều đạt kết quả tốt, bảo đảm tiến độ thực hiện; 5 mũi đột phá chiến lược đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, quy mô kinh tế của tỉnh được nâng cao, đạt mốc hơn 110.000 tỷ đồng, xếp thứ 6 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt hơn 68 triệu đồng (tăng 12,16% so với năm 2022), thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm...

Tỉnh đã xây dựng được 263 cụm, tuyến dân cư vượt lũ, trong đó có 54 cụm, 50 tuyến dân cư dọc theo biên giới, cùng 11 điểm chốt dân quân, tạo cơ hội việc làm cho gần 8.900 lao động; hoàn thành 33 công trình giao thông, phù hợp quy hoạch phát triển KT-XH, vừa bố trí dân cư tập trung, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Bên cạnh đó, từ năm 2018, tỉnh đã sử dụng nguồn ngân sách của địa phương xây dựng khu thực binh diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, huyện giai đoạn 2021-2025, diện tích hơn 30ha; đầu tư, xây dựng các công trình lưỡng dụng, cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch kết nối với đường cao tốc, nâng cấp hệ thống đường huyện, giao thông nông thôn gắn kết từ tỉnh đến xã, hệ thống đường thủy nội địa... thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển KT-XH và bảo đảm QPAN.

Một góc đô thị TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

PV: Những kết quả tỉnh Đồng Tháp đạt được là rất đáng ghi nhận, vậy còn có hạn chế gì mà đồng chí trăn trở?

Đại tá Nguyễn Hữu Cương: Theo tôi, việc thực hiện quy hoạch phát triển KT-XH gắn với tăng cường tiềm lực QPAN; xây dựng thế trận phòng thủ, thế trận quân sự trong KVPT mặc dù được quan tâm nhưng chưa đồng bộ, liên hoàn. Một số thành phần quan trọng của thế trận quân sự quan trọng chưa được đầu tư xây dựng; chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của LLVT, nhất là dân quân tự vệ, dự bị động viên có mặt còn hạn chế; công tác huy động quân nhân dự bị là công nhân tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để kiểm tra sẵn sàng động viên và tập trung huấn luyện còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn; các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo tăng cường các hoạt động chống phá...

PV: Thời gian tới, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh sẽ tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với củng cố QPAN như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Hữu Cương: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, chặt chẽ công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, địa phương, nhân dân và LLVT về sự cần thiết phải kết hợp phát triển KT-XH gắn với củng cố, tăng cường tiềm lực QPAN; kết hợp chặt chẽ các chương trình, dự án phát triển KT-XH với củng cố, tăng cường tiềm lực QPAN ngay từ trong quy hoạch tổng thể đến triển khai thực hiện của từng ngành, từng lĩnh vực. Cùng với đó là quan tâm bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, chế độ, chính sách đối với LLVT, hậu phương Quân đội và người có công; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng làng, xã, cụm làng, xã chiến đấu trong KVPT... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

QUANG ĐỨC (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/dong-thap-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-gan-voi-tang-cuong-tiem-luc-quoc-phong-an-ninh-772209