Động thái mới nhất của Nga trên trạm ISS 500 tấn

Sự kiện này cho thấy sự hiện diện chung tiếp tục của Nga và Mỹ hơn 2 thập kỷ trên ISS.

Sau hàng loạt tuyên bố của người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) cùng rất nhiều thông báo hủy hợp tác giữa Roscosmos và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), mới đây nhất Nga đã đưa 3 nhà du hành vũ trụ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - bất chấp những căng thẳng leo thang giữa Moscow và Washington về Ukraine.

Cụ thể, vào ngày 19/3/2022, tàu vũ trụ Soyuz của Nga bắt đầu một chuyến đi kéo dài hơn 3 giờ đến ISS sau khi được tên lửa phóng đi từ Sân bay vũ trụ Baikonur của Nga ở Kazakhstan vào khoảng 15:55 GMT.

Chỉ huy Soyuz Oleg Artemyev dẫn đầu nhóm, cùng với hai tân binh tàu vũ trụ là Denis Matveev và Sergey Korsakov, trong một nhiệm vụ khoa học trên ISS được thiết lập kéo dài 6,5 tháng.

Sự kiện này cho thấy sự hiện diện chung tiếp tục của Nga-Mỹ hơn 2 thập kỷ trên ISS.

Chỉ huy tàu Soyuz - Oleg Artemyev cùng với hai tân binh tàu vũ trụ là Denis Matveev và Sergey Korsakov của Nga. Ảnh: Reuters

Chỉ huy tàu Soyuz - Oleg Artemyev cùng với hai tân binh tàu vũ trụ là Denis Matveev và Sergey Korsakov của Nga. Ảnh: Reuters

Bộ ba phi hành gia mới sẽ gia nhập phi hành đoàn gồm 7 thành viên hiện tại của ISS để thay thế 3 phi hành gia dự kiến bay trở lại Trái Đất vào ngày 30/3/2022.

Đó là các phi hành gia Nga Pyotr Dubrov và Anton Shkaplerov, và phi hành gia NASA Mark Vande Hei - người sẽ xác lập kỷ lục sống lâu nhất trong không gian của NASA vào thời điểm ông trở lại Kazakhstan trên một con tàu Soyuz.

[Phi hành gia Mark Vande Hei đã đến Trạm Vũ trụ Quốc tế vào ngày 9 tháng 4 năm 2021 và sẽ trở về nhà vào ngày 30 tháng 3 năm 2022, trải qua tổng 355 ngày trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Khoảng thời gian này phá vỡ kỷ lục NASA trước đó, do phi hành gia Scott Kelly đã nghỉ hưu của NASA nắm giữ, là 340 ngày].

Phi hành gia NASA Mark Vande Hei trên trạm ISS. Ảnh: NASA

Phi hành gia NASA Mark Vande Hei trên trạm ISS. Ảnh: NASA

Ở lại trên ISS cùng với những phi hành gia Nga mới đến là 4 người, gồm: Ba phi hành gia NASA - Tom Marshburn, Raja Chari và Kayla Barron - và phi hành gia người Đức Matthias Maurer, thuộc Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA).

Bốn thành viên phi hành đoàn đó đã cùng nhau đến ISS vào tháng 11/2021 trên tàu SpaceX Crew Dragon được phóng từ Trung tâm Không gian Kennedy của NASA ở Florida (Mỹ) để bắt đầu 6 tháng làm việc trên quỹ đạo.

ISS: HƠN HAI THẬP KỶ TRÊN LEO

Được đưa vào hoạt động vào năm 1998, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) quay quanh Trái Đất ở độ cao 400 km trong Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO). Kể từ tháng 11/2000, ISS luôn có người ở và làm việc. Trạm được vận hành bởi hai nước dẫn đầu là Nga và Mỹ, cùng các nước Canada, Nhật Bản và 11 quốc gia châu Âu.

ISS ra đời một phần từ sáng kiến chính sách đối ngoại nhằm cải thiện quan hệ Mỹ-Nga sau khi Liên Xô sụp đổ.

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Ảnh: NASA

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Ảnh: NASA

Tuy nhiên, những hành động gần đây của Giám đốc cơ quan vũ trụ Liên bang Nga, ông Dmitry Rogozin, đã khiến một số người trong ngành vũ trụ Mỹ phải suy nghĩ lại về quan hệ đối tác NASA-Roscosmos.

Là một phần của các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với chính phủ Nga vào tháng 2/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ cao cho Moscow mà theo ông là nhằm 'làm suy giảm' ngành hàng không vũ trụ của Nga, bao gồm cả chương trình không gian của nước này.

Ông Dmitry Rogozin ngay lập tức đăng một loạt các tweet cho thấy lệnh trừng phạt của Mỹ có thể 'phá hủy' hoạt động đồng đội của ISS và dẫn đến việc trạm vũ trụ 500 tấn rơi khỏi quỹ đạo.

Một tuần sau, Dmitry Rogozin thông báo Nga sẽ ngừng cung cấp hoặc bảo dưỡng động cơ tên lửa do Nga sản xuất được sử dụng bởi hai nhà cung cấp hàng không vũ trụ Mỹ cho NASA, và nói rằng các phi hành gia Mỹ có thể sử dụng 'chổi bay' để lên quỹ đạo.

Người đứng đầu Roscosmos cũng cho biết vào tháng 2/2022 rằng Nga đang ngừng hợp tác với các hoạt động phóng của châu Âu tại Cảng vũ trụ châu Âu ở Guiana thuộc Pháp.

Gần đây nhất, vào ngày 17/3/2022, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) thông báo ngừng hợp tác với Nga trong sứ mệnh ExoMars Rover - mà theo dự kiến, hai bên sẽ phóng các tàu thăm dò sao Hỏa của riêng mình trên tên lửa do Nga sản xuất vào tháng 9/2022 tới.

Ann Kapusta, Giám đốc điều hành của nhóm vận động phi lợi nhuận Space Frontier Foundation, nói với Reuters trong một tuyên bố gần đây rằng Mỹ nên chấm dứt hợp tác ISS với Nga.

Tuy nhiên, các quan chức NASA khẳng định rằng phi hành đoàn của Mỹ và Nga trên ISS vẫn đang làm việc cùng nhau một cách chuyên nghiệp; và căng thẳng địa chính trị đã không ảnh hưởng đến sự vận hành của trạm vũ trụ.

Phát biểu trước 60.000 nhân viên của NASA ngày 21/3/2022, Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết: 'NASA tiếp tục làm việc với tất cả các đối tác quốc tế của NASA, bao gồm cả Roscosmos, cho các hoạt động an toàn liên tục của ISS'.

NASA tuần này đã đăng một tờ thông tin phác thảo sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kỹ thuật của các phân đoạn trạm vũ trụ của Mỹ và Nga trên trạm ISS. Trong đó có đoạn: Trong khi các con quay hồi chuyển của Mỹ cung cấp khả năng kiểm soát hàng ngày đối với định hướng của ISS trong không gian và các mảng năng lượng Mặt trời của Mỹ tăng cường cung cấp năng lượng cho mô-đun của Nga, thì Nga cung cấp động cơ đẩy được sử dụng để giữ cho trạm ISS ổn định trên quỹ đạo.

Nguồn: DM, Parabolicarc

Trang Ly

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dong-thai-moi-nhat-cua-nga-tren-tram-iss-500-tan-bat-chap-cang-thang-va-lenh-trung-phat-8202222383352525.htm