Đông Phi lo ngại về thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen bị đình trệ

Các nhà phân tích cảnh báo, loạt quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu có thể gặp phải tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do Nga rút khỏi sáng kiến ngũ cốc.

Trong nhiều năm, các quốc gia Đông Phi bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu toàn cầu, từ đó phải dựa vào xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine để duy trì an ninh lương thực. Hiện tại, việc chấm dứt thỏa thuận có thể dẫn đến giá tiêu dùng tăng cao, gây thêm căng thẳng cho nông dân và các tổ chức viện trợ thiếu tiền vốn đang phải vật lộn để đối phó với những thách thức như xung đột hạn hán.

Debisi Araba, chiến lược gia chính sách lương thực và cựu giám đốc điều hành tại Diễn đàn Cách mạng xanh châu Phi (AGRF) cho biết: “Chúng tôi đã biết hoặc có thể dự đoán ở mức độ hợp lý tác động của việc tạm dừng xuất khẩu từ khu vực đó sang phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Đông Phi và Sừng châu Phi".

Một phụ nữ Somalia chăm sóc con của mình tại một trại dành cho những người phải sơ tán ở ngoại ô Dolow, Somalia năm 2022. Ảnh: Al Jazeera.

Ông nói thêm: “Chúng ta có thể thấy áp lực lạm phát đối với giá ngũ cốc, đặc biệt là ở các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu – nơi những loại ngũ cốc này chủ yếu là lương thực nuôi sống hàng triệu người – đẩy nhiều người hơn vào tình trạng dễ bị tổn thương và bất an”.

Hồi chuông cảnh báo - giá cả leo thang

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã được Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc đàm phán vào tháng 7/2022. Sáng kiến này cho phép các tàu chở phân bón và nông sản rời ba cảng của Ukraine, đi qua các tuyến đường được lập bản đồ cẩn thận để tránh mìn và vượt qua các tàu chiến Nga trên đường đến eo biển Bosporus của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết quả là khoảng 32,8 triệu tấn ngô, lúa mì và các loại ngũ cốc khác của Ukraine đã được xuất khẩu kể từ khi thỏa thuận được ký kết vào năm ngoái.

Hơn một nửa số ngũ cốc này được chuyển đến các nước đang phát triển, thường dưới hình thức tài trợ cho Chương trình Lương thực Thế giới, riêng các nước này đã nhận được 313 tấn lúa mì của Ukraine. Phần lớn trong số đó sau đó được quyên góp cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Ethiopia, Kenya và Somalia, đại diện của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) nói với Al Jazeera qua điện thoại từ Nairobi, thủ đô của Kenya.

Tại lễ ký kết ở Istanbul năm ngoái, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã ca ngợi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen như một “ngọn hải đăng của hy vọng”.

Giờ đây, các nhà nhân đạo đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực có thể xảy ra.

Brenda Kariuki, người phát ngôn của WFP tại Đông Phi cho biết: “Chúng tôi sẽ phải xem xét các thị trường khác, điều này làm tăng thời gian giao hàng và có khả năng làm tăng chi phí vận chuyển”.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cũng có tác dụng ổn định trên thị trường toàn cầu. Kể từ khi thỏa thuận được thực hiện vào tháng 7 năm ngoái, chi phí thực phẩm đã giảm khoảng 23% so với mức cao nhất đạt được vào tháng 3 năm 2022.

Thỏa thuận này sau đó đã được kéo dài thông qua một loạt các lần gia hạn ngắn hạn, lần gần nhất là vào tháng 3/2023.

Nga hiện đã quyết định tạm dừng tham gia vào thỏa thuận trừ khi một số yêu cầu chính được đáp ứng, bao gồm cả việc nới lỏng các hạn chế đối với các sản phẩm phân bón của chính họ.

Bài toán khí hậu nan giải

Việc chấm dứt thỏa thuận có thể ảnh hưởng sâu sắc đến một số khu vực vốn đã quay cuồng với các mùa không thể đoán trước, năng suất cây trồng kém và gia súc chết hàng loạt, do hành tinh nóng lên nhanh chóng.

Ví dụ, Somalia hiện trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong bốn thập kỷ qua.

Ayan Mahamoud, chuyên gia về khả năng phục hồi khí hậu của khối thương mại Cơ quan liên Chính phủ về phát triển (IGAD) có các thành viên là Djibouti, Ethiopia, Somalia, Eritrea, Sudan, Nam Sudan, Kenya và Uganda, cho hay: “Việc kết thúc thỏa thuận ở Biển Đen đang đặt ra thêm thách thức cho các quốc gia đang chịu tác động của biến đổi khí hậu".

Biến đổi khí hậu được biết là làm gián đoạn năng suất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và sản xuất lương thực.

Mưa thưa thớt đã giúp nông dân Somali bớt căng thẳng vào đầu năm nay, nhưng nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào lương thực được vận chuyển từ các nước khác.

Sản xuất nông nghiệp ở Somalia đã rất thấp do hạn hán, nhiều thập kỷ xung đột và bạo lực. Cyril Jaurena, quản lý các hoạt động của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tại quốc gia này cho biết. Điều này khiến Somalia phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu ngũ cốc, với các loại ngũ cốc chiếm khoảng một phần ba khẩu phần ăn của người Somalia về lượng calo.

Gần 40% dân số đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ nghiêm trọng và ngay cả khi giá cả tăng nhẹ cũng có thể khiến các gia đình càng khó khăn hơn khi tìm kiếm nguồn dinh dưỡng nuôi sống họ.

Kenya, Djibouti và Ethiopia cũng đã nhập khẩu một lượng lớn ngũ cốc theo thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, và do đó sẽ phải chịu thiệt hại trong thời gian tạm dừng hoặc ngừng nhập khẩu.

Mỹ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres đều đã kêu gọi Nga tiếp tục tham gia vào thỏa thuận. Trong khi đó, Ukraine sẽ phải xuất khẩu nông sản qua đường bộ và đường sắt, với khối lượng thấp hơn và chi phí cao hơn.

"Chúng ta phải cố gắng và xây dựng khả năng tự cung tự cấp" - Brain Sserunjogi, thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế ở Uganda, nói.

Đồng thời, ông cho rằng: “Hầu hết hạn chế của chúng tôi đều nằm ở phía cung. Không chỉ phải đầu tư vào các biện pháp tưới tiêu, chúng tôi phải phát triển ngành công nghiệp phân bón địa phương”.

Trong khi giá lúa mì ở Uganda vẫn chưa giảm xuống mức trước chiến tranh, tác động của việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Uganda có thể ít nghiêm trọng hơn so với các nước láng giềng, vì nhiều người phụ thuộc vào ngô và sắn làm lương thực chính, thay vì lúa mì.

Tuy nhiên, việc chấm dứt thỏa thuận hiện tại đã mở ra cơ hội cho các cuộc thảo luận về tầm quan trọng của nội địa hóa.

Không có lý do tại sao các nước châu Phi là nhà nhập khẩu thực phẩm ròng. Jane Nalunga, người đứng đầu Viện Đàm phán Thương mại Nam và Đông Phi, cho biết: “Chúng tôi có tiềm năng phát triển lương thực, chúng tôi có tiềm năng sản xuất phân bón của riêng mình”.

Từ văn phòng của mình ở thủ đô Kampala nhộn nhịp của Uganda và bên một đĩa matoke, món chuối xanh hầm và nghiền, bà kêu gọi các Chính phủ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương và tăng cường thương mại khu vực, thay vì đàm phán lại các thỏa thuận nhập khẩu.

“Thực phẩm là vấn đề chủ quyền. Phụ thuộc vào yếu tố nào đó chỉ để ổn định lương thực, đó không phải là một quốc gia có chủ quyền”, bà Nalunga nói thêm.

Khánh Vy (Theo Al Jjazeera)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-phi-lo-ngai-ve-thoa-thuan-ngu-coc-o-bien-den-bi-dinh-tre-post257482.html