Đồng Nai: Nỗ lực giảm áp lực về trường lớp

Cứ đầu năm học mới, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) lại 'nóng' chuyện trường lớp đáp ứng nhu cầu học sinh ra lớp.

Để hạn chế quá tải, không tái diễn tình trạng học ca ba giữa đô thị công nghiệp, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đã và đang nỗ lực đưa nhiều công trình trường học vào hoạt động trước ngày khai giảng năm học mới 2023 - 2024.

Giờ học Tiếng Việt của các em học sinh lớp 1/1 tại Trường Tiểu học Hùng Vương - trường đạt chuẩn quốc gia (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc). Ảnh tư liệu (minh họa): Hồng Đạt/TTXVN

Giờ học Tiếng Việt của các em học sinh lớp 1/1 tại Trường Tiểu học Hùng Vương - trường đạt chuẩn quốc gia (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc). Ảnh tư liệu (minh họa): Hồng Đạt/TTXVN

Áp lực về trường lớp và sĩ số lớp

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Biên Hòa, mỗi dịp bước vào năm học mới, phụ huynh tại nhiều phường, xã trên địa bàn lại lo lắng về tình trạng trường lớp quá tải, nhất là ở những phường đông dân cư như Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình… Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm học, thành phố Biên Hòa tăng từ 8.000 đến 10.000 học sinh so với năm trước. Dự kiến, năm học 2023 - 2024, toàn thành phố tăng gần 9.000 học sinh, chủ yếu là cấp Tiểu học, nâng tổng số học sinh lên khoảng 229.000 em, áp lực về trường lớp và sĩ số học sinh trên lớp vẫn rất lớn.

Số học sinh của thành phố Biên Hòa đang chiếm gần 40% tổng số học sinh của toàn tỉnh Đồng Nai. Nhiều trường Tiểu học, Trung học Cơ sở luôn trong tình trạng vượt cao về sĩ số so với quy định, khoảng 45 - 50 em/lớp; trong đó có cả các "siêu trường" với từ 4.500 đến hơn 5.000 học sinh.

Là một trong những phường có dân cư đông nhất thành phố Biên Hòa với trên 70.000 dân, nếu không có cơ sở mới đưa vào sử dụng trong năm học 2023 - 2024, phường Tân Phong buộc phải tổ chức cho học sinh học ca ba vì không thể mượn thêm các phòng học lân cận.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Phong cho biết, áp lực về trường lớp tại phường đã kéo dài trong nhiều năm, do dân số tăng cơ học nhanh, kéo theo đó là nhu cầu ra lớp 1 và lớp 6 hằng năm đều tăng cao. Trong năm học này, áp lực trường lớp đã giảm khi công trình xây dựng Trường Tiểu học Tân Phong, quy mô 30 phòng học được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, công trình xây dựng Trường Mẫu giáo Tân Phong với quy mô 12 phòng học đang được gấp rút hoàn thành trong năm 2023.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, số lượng phòng học vừa được xây dựng, đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng đủ số lớp của địa phương trong năm học này, không phải đi mượn cơ sở khác để tổ chức dạy học. Dù không thực hiện được theo chương trình mới là học sinh học hai buổi/ngày nhưng bảo đảm dạy học 6 buổi/tuần.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Biên Hòa, thành phố đã đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều công trình trường học mới, nhất là tại các phường tập trung đông người nhập cư như Tân Phong, Long Bình Tân, Trảng Dài, Phước Tân... Tuy nhiên, do số lượng học sinh tăng cao, các dự án trường học xây mới chưa đáp ứng kịp nhu cầu học sinh ra lớp.

Nỗ lực giảm áp lực về trường lớp

Không riêng tại phường Tân Phong, năm học này, thành phố Biên Hòa đang nỗ lực kéo giảm áp lực về trường lớp ở các phường, xã khác thông qua việc quyết liệt đầu tư về trường lớp với mục tiêu không để tái diễn tình trạng dạy ca ba, giảm sĩ số/lớp học và tăng số trường dạy 2 buổi/ngày.

Trong năm 2023, thành phố Biên Hòa chỉ đạo thi công 66 dự án trường học, trong đó có 16 dự án đang triển khai, 11 dự án đã hoàn thành, 36 dự án đang chuẩn bị hồ sơ và 3 dự án đang nghiệm thu. Những dự án được xây mới đều có quy mô phòng học lớn, đồng bộ, đồng thời có tầm nhìn xa, đảm bảo công năng sử dụng lâu dài, phù hợp với những thay đổi trong dạy và học theo hướng hiện đại của ngành Giáo dục.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Biên Hòa, việc đưa các công trình này vào hoạt động góp phần giúp nhiều trường học giảm sĩ số từ trên 50 học sinh/lớp xuống còn dưới 45 học sinh/lớp với bậc Trung học Cơ sở và dưới 40 học sinh/lớp với bậc Tiểu học. Bên cạnh đó, nhiều trường học trước đây quá tải về sĩ số nay sẽ không còn phải dạy và học nhờ một số cơ sở bên ngoài. Điều này không chỉ tạo thuận lợi trong công tác giảng dạy, học tập mà còn góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa cho biết, thành phố quan tâm, chỉ đạo gấp rút xây dựng trường lớp để đảm bảo cho học sinh trên địa bàn có lớp học, đảm bảo sĩ số học sinh trên các lớp theo đúng quy định. Thành phố đã có kế hoạch đầu tư xây dựng trường lớp giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo. Trong năm 2023, thành phố có 16 dự án trường học được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, đồng thời tiếp tục triển khai thi công thêm 8 dự án trường học để trong những năm học tiếp theo không còn xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp trên địa bàn thành phố.

Làm việc về công tác chuẩn bị năm học mới tại thành phố Biên Hòa và một số địa phương "nóng" về vấn đề trường lớp, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị các ngành, địa phương tăng cường chuẩn bị trường lớp chu đáo. Với những công trình có thể hoàn thành trước năm học mới, phải chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu tập trung tối đa, thi công cả ngày lẫn đêm, kịp bàn giao cho các trường phục vụ năm học mới. Các ngành, địa phương rà soát lại công tác quy hoạch để có giải pháp căn cơ, theo kịp với sự gia tăng sĩ số học sinh hằng năm, trong đó, lưu ý các chủ đầu tư các khu đô thị, dân cư thực hiện đúng quy hoạch đất được duyệt xây dựng trường học.

Lê Xuân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/dong-nai-no-luc-giam-ap-luc-ve-truong-lop-20230802092024595.htm