Đồng Nai: Ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Kể từ ngày 15/2/2024 quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có hiệu lực.

Theo Quyết định số 04/2024/QĐ-UBND về nội dung ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh bao gồm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phát sinh.

Yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân sinh sống (bao gồm cả người nước ngoài), các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định.

Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phải được quản lý theo hướng giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế để khai thác tối đa giá trị tài nguyên của CTRSH.

Đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm và nghĩa vụ phân loại CTRSH phát sinh phù hợp với mục đích quản lý, xử lý và chi trả giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và các quy định của pháp luật có liên quan.

Ảnh minh họa.

CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, tổ chức, cá nhân được phân loại tại nguồn thành 5 nhóm.

Thứ nhất, nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế như: Giấy thải (sách, truyện, vở, báo cũ, giấy viết, thùng, bìa carton…); nhựa thải (Các loại ghế nhựa, thau, chậu nhựa; ly, cốc nhựa…); kim loại thải (xoong, nồi, niêu, ấm nước, bếp gas…); cao su (đồ chơi bằng cao su, săm, lốp…)

Thứ hai, nhóm chất thải thực phẩm: Thức ăn thừa, hư; vỏ trái cây, rau củ; bã trà, giấy ăn, hoa lá, xác động vật và các loại khác có tính chất, thành phần tương tự.

Thứ ba, nhóm chất thải cồng kềnh: Là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế, gốc cây, thân cây, cành cây và vật dụng khác tương tự.

Thứ tư, nhóm chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động sinh hoạt: Pin, acquy, bình đựng hóa chất tẩy rửa, bình xịt côn trùng thải, bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn điện tử, thiết bị điện tử, dược phẩm hết hạn và các loại thiết bị điện tử gia dụng không còn giá trị sử dụng.

Thứ năm, nhóm CTRSH khác: Là các loại chất thải phát sinh trong hoạt động sinh hoạt mà hộ gia đình, cá nhân, tổ chức không xác định ở các loại chất thải trên.

Về phương thức tập kết chất thải rắn ở đô thị thì các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chỉ được đặt, để bao bì có chứa chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác tại vị trí phù hợp cho việc thu gom của đơn vị nhận thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trong khoảng thời gian từ 19h đến 22h vào các ngày theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp xã (không tập kết thời điểm trời mưa, gần các hố ga thoát nước).

Đối với các khu vực tại nông thôn thì thời gian, vị trí tập kết CTRSH thực hiện theo kế hoạch, phương án thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Các phương tiện chuyên dụng vận chuyển CTRSH phải đáp ứng các yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải.

Phương tiện thu gom, vận chuyển được sơn màu xanh lá cây, phải có dòng chữ “THU GOM CHẤT THẢI THỰC PHẨM” khi thu gom, vận chuyển đối với nhóm chất thải thực phẩm.

Xe thu gom chất thải.

Để thực hiện có hiệu quả Quyết định trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho các Sở phối hợp cùng UBND cấp huyện, thành phố liên quan để xây dựng phương án thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, còn tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn để tái chế, tái sử dụng, thu gom, lưu giữ, chuyển giao, xử lý chất thải rắn theo đúng quy định.

Đoàn Công Vũ

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dong-nai-ban-hanh-quy-dinh-ve-quan-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat-a650452.html