Động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế

Một trong những động lực quan trọng để kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,91% trong năm 2020 là đầu tư công (ĐTC). Hàng loạt dự án hạ tầng được xây dựng bằng vốn ĐTC đã góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động.

Một trong những động lực quan trọng để kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,91% trong năm 2020 là đầu tư công (ĐTC). Hàng loạt dự án hạ tầng được xây dựng bằng vốn ĐTC đã góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động.

Tốc độ giải ngân tăng cao nhất 10 năm qua

Nhận diện tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng toàn diện nền kinh tế Việt Nam năm 2020, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn ĐTC (GNVĐTC), coi đây là giải pháp tích cực để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Quyết liệt hơn, từ tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc nhằm đôn đốc công tác ĐTC. Sau hội nghị, Chính phủ tổ chức bảy đoàn công tác tại các bộ, địa phương để nắm bắt thực tế, kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân. Nhiều giải pháp thúc đẩy GNVĐTC đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ rà soát hệ thống pháp luật về ngân sách, đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án ĐTC; khẩn trương hoàn thiện công việc giao chi tiết kế hoạch vốn ĐTC năm 2020 cho các dự án; tổ chức thực hiện dự án nhằm giải ngân cao nhất kế hoạch vốn được giao.

Nhờ đó, tiến độ GNVĐTC có sự chuyển biến rất tích cực trong nửa cuối năm 2020 để bứt phá đạt 91,1% kế hoạch cả năm. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê (TCTK), GNVĐTC năm 2020 đạt 466,6 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% kế hoạch năm và tăng 34,5% so năm trước. Mặc dù giải ngân không đạt 100% kế hoạch nhưng tỷ lệ này có cải thiện và tích cực hơn cùng kỳ năm 2019 do quy mô vốn ĐTC năm 2020 tăng cao hơn năm trước. Đáng lưu ý, đây là năm có mức tăng GNVĐTC cao nhất trong cả giai đoạn 2011 - 2020, cũng là năm tập trung giải ngân vốn cho nhiều dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng, có ảnh hưởng lan tỏa, tác động nhiều địa phương, điển hình là ba dự án đường cao tốc bắc - nam gồm đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công trong quý III.

Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (TCTK) Phạm Đình Thúy cho biết, với mức tăng trưởng ấn tượng này, ĐTC đã thật sự là yếu tố dẫn dắt tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động toàn diện mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Với việc khởi công nhiều công trình, dự án quan trọng, ĐTC đã tác động tích cực, tạo động lực và dư địa cho các ngành sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP cả năm 2020. Việc quyết liệt đẩy nhanh tiến độ GNVĐTC trong những tháng cuối năm đã góp phần quan trọng đưa mức tăng trưởng quý IV-2020 phục hồi mạnh mẽ 4,48%, vượt xa mức tăng trưởng của ba quý còn lại. “Theo tính toán của TCTK, vốn ĐTC giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm. Tác động lan tỏa lớn nhất từ ĐTC thể hiện qua sự tăng trưởng 6,76% của ngành xây dựng, đưa ngành xây dựng trở thành điểm sáng đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP và kéo theo giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó là sức lan tỏa đến các ngành liên quan khác như sản xuất xi-măng, vật liệu xây dựng, giao thông vận tải. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng được thúc đẩy cũng là điều kiện tiền đề để môi trường đầu tư, kinh doanh phát triển, thu hút nhiều đầu tư hơn, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí vận chuyển”, ông Phạm Đình Thúy phân tích.

Bài học rút ra từ sự chuyển biến tích cực trong công tác thực hiện và GNVĐTC năm qua là các cấp, các ngành cùng nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT), tình hình thực hiện và GNVĐTC trong khối địa phương có chuyển biến tích cực hơn so với mức chung, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu với những cách làm hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, ngay từ đầu năm, tỉnh đã phân công các lãnh đạo thường trực làm việc với các huyện để hỗ trợ, tháo gỡ ách tắc về thủ tục và công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho nên “điểm nghẽn” lớn nhất đã được giải tỏa. Các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc chậm triển khai sẽ bị điều chuyển vốn sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao sau tháng 6-2020. Với những biện pháp quyết liệt nêu trên, tỷ lệ GNVĐTC của Tiền Giang nằm trong tốp đầu cả nước. Nhiều địa phương đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả GNVĐTC. Tại Ninh Bình, HĐND họp hằng tháng để điều chuyển vốn từ công trình này sang công trình khác đang triển khai tốt. Xác định khâu GPMB có tính chất quyết định tiến độ dự án, lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp xuống hỗ trợ Chủ tịch UBND các huyện vận động hệ thống chính trị trong công tác GPMB, bàn giao đất sạch cho dự án…

Bố trí vốn sát với khả năng thực hiện

2021 là năm đầu tiên của chu kỳ ĐTC trung hạn 2021 - 2025, dự kiến tháng 7-2021, Quốc hội sẽ thông qua kế hoạch ĐTC cho giai đoạn này. Triển khai Nghị quyết 129 của Quốc hội về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2021, Chính phủ đã xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm phân bổ vốn năm 2021 đúng quy định, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch ĐTC và giải ngân ngay từ đầu năm. Định hướng ĐTC cho năm đầu tiên của kế hoạch vốn trung hạn, Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để phát huy hiệu quả đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB, đền bù, tái định cư của các dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2021 - 2025 để tạo tiền đề tốt thực hiện dự án. Đây cũng là năm cả nước sẽ khởi công mới một số dự án có tính chất cấp bách, quan trọng, có tác động tích cực quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án cấp bách theo quy định của Luật ĐTC...

Để nâng cao hiệu quả giải ngân, Bộ KH và ĐT đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, cho biết đây là năm bắt đầu thực hiện quy định giải ngân một năm theo Luật ĐTC năm 2019. Theo đó, trường hợp đến ngày 31-1 năm sau năm kế hoạch, các bộ, ngành, địa phương không giải ngân hết kế hoạch ĐTC được giao, Bộ KH và ĐT sẽ tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cắt giảm kế hoạch vốn tương ứng với số vốn không giải ngân hết, không được kéo dài thời gian thực hiện và bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, Bộ KH và ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, bố trí vốn sát với khả năng thực hiện của dự án, bảo đảm giải ngân hết 100%, hạn chế việc phải điều chuyển, cắt giảm kế hoạch, ảnh hưởng tổng thể kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời phải triển khai công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án quan trọng, các dự án hạ tầng quy mô lớn, có tác động lan tỏa, tạo đà cho tăng trưởng, phát triển trong dài hạn.

Vốn ĐTC tập trung chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, nông nghiệp… cho nên khi nguồn vốn này được giải phóng sẽ có vai trò như vốn mồi thu hút nguồn vốn từ khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài, qua đó tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mục tiêu đặt ra là từ 33 đến 34% GDP, là nhân tố vô cùng quan trọng để phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020. Cụ thể, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn NSNN so năm trước các năm 2011 - 2020 lần lượt là: 25,9%; 15%; 1%; 0,3%; 12,4%; 16,1%; 6,6%; 12,2%; 7,1%; 34,5%. Đây là kết quả đẩy mạnh thực hiện và GNVĐTC nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam. Vốn ĐTC thực hiện năm 2020 đạt 466,6 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% kế hoạch năm và tăng 34,5% so năm trước (năm 2019 bằng 90,5% và tăng 7,1%). Trong đó: Vốn T.Ư quản lý đạt 84 nghìn tỷ đồng, bằng 91,4% kế hoạch năm và tăng 59,7% so với năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 382,6 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% và tăng 29,9%.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/dong-luc-dan-dat-tang-truong-kinh-te-630019/